Bài học từ việc trùng tu di tích Chùa Cầu

Không riêng di tích Chùa Cầu (Hội An) bị phản ứng khi mang lớp áo mới sau trùng tu. Nguyên nhân dẫn đến những tranh luận xuất phát từ sự quan tâm chưa đúng mức trong việc truyền thông quá trình, kỹ thuật trùng tu và nhiều quan điểm khác nhau về bảo tồn di tích. Đó cũng là lời nhắc nhở chung cho những nhà quản lý khi đụng chạm tới di sản.

Cứ trùng tu là gây tranh cãi

Khoác lên chiếc áo mới sau hơn một năm hạ giải trùng tu, Chùa Cầu (Hội An) bỗng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, việc trùng tu biến di tích Chùa Cầu có hàng trăm năm tuổi đời thành di tích “một ngày tuổi” bởi vẻ ngoài có màu tươi mới. Trước ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu di sản đã lên tiếng.

Di tích Chùa Cầu sau trùng tu nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: HOÀI VĂN

Di tích Chùa Cầu sau trùng tu nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: HOÀI VĂN

Các chuyên gia đồng thuận rằng, di tích Chùa Cầu được trùng tu bài bản, khoa học, kỹ càng nhất từ trước đến nay.

“Dự án này có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước địa phương, các nhà khoa học trong nước và các chuyên gia quốc tế triển khai với quy trình nghiêm ngặt, cụ thể. Những người thực hiện trải qua quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án, hạ giải thi công, làm nhà bao che, thi công... lên tới 5 năm”, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nói.

Nhà nghiên cứu sử học, TS Trần Đức Anh Sơn khẳng định, công tác trùng tu Chùa Cầu đã tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật. “Tôi tán thành phương án trùng tu hạ giải được áp dụng cho Chùa Cầu, sau khi tổ chức hội thảo để đánh giá và lựa chọn phương án.

Công tác trùng tu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc, đạt kết quả trùng tu tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn”, TS Sơn nêu.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh, sau khi trùng tu, hạ giải, không thể vừa có cấu kiện mới vừa có vẻ rêu phong. Bởi sau trùng tu, di tích cần được đưa về màu gốc khi nghiên cứu, phát hiện xưa kia. Câu chuyện này từng xảy ra trước đây khi sơn sửa Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), dinh thự vua Mèo tại huyện Bắc Hà (Lào Cai)…

Nhiều di tích bị phản ứng sau khi khoác áo mới

Nhiều di tích bị phản ứng sau khi khoác áo mới

Một số chuyên gia cho rằng, nhiều địa phương và đơn vị quản lý di sản chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức trong việc truyền thông quá trình, kỹ thuật trùng tu. Điều này khiến thông tin đến với người dân còn hạn chế, gây ra những tranh cãi không đáng có.

“Chúng tôi hoan nghênh và cảm động khi di sản văn hóa ngày càng nhận được sự quan tâm, yêu mến của người dân. Tuy nhiên, với việc phê bình, góp ý cho công tác trùng tu di tích, chúng ta cũng cần nhìn nhận cặn kẽ, khoa học và thấu đáo, bởi việc tu bổ thực hiện công phu mà bị ném đá là làm mới di tích cũng làm nhụt chí của người thực hiện”, PGS Bài cho biết.

Nhận diện giá trị cốt lõi của di tích gốc

Những tranh luận, tranh cãi liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo di tích còn đến từ các quan điểm hiện đại, phong phú về bảo tồn di tích. Sự đa dạng, phong phú về quan điểm tạo ra nhiều xu hướng trùng tu, bảo tồn di tích khác nhau. Nhà nghiên cứu di sản Lưu Diệu Linh khẳng định, công tác bảo tồn là một hoạt động văn hóa, mỹ thuật, kỹ thuật và thủ công dựa trên các nghiên cứu có hệ thống về nhân văn và khoa học.

Trước khi trùng tu, một số hạng mục của Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng

Trước khi trùng tu, một số hạng mục của Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng

“Ngày nay, trong sự phát triển đa tuyến của các vấn đề kinh tế xã hội, sự đa dạng của văn hóa toàn cầu, các quan điểm hiện đại về bảo tồn di tích trở nên rất phong phú, đa dạng.

Với cùng một di tích nhưng những người quản lý, nhà nghiên cứu, nhà trùng tu bảo tồn có thể có cách ứng xử khác nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hoạt động bảo tồn di tích thường vấp phải những ý kiến trái ngược nhau”, bà Linh nhận định.

Tuy có nhiều quan niệm về bảo tồn, trùng tu di tích, nhưng có một số nguyên tắc cơ bản mà hoạt động này cần tuân thủ là phải quan tâm đến việc đảm bảo tối đa các yếu tố gốc của di tích. PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định, việc phục hồi, trùng tu các di tích rất khó khăn nên luôn xuất hiện nhiều ý kiến.

“Nếu di tích xuống cấp thì việc trùng tu là điều không tránh khỏi. Bất cứ công trình lịch sử, văn hóa hay kiến trúc nào cũng bị thời gian bào mòn và làm mai một. Các di tích lịch sử ấy sẽ dần xuống cấp theo thời gian, thậm chí có thể bị hủy hoại”, PGS Đức nêu.

Họa sĩ, kiến trúc sư Lý Trực Dũng (từng tham gia trùng tu nhiều công trình) nêu quan điểm luôn phải tôn trọng giá trị lịch sử khi trùng tu bất cứ di tích nào. “Nếu như đánh mất giá trị lịch sử, công việc trùng tu trở thành vô nghĩa. Cần cách ứng xử có văn hóa với di tích. Để làm được điều này, đội ngũ tham gia trùng tu di tích phải thực sự cẩn trọng, hiểu biết về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật… và đặc biệt là kết cấu gốc của di tích”, ông Dũng nói.

Các chuyên gia nhấn mạnh, tuyệt đối không được trùng tu, phục hồi, tôn tạo, tu bổ di tích dựa trên các giả thuyết. Một khi xuất hiện các giả thuyết trong trùng tu, hoạt động này phải dừng lại ngay.

Khi xuất hiện các thành phần mới nhằm thay thế và bổ sung những vật liệu cũ không thể tìm thấy, người thực hiện trùng tu cần tạo ra sự khác biệt để phân biệt được thành phần nguyên gốc để tránh sự nhầm lẫn cho những thế hệ tiếp theo. Câu chuyện trùng tu di tích Chùa Cầu (Hội An) một lần nữa là bài học, lời nhắc nhở cho việc tu bổ di tích sau này.

Kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản

Các di sản, di tích lịch sử ở các nước gần Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều trông rất mới và sạch sẽ sau khi được trùng tu. Theo đó, phong cách trùng tu bảo tồn của Trung Quốc là sử dụng công nghệ chụp, quét ảnh để tạo ra bản thiết kế vô cùng chi tiết của công trình, sau đó hạ giải công trình và xây mới hoàn toàn bằng vật liệu mới. Những công trình được trùng tu theo cách này có thể kể đến Hoàng Hạc Lâu, một số kinh đô cổ ở Trung Quốc.

Phong cách trùng tu của Nhật Bản lại khác, khảo sát di tích xem hạng mục vật liệu nào dùng được thì gia cố, phần nào hỏng thì bỏ và đánh dấu phân biệt giữa vật liệu mới và vật liệu lịch sử. Nhiều ngôi chùa cổ ở Nhật được hạ giải hoàn toàn, dựng lại kiến trúc mới giống y như cũ. Việc trùng tu này tượng trưng cho trường phái bảo tồn tinh thần di tích của Nhật Bản.

GIA LINH - NGỌC ÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bai-hoc-tu-viec-trung-tu-di-tich-chua-cau-post1660047.tpo