Vụ thu hồi giải thưởng ảnh: Nhiếp ảnh thiếu trung thực

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - chia sẻ với Tiền Phong quanh những ồn ào thu hồi giải thưởng, chất lượng tác phẩm của một số cuộc thi nhiếp ảnh thời gian gần đây.

Tác giả dự thi thiếu trung thực

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ ồn ào xảy ra quanh những cuộc thi nhiếp ảnh. Hôm 29/8, Hội Nhiếp ảnh TPHCM tổ chức triển lãm, trao giải Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Truyền thống TPHCM lần thứ 49 năm 2024.

Tác phẩm Chiều công trường của tác giả Lâm Điều Trung đoạt Huy chương Đồng nhưng bị thu hồi vài ngày sau đó vì đám mây trong ảnh được ghép từ kho hình ảnh mây của phần mềm Adobe, không phải do tác giả tự chụp.

Ảnh Chiều công trường bị thu hồi giải thưởng. Ảnh: Lâm Điều Trung.

Ngày 23/8, tác phẩm Ánh sáng tương lai cũng đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ. Nhưng chỉ vài ngày sau, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam ra quyết định hủy và thu hồi giải thưởng. Ban kiểm tra của Hội NSNA xác minh tác phẩm, tác giả xác nhận là chụp ở địa điểm ngoài khu vực Đông Nam bộ, như vậy là vi phạm thể lệ của liên hoan này.

Trong số các tác phẩm đoạt giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2024, bức ảnh Tân binh lên đường nhập ngũ bị nhận xét không xứng đáng đoạt Huy chương Bạc vì thiếu tính nghệ thuật.

Tác giả Nguyễn Kim Hoàn nhận giải thưởng ở cuộc thi khác, sau khi bị thu hồi giải ở Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ.

Tháng 6, Ban tổ chức cuộc thi ảnh Việt Nam điểm hẹn thế giới 2024 bất ngờ thông báo rút tác phẩm đoạt giải do phạm quy, trong đó có cả tác phẩm đoạt giải cao nhất nhưng không công bố lý do cụ thể.

Trước đó, không ít tác phẩm dù giành giải cao ở các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước nhưng vẫn bị chê vì chất lượng thấp. Năm 2021, tác giả bức ảnh đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 51 dù đã lên tiếng đính chính nhưng vẫn bị nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chỉ trích vì mang ảnh chắp ghép, đã qua can thiệp dự thi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam - chia sẻ với Tiền Phong quanh những ồn ào của cuộc thi nhiếp ảnh thời gian gần đây. Ông khẳng định việc thu hồi giải thưởng do người dự thi vi phạm thể lệ cuộc thi, không phải do lỗi của Hội đồng giám khảo hay Ban tổ chức. Các tác giả phải trung thực và tự chịu trách nhiệm trước tác phẩm dự thi.

Nghệ sĩ Hồ Sỹ Minh nêu các cuộc thi và liên hoan khu vực đều có thể lệ quy định rõ ràng. Tuy nhiên, do bó hẹp không gian sáng tác trong phạm vi các tỉnh trong khu vực, lại tổ chức kéo dài liên tiếp hàng chục năm nay nên các nghệ sĩ ít có đề tài mới để khai thác, dẫn đến việc thường xuất hiện những tác phẩm trùng lặp về đề tài, na ná của năm này với năm trước…

"Có những tác giả chưa trung thực hay nói nôm na là chơi không đẹp trong sân chơi vốn dĩ rất lành mạnh này. Có những ảnh đã được triển lãm hoặc giải thưởng những năm trước, năm sau lại chuyển màu sang đen trắng hoặc ngược lại để dự thi", NSNA Hồ Sỹ Minh nói.

Do nhu cầu và mong muốn của các địa phương, Hội NSNA Việt Nam vẫn duy trì liên hoan khu vực nhưng từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng liên hoan bằng hình thức thi sòng phẳng, không chấm riêng từng tỉnh như trước đây và đổi mới cách thức tổ chức để đạt hiệu quả cao hơn.

Hội NSNA Việt Nam tổ chức hội thảo và tập huấn về thẩm định ảnh. Ảnh: Hội NSNA VN.

Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cũng nhìn nhận thực trạng nhiếp ảnh ở nước ta còn nhiều bất cập, ít nghệ sĩ được đào tạo bài bản, hầu hết là tự học. Khoa Nhiếp ảnh của Đại học Sân khấu - Điện ảnh mỗi năm cũng chỉ tuyển sinh đào tạo vài chục sinh viên. Số sinh viên này ra trường cũng không mấy người mặn mà theo đuổi chuyên ngành ảnh nghệ thuật.

Công tác chọn giám khảo cũng khó khăn vì chế độ bồi dưỡng thấp, dễ nhận “gạch đá” nên một số nghệ sĩ có tay nghề cao từ chối ngồi vào ghế nóng.

Về các cuộc thi và liên hoan để lại ồn ào sau lễ trao giải, NSNA Hồ Sỹ Minh cho rằng cảm xúc, nhận thức về nhiếp ảnh của từng người khác nhau. Trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ sự thẩm định và tôn vinh các giải thưởng chưa thuyết phục.

"Trong mặt bằng chung của từng cuộc thi, Hội đồng giám khảo cũng hết sức cố gắng cân nhắc từng tác phẩm, không thể so sánh cuộc thi này với cuộc thi khác. Giám khảo dù có giỏi đến mấy, nếu không có tác phẩm dự thi tốt thì không thể chọn được bộ giải tốt", ông Hồ Sỹ Minh nêu quan điểm.

Ông cho rằng qua những cuộc thi, Ban giám khảo cũng cần tiếp thu, lắng nghe dư luận để rút kinh nghiệm, chấm chọn ở các cuộc thi khác tốt hơn, không để những cảm xúc cá nhân, hay những vấn đề khác lấn át các tiêu chí cuộc thi. Hội đồng chấm cần có sự thống nhất cao khi quyết định thứ hạng của giải thưởng", ông Hồ Sỹ Minh nêu quan điểm.

Về những tranh cãi liên quan đến ranh giới xác định ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật, tay máy kỳ cựu cũng cho rằng loại hình nào cũng yêu cầu ảnh phải đẹp, phải hoàn hảo về mọi thủ pháp nghệ thuật, có nội dung thông tin cần thiết và thông điệp rõ ràng.

Chấm dứt việc giải đã trao nhưng tiền thưởng vẫn nợ

Do nguồn kinh phí hạn hẹp, Hội NSNA Việt Nam cho biết phải vận dụng các mối quan hệ, phối hợp với các bộ, ban ngành, các đơn vị, tập đoàn để tổ chức nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật, trại sáng tác.

Với các cuộc thi cấp khu vực khi Hội đồng giám khảo chấm xong đều phải thông qua Ban thường vụ trước khi công bố, trừ các cuộc chấm trực tiếp. Theo Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, hai cuộc liên hoan khu vực chấm trực tiếp không thông qua Ban thường vụ vừa qua đã gây nên những lùm xùm về kết quả.

Để tránh những lùm xùm đáng tiếc sau các cuộc thi, NSNA Hồ Sỹ Minh cho rằng trước hết tác giả phải tuyệt đối trung thực với tác phẩm dự thi. Ban tổ chức cần chọn Hội đồng giám khảo đủ tâm, đủ tầm, vô tư trong sáng khi chấm giải.

Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Hồ Sỹ Minh khẳng định kinh phí eo hẹp là rào cản lớn với sự phát triển của nhiếp ảnh tại Việt Nam.

"Nên bố trí thành viên Ban lý luận phê bình tham gia vào Ban tổ chức hoặc Ban giám khảo các cuộc thi để có một cách nhìn và đánh giá tổng quát. Khó khăn lớn nhất vẫn là chuyện kinh phí. Vì vậy để cải thiện chất lượng các cuộc thi, nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật, Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động cần thiết như đào tạo nghệ sĩ, nâng cao chất lượng sáng tác... ", ông Hồ Sỹ Minh đề xuất.

Phó Chủ tịch Hội NSNA cho biết đã gần hết quý 3, các cuộc thi, liên hoan các khu vực gần kết thúc nhưng kinh phí vẫn chưa có. Giải thưởng, huy chương đã trao nhưng tiền giải thưởng vẫn phải nợ các tác giả.

Ban tổ chức cần chọn Hội đồng giám khảo đủ tâm, đủ tầm, vô tư trong sáng khi chấm giải nhiếp ảnh.

Nhìn nhận thực tế từ một số cuộc thi nhiếp ảnh, NSNA Phạm Công Thắng - người sáng lập không gian trưng bày Ký ức nhiếp ảnh - đề xuất sau mỗi cuộc triển lãm, hội thi, Ban tổ chức và Hội NSNA Việt Nam cần đứng ra tổ chức các cuộc tọa đàm, mời các thành viên hội đồng lý luận và những nghệ sĩ nhiếp ảnh có uy tín tham gia bàn thảo rút kinh nghiệm.

Để tránh những ồn ào không đáng có sau những cuộc thi, liên hoan ảnh, Hội NSNA Việt Nam cho biết sắp tới sẽ tổ chức họp Ban chấp hành, Ban thường vụ, Hội đồng nghệ thuật và các ban chuyên môn đánh giá lại các hoạt động, trong đó sẽ tập trung vào những vấn đề về giám khảo, kết quả các cuộc thi mà dư luận quan tâm.

"Hội sẽ tìm ra nguyên nhân, rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế, để trong các kỳ liên hoan các cuộc thi do hội tổ chức sẽ có chất lượng cao hơn", Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Hồ Sỹ Minh trả lời Tiền Phong.

(Theo Tiền Phong)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vu-thu-hoi-giai-thuong-anh-nhiep-anh-thieu-trung-thuc-2320005.html