Bài học từ vụ đánh bom tàu khu trục USS Cole của Mỹ 20 năm trước
Cách đây tròn 20 năm đã xảy ra cuộc tấn công của tổ chức khủng bố Al-Qaeda nhằm vào tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Cole của Hải quân Mỹ, khiến 17 thủy thủ thiệt mạng, 39 người bị thương. Đó là cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ, nhưng bài học của thảm kịch vẫn còn đến ngày nay…
Ký ức chưa quên
Tàu khu trục USS Cole đã bị những kẻ đánh bom liều chết tấn công bằng một chiếc xuồng chứa đầy chất nổ khi nó đang cập cảng Aden của Yemen để tiếp nhiên liệu vào ngày 12-10-2000. Vụ nổ đã xé toạc một lỗ thủng kích thước 18x12 m bên sườn trái của tàu. “Áp lực của vụ nổ đã khiến tôi ngã ngửa trên ghế” - Thuyền trưởng Paul Abney nói. “Cùng với đó, tất cả các đèn đều tắt. Điều tiếp theo mà tôi thực sự có thể nhớ lại là một loại khói chua, cay và hôi thối. Nó rất khó thở, mọi người đều nghẹt thở vì khói” - Chỉ huy trưởng James Parlier (đã nghỉ hưu) nhớ lại.
Ông Paul Abney đã bật khóc khi nhớ về sự mất mát của những người đồng đội: “Đó là Timothy Saunders, 2 chân cậu ấy bị phồng lên, chúng không còn hình dạng và trông như thể bị xoắn lại. Vẫn tính cách vui vẻ thường thấy, cậu ấy giơ 2 ngón tay lên và nói: “Họ đang chăm sóc tôi, thưa sếp”. Đó là người duy nhất bị thương còn sống và được đưa đến bệnh viện. Thế nhưng sau đó Saunders đã qua đời. Những người còn lại đã chết trước khi chúng tôi đưa họ ra khỏi tàu”.
Với chỉ huy James Parlier, trên con tàu gồm 275 người đó, việc phải gói thủy thủ đoàn trong những chiếc túi đựng thi thể là điều tồi tệ nhất ông có thể nghĩ đến. Trong số những người đã khuất có James McDaniels. Tối hôm đó, mẹ của anh là Dianne McDaniels được thông báo rằng con trai bà đã không còn nữa. “Tôi rất vui vì con trai tôi đã đứng trong quân ngũ vì đó là điều nó muốn” - bà nói.
Vụ đánh bom tàu khu trục USS Cole tháng 10-2000 đã dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng trong cách thức hoạt động của Hải quân Mỹ cũng như cách họ tự bảo vệ chính mình. Nó cũng báo hiệu các cuộc đấu tranh lớn hơn với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và cả chính sách đối ngoại của Mỹ trên thế giới.
Trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày diễn ra sự kiện, Đô đốc Michael M. Gilday nhắc lại, các thủy thủ tàu USS Cole khi đó đã can đảm chạy đến hiện trường và giải cứu những đồng đội bị thương nặng và mắc kẹt.
Đối mặt với khả năng xảy ra các vụ nổ tiếp theo, họ đã làm việc suốt ngày đêm để bịt các lỗ hổng, bảo vệ cấu trúc và nguồn điện bị hư hại. “Đó là minh chứng thủy thủ đoàn được đào tạo tốt và ngay cả sau cú tấn công kinh hoàng vẫn có thể vượt qua để cứu con tàu của họ” - Đô đốc Gilday nói. Ông cũng nhắc nhở những binh sĩ hôm nay về sự hy sinh anh dũng của những người có mặt trên con tàu hôm ấy: “Khi đất nước gọi, họ đã trả lời. Chúng ta biết ơn họ vì những điều đó. Hành động của họ đã biểu thị tinh thần chiến đấu, chủ nghĩa anh hùng, sự dẻo dai, hy sinh quên mình và không bao giờ bỏ cuộc của Hải quân Hoa Kỳ”.
Sau hơn 1 năm sửa chữa, tàu USS Cole được quay lại biển. Khi con tàu ra khơi, ông James Parlier cảm thấy tự hào “vì chúng tôi đã chứng tỏ rằng, chúng tôi không bị đánh bại, chúng tôi sẽ trở lại”.
Bài học cảnh tỉnh nước Mỹ
Đây là 1 trong những cuộc tấn công nguy hiểm nhất vào một tàu Hải quân Mỹ kể từ sau sự cố đối với tàu USS Stark năm 1987. Vụ việc được cho là do Al-Qaeda thực hiện để rồi tiếp tục mở cuộc tấn công kinh hoàng nhắm vào nước Mỹ hơn 1 năm sau đó (ngày 11-9-2001).
Tổ chức Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công chống lại Mỹ. Nghi phạm hàng đầu trong vụ này là Abdel Rahim al-Nashiri đang bị giam tại nhà tù vịnh Guantanamo, nhưng nhiều thành viên chủ chốt trong kế hoạch tấn công vẫn đang lẩn trốn. Hồi tháng 1-2019, trong một cuộc không kích ở Yemen, quân đội Mỹ đã tiêu diệt Jamel Ahmed Mohammed Ali Al-Badawi, một đặc nhiệm của Al-Qaeda được cho là đã giúp dàn dựng vụ đánh bom USS Cole. Điều đó cho thấy dù 19 năm trôi qua, Mỹ vẫn kiên trì với chính sách không khoan nhượng những kẻ khủng bố đã khiến công dân Mỹ mất mạng.
Tiến sĩ Justin Conrad - Giám đốc Trung tâm Thương mại quốc tế và an ninh (CITS) tại Đại học Georgia cho biết: “Đối với chúng tôi, những người đã phục vụ trong Hải quân Mỹ từ thời điểm đó, vụ tấn công thường được đưa ra để cảnh báo các thủy thủ trẻ về sự nguy hiểm của tính tự mãn. Vụ việc và hậu quả của nó đã dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng trong cách thức hoạt động của Hải quân cũng như cách bảo vệ lực lượng của mình. Nó cũng báo hiệu các cuộc đấu tranh lớn hơn của Mỹ với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và cả chính sách đối ngoại của Mỹ trên thế giới”.
Trong vòng 1 năm xảy ra liên tiếp 2 vụ khủng bố kinh hoàng, nước Mỹ đã cũng nhận được bài học về việc không trả đũa nhanh chóng. Trong nhiều thập kỷ, nước Mỹ dường như còn hạn chế về kinh nghiệm ứng phó với chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia. Ngay cả vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania chỉ 2 năm trước đó, Tổng thống Bill Clinton đã cho phép các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào một số cơ sở nghi là của Al-Qaeda. Nhưng một số người cho rằng, năm 2000 Mỹ vẫn chưa có ý định mở cuộc tấn công quân sự thực sự do ông Clinton chuẩn bị rời nhiệm sở và không muốn có sự xáo trộn lớn. Tổng thống George W. Bush cũng có cơ hội trả đũa Al-Qaeda ngay sau khi nhậm chức.
Nhưng chính quyền của ông lại lo ngại rằng, nếu quá lâu mới trả đũa thì một phản ứng quân sự sẽ phản tác dụng. Tên khủng bố Khalid al-Mihdhar (kẻ đã cướp chuyến bay 77 của American Airlines để đâm vào Lầu Năm Góc hôm 11-9-2001) là một bằng chứng cho thấy hậu quả của việc do dự và không quyết đoán. CIA đã thu thập được thông tin về al-Mihdhar và các thành viên Al-Qaida, nhưng không chuyển thông tin này cho FBI. Nếu có, FBI có thể đã tìm ra mối liên hệ với các phần tử Al-Qaida ở Mỹ. Cho dù thông tin này có thể ngăn chặn vụ 11-9 chỉ là suy đoán, nhưng những mối liên hệ bị bỏ lỡ này đến khi tìm ra thì đã quá muộn.
Thảm kịch xảy ra với tàu USS Cole cũng làm dấy lên câu hỏi quan trọng mà người ta vẫn tiếp tục tranh luận đến ngày nay: Liệu vị thế đối ngoại của Mỹ có vô tình tạo cơ hội cho những kẻ thù như Al-Qaida không? Liệu hàng trăm nghìn binh sĩ và nhân viên quân sự Mỹ trải khắp hàng trăm căn cứ trên thế giới có bị tổn hại một cách không cần thiết không? Trên thực tế, di sản quan trọng của USS Cole là nó đã gây ra thiệt hại đáng kinh ngạc cho quân đội Mỹ.
Các thân nhân các binh sĩ gặp nạn trên tàu USS Cole là một trong những người đầu tiên trải nghiệm những gì sẽ trở nên phổ biến trong các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, Syria và những nơi khác sau này. Nhưng may mắn thay, USS Cole đã tạo ra một số thay đổi tích cực. Quân đội Mỹ, và đặc biệt là Hải quân Mỹ đã thực hiện những sửa đổi quan trọng trong cách họ bảo vệ chính mình. Hơn nữa, những tiết lộ về mối liên hệ giữa nhóm khủng bố trên tàu USS Cole và vụ 11-9 đã dẫn đến những thay đổi mang tính cách mạng trong Chính phủ Mỹ, nhằm cải thiện năng lực chống khủng bố của đất nước. Và họ bắt đầu phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.