Bài học từ vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn ở Bắc Ninh
Vụ việc tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa vợ chồng anh Ngô Trọng Văn và chị Vũ Thị Thúy đã khép lại bằng bản án phúc thẩm mà Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội tuyên ngày 29-9-2020: Bác đơn kháng cáo của anh Ngô Trọng Văn yêu cầu đòi lại các tài sản chung của hai vợ chồng.
Qua phiên tòa này, mỗi người cần rút ra bài học: Với các tài sản có giá trị lớn, cần tuân thủ đúng quy định pháp luật từ việc thừa kế, mua bán, xác lập quyền sở hữu để phòng tránh những tranh chấp, rủi ro.
Năm 1995, chị Vũ Thị Thúy (sinh năm 1977) kết hôn với anh Ngô Trọng Văn (sinh năm 1975) là người cùng xã (xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1998, anh trai chị Thúy là Vũ Đăng Thành đã đưa vợ chồng chị sang Liên bang Nga để lao động. Đến năm 2013 và 2016, lần lượt vợ chồng chị về Việt Nam để kinh doanh. Vợ chồng chị Thúy sinh được hai người con, đến nay các cháu đã bắt đầu vào đại học.
Theo đơn gửi tòa án các cấp, chị Thúy cho biết: Quá trình lao động bên Liên bang Nga, vợ chồng chị đã tích lũy được số tài sản. Số tiền tích lũy được vợ chồng chị gửi về Việt Nam nhờ người anh bên chồng giữ hộ để mua đất. Khi về Việt Nam, do có vốn và chăm chỉ làm ăn, vợ chồng chị đã mua được một số nhà đất ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, vì tin tưởng chồng nên chị Thúy đã để chồng và bố chồng đứng tên các tài sản này. Đến năm 2016, chị Thúy phát hiện chồng mình có người phụ nữ khác, cuộc sống nảy sinh nhiều mâu thuẫn, không thể tiếp tục chung sống. Cuối năm 2017, chị Thúy đã viết đơn gửi TAND tỉnh Bắc Ninh xin ly hôn. Tuy nhiên lúc này, anh Ngô Trọng Văn không chấp nhận chia tài sản chung của hai vợ chồng.
Chị Thúy cho biết: “Tôi là phụ nữ, ít hiểu biết pháp luật, lại quá tin tưởng chồng và nhà chồng nên tất cả tài sản nhà đất mua bằng tiền chung của vợ chồng đều đứng tên chồng và bố chồng. Không chỉ vậy, anh Văn cũng âm thầm một mình đến ngân hàng giải ngân khoản tiền 3,4 tỷ đồng (đứng tên vay là hai vợ chồng) mà tôi không hề biết". Khi xác định sẽ ly hôn, chị Thúy yêu cầu chia các tài sản chung cho hai con nhưng anh Văn tìm mọi cách chối bỏ. “Tôi cũng chẳng giữ cho cá nhân tôi mà yêu cầu chia tài sản cho các con nhưng anh Văn thoái thác, thậm chí tìm mọi cách để tẩu tán tài sản chung”-chị Thúy cho biết.
Tại phiên sơ thẩm vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa anh Văn, chị Thúy được TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử cuối năm 2019, anh Ngô Trọng Văn không thừa nhận các tài sản đứng tên anh là tài sản chung của hai vợ chồng. Về các nhà đất cụ thể, anh Văn cho rằng: Nhà đất tại số 282 Ngô Gia Tự (TP Bắc Ninh) là tài sản riêng của bố anh-ông Ngô Trọng Bào cho tặng; thửa đất tại xóm Táo, xã Mão Điền (đứng tên anh Văn) là của bố anh chứ không phải của anh; thửa đất L06-09 tại phường Kinh Bắc (TP Bắc Ninh) là của anh Nguyễn Văn Hùng và chị Ngô Thị Hồng bán cho bà Trần Thị Lan chứ không phải của anh. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Văn cũng lập luận như vậy dù đã được các luật sư chỉ rõ những bất hợp lý trong lời khai này. Với bằng chứng có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bên đương sự, tòa án ở cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã làm rõ quyền sở hữu từng loại tài sản này.
Theo đó, thửa đất số 282 Ngô Gia Tự (TP Bắc Ninh), qua lời khai của ông Lê Minh Sơn (là chủ sử dụng đất cũ) cũng như những người làm chứng thể hiện, là ông Ngô Trọng Bào mua hộ vợ chồng anh Văn-chị Thúy. Ông Bào đã tự nhận là không có tiền, chỉ mua hộ vợ chồng chị Thúy rồi sang tên cho một mình anh Văn để đỡ tốn tiền đóng thuế.
Về thửa đất tại xóm Táo, xã Mão Điền, tòa đã làm rõ: Đây là mảnh đất ông Bào cho vợ chồng chị Thúy năm 1997 khi vợ chồng chị ra ở riêng. Vợ chồng chị Thúy ở trên mảnh đất này đến năm 2003 thì ra nước ngoài làm ăn nên ông Bào ra đây để trông nom. UBND huyện Thuận Thành cũng xác nhận anh Ngô Trọng Văn có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất được UBND xã Mão Điền xác nhận ngày 11-2-1999 đứng tên chủ sử dụng đất là anh Văn, chị Thúy (do chính anh Văn ký). Sau đó, UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Văn.
Đối với thửa đất L06-09 tại phường Kinh Bắc, tòa xác định việc chị Thúy cho rằng đây là mảnh đất của vợ chồng chị mua của anh Nguyễn Văn Hùng và chị Ngô Thị Hồng nhưng do một mình anh Văn đi giao dịch, sau đó chuyển nhượng lại cho bà Trần Thị Lan là có căn cứ. Nội dung này cũng được bà Trần Thị Lan xác nhận, bà đã mua thửa đất trên của anh Văn chứ không biết đến vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng, chị Ngô Thị Hồng.
Đối với khoản vay 3,4 tỷ đồng tại ngân hàng, tòa xác định giải ngân cho anh Văn nên anh Văn phải có trách nhiệm trả số tiền này.
Từ các căn cứ có trong hồ sơ vụ án, tòa phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu của chị Vũ Thị Thúy xác định các mảnh đất số 282 Ngô Gia Tự, thửa đất tại xóm Táo, xã Mão Điền, thửa đất L06-09 phường Kinh Bắc là tài sản chung của vợ chồng chị. Tòa cũng phán quyết chia đôi số tài sản này, chị Thúy-anh Văn mỗi người hưởng một nửa. Tòa đã bác toàn bộ đơn kháng cáo của anh Ngô Trọng Văn và người thân, đồng thời giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Phiên tòa đã khép lại, 3 mẹ con chị Thúy ra về trong niềm vui và nước mắt. “Tài sản của chung, tôi không tranh giành cho cá nhân mà chỉ muốn giữ lại cho các con tôi. Đó cũng là công sức làm ăn bao năm nay của tôi. Bố mẹ ly hôn, các con tôi là người thiệt thòi nhất”-chị Thúy tâm sự trong nước mắt.
Phiên tòa đã kết thúc nhưng qua vụ việc này, mỗi người cần rút ra bài học cho mình. Việc tin tưởng người thân là tình cảm vốn quý nhưng để tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh trong cuộc sống, mỗi người cần tìm hiểu, nắm rõ các quy định về pháp luật. Với các tài sản có giá trị lớn, đặc biệt là nhà đất, tiền bạc, cần tuân thủ đúng quy định pháp luật từ việc thừa kế, mua bán, xác lập quyền sở hữu. Mỗi chúng ta nếu không nắm chắc, ít hiểu biết thì có thể đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn.