Bài học về tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến đấu

Cuối năm 1965, Sư đoàn 325B của chúng tôi được giao nhiệm vụ vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Trên đường vào chiến trường, Sư đoàn có nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ biệt kích ác ôn hỗn hợp của Mỹ-ngụy tại A So, phía Tây Thừa Thiên Huế để bảo đảm thông suốt hành lang chiến lược đường Trường Sơn nên khi vào đến nơi thì Chiến dịch Plei Me vừa kết thúc.

Plei Me là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược to lớn. Lần đầu trên chiến trường miền Nam, ta đã tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn Mỹ và 1 chiến đoàn ngụy, đánh dấu sự kết thúc của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" do đế quốc Mỹ tiến hành.

Tuy không được tham gia chiến dịch nhưng chúng tôi may mắn trực tiếp dự hội nghị tổng kết chiến dịch của Bộ tư lệnh Mặt trận B3-Tây Nguyên, được nghe các đồng chí chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp, những người trong cuộc phát biểu ý kiến đánh giá và suy nghĩ của mình. Hội nghị tổng kết do đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận, người trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh Mặt trận chủ trì.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong vòng tay đồng đội một thời chiến đấu ở Tây Nguyên. Ảnh: THANH TÚ

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong vòng tay đồng đội một thời chiến đấu ở Tây Nguyên. Ảnh: THANH TÚ

Tại hội nghị, các đồng chí có kinh nghiệm chỉ huy nhiều trận đánh và đã được trực tiếp cọ xát với quân Mỹ đều khẳng định, lần đầu tiên trước sức mạnh ghê gớm của trang bị kỹ thuật cực kỳ hiện đại, với chiến thuật trực thăng vận, bằng thủ đoạn "phượng hoàng vồ mồi", nhưng Lữ đoàn Dù 3-Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của quân lực Hoa Kỳ đã không cứu vãn được quân ngụy mà còn bị đánh tan tác, là một kỳ tích của các đơn vị chủ lực Tây Nguyên.

Sau khi nghe phát biểu của chỉ huy các cấp, đồng chí Chu Huy Mân đã khơi gợi để hội nghị dân chủ thảo luận. Với tầm nhìn của một nhà chiến lược tài năng và dày dạn kinh nghiệm, đồng chí đã phân tích cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn từ diễn biến và kết quả trận đánh, thấy trước xu thế phát triển của cuộc chiến. Đồng chí phân tích một cách có tình, có lý với sức thuyết phục cao, giải đáp cụ thể những băn khoăn, thắc mắc còn tồn tại, rút kinh nghiệm nghiêm túc những khuyết điểm, thiếu sót của ta.

Các đồng chí chỉ huy Mặt trận cũng động viên cán bộ, gác lại những cấn cá ở một số khâu chưa hiệp đồng tốt. Bằng phát biểu khéo léo, Chính ủy Chu Huy Mân nói, trận đầu chưa hiểu hết kẻ địch nên ở bộ phận này hoặc bộ phận khác còn vấp váp, thậm chí có sai lầm là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là phải nghiêm túc tự phê bình để rút ra được bài học bổ ích.

Từ thực tiễn trận đánh, Bộ chỉ huy Mặt trận rút ra kinh nghiệm phải quán triệt tốt tư tưởng dám đánh, quyết đánh và quyết thắng. Đồng thời khẳng định, với tinh thần quyết đánh, chúng ta tìm ra được cách đánh, phát huy mặt mạnh về chính trị, tinh thần, khoét sâu mặt yếu của địch là ỷ lại vào hỏa lực, sợ đánh gần, nên đã xáp vào "bám thắt lưng địch mà đánh" như tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trận Plei Me đã thể hiện tư tưởng chỉ đạo đó nên chúng ta chiến thắng một cách oanh liệt, ngoài dự kiến của kẻ địch. Sau này, các nhà chiến lược quân sự Mỹ đã vô cùng khâm phục, không hiểu nổi tại sao Việt cộng lại có thể đánh giỏi như vậy. Với cách đánh này, khoảng cách giữa ta và địch được thu hẹp. Có nơi, có lúc gần đến mức không còn khoảng cách, làm cho quân Mỹ không thể sử dụng cách đánh trận tuyến trong chiến tranh hiện đại và buộc phải đánh theo cách đánh của ta...

Chúng tôi, những người mới vào sau, được dự hội nghị và nghe các ý kiến tranh luận, phân tích, đánh giá, dự báo triển vọng sắp tới của các đồng chí lãnh đạo Mặt trận là những bài học, kinh nghiệm sát sườn với bản thân trong những trận chiến đấu sau này.

Tôi nhớ, trong hội nghị này có một câu chuyện hết sức thú vị. Sau khi kết luận, đánh giá trận đánh và rút ra những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng trận đầu tiêu diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ, đồng chí Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Chu Huy Mân phát động, động viên toàn Mặt trận phát huy chiến thắng Chiến dịch Plei Me, quyết tâm diệt Mỹ với khẩu hiệu "bám thắt lưng Mỹ mà đánh". Để thể hiện quyết tâm đó, đồng chí Chu Huy Mân đã có một hành động rất thực tế, thiết thực, giản dị nhưng rất sâu sắc. Đó là giao cho các chính ủy trung đoàn (lúc này ở Mặt trận B3, đơn vị chiến đấu cao nhất là cấp trung đoàn) mỗi người một đoạn dây thừng với yêu cầu người lãnh đạo cao nhất của đơn vị phải trực tiếp cùng chiến sĩ quần lộn với địch, xáp vào để tiêu diệt và bắt cho được lính Mỹ.

Hình tượng sống động đó đã gây ấn tượng sâu sắc với chúng tôi. Sau này khi về chỉ huy đơn vị, chúng tôi luôn quán triệt tinh thần sâu sát, cụ thể ấy trong từng quyết định của mình. Những câu chuyện trên là kinh nghiệm, bài học lớn về tiến hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến đấu.

Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/bai-hoc-ve-tien-hanh-cong-tac-dang-cong-tac-chinh-tri-trong-chien-dau-808212