Bài I: Đường đến bàn đàm phán của những 'lần đầu tiên'

Những ngày này 70 năm trước, trong khi nhân dân Việt Nam tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, thì tại Thụy Sĩ diễn ra Hội nghị Geneva. Đây là lần đầu tiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự hội một nghị quốc tế đa phương với các cường quốc, nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết, thừa nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Góp phần vào thắng lợi Hiệp định Geneva, công tác báo chí, tuyên truyền, vận động dư luận giữ một vai trò không nhỏ, xứng đáng là vũ khí sắc bén…

Vị thế của một dân tộc chiến thắng

Cuối năm 1953, sau nhiều năm chiến tranh Lạnh phát triển mạnh mẽ và phân hóa thế giới thành 2 cực, các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực. Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô đồng tình triệu tập Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước tại Berlin. Ngày 18/2/1954, Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước ra tuyên bố cuối cùng, trong đó đề cập sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế xem xét vấn đề Đông Dương.

Điều này đã mở ra khả năng kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, thông qua thương lượng hòa bình. Ở trong nước, trước những chuyển biến mạnh mẽ trên chiến trường, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với mặt trận quân sự trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.

Đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, có mặt tại sân bay Geneva tháng 5/1954. Ảnh: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga

Đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, có mặt tại sân bay Geneva tháng 5/1954. Ảnh: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga

Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Ngày 26/4/1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị tấn công đợt ba để quyết định số phận quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva bắt đầu khai mạc, nhưng mới chỉ tập trung bàn về vấn đề chiến tranh Triều Tiên.

Ngày 7/5/1954, trải qua ba đợt chiến đấu gay go và gian khổ liên tục trong 56 ngày đêm, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng! Tin thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ khiến dư luận quốc tế bàng hoàng. Tin tức xuất hiện dày đặc trên mặt báo về chiến thắng vĩ đại của một dân tộc thuộc địa đã làm rung chuyển nước Pháp, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của nhân dân Pháp lên cao.

Một ngày sau, sáng 8/5/1954, vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn nghị sự Hội nghị Geneva. Chiến thắng Điện Biên Phủ mang ý nghĩa vô cùng to lớn, khi lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng quân đội một cường quốc châu Âu. Đồng thời, dư luận và nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thêm hiểu và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, tạo đà cho ta trên bàn đàm phán.

Với điểm tựa vững chắc là chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng sự ủng hộ ngày một lớn của cộng đồng quốc tế, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Nam DCCH) bước vào Hội nghị Geneva với vị thế của một dân tộc chiến thắng. Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng được cử làm Trưởng đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam DCCH tham dự Hội nghị Geneva.

Lãnh đạo đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa dự Hội nghị Geneva, năm 1954; trưởng đoàn Phạm Văn Đồng (thứ hai từ phải sang). Ảnh: Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam

Lãnh đạo đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa dự Hội nghị Geneva, năm 1954; trưởng đoàn Phạm Văn Đồng (thứ hai từ phải sang). Ảnh: Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một hội nghị quốc tế với sự tham dự của nhiều cường quốc đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng là lần đầu tiên nền ngoại giao cách mạng non trẻ Việt Nam tiến hành đàm phán đa phương với các nước lớn có nền ngoại giao chuyên nghiệp và những toan tính khác nhau.

Tuy nhiên, tại Hội nghị này, vì nhiều lý do khách quan, Việt Nam DCCH không được tham gia vào tất cả các phiên họp, nên không thể tận dụng được mọi cơ hội để bảo vệ quyền lợi của mình. Vì thế, công tác báo chí tuyên truyền và vận động dư luận có vai trò quan trọng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, thể hiện quan điểm, ý chí của Việt Nam DCCH và vạch trần những luận điệu sai trái, âm mưu thâm độc của những thế lực muốn phá hoại cuộc hội nghị.

Những “ngòi bút” mang sứ mệnh

Để chuẩn bị cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán, từ tháng 3/1954, Chính phủ Việt Nam DCCH thành lập một đoàn đi dự Hội nghị Geneva, sau khi nhận lời mời của Liên Xô và Trung Quốc. Một nhóm tiền trạm, trong đó có nhà báo - nhà ngoại giao Ngô Điền, đã đến Thụy Sĩ từ tháng 4/1954. Nhà báo Ngô Điền từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân giao phụ trách tờ Vệ Quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân), sau đó đảm nhận vị trí chủ nhiệm rồi chủ bút tờ báo này năm 1947. Cũng chính nhà báo Ngô Điền là người đã quan sát và ghi lại thời khắc lịch sử khi đại diện đoàn Việt Nam đến Geneva. “Quan sát viên Việt Minh tới Geneva!”, “Việt Minh đầu tiên trên đất Thụy Sĩ!”, nhà báo Ngô Điền trong một bài phỏng vấn cho chuyên đề 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ từng nhắc lại những dòng tít giật gân chạy dài trang đầu báo và tạp chí Thụy Sĩ tháng 4/1954.

Điều này rất có ý nghĩa và tác động thuận lợi đến cuộc hội nghị, vì thời điểm tháng 4/1954, thế giới biết rất ít đến Việt Nam và Chính phủ Việt Nam DCCH. Lúc này, Việt Nam DCCH mới chỉ được Trung Quốc, Liên Xô và một số nước Đông Âu công nhận, thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong bài phỏng vấn được thực hiện năm 2004, nhà báo Ngô Điền kể lại: “Khi tôi và anh Nguyễn Văn Đặng, đặc phái viên báo Nhân Dân tới trung tâm báo chí làm thủ tục, mấy cô nhân viên Thụy Sĩ hết xem giấy tờ lại nhìn chúng tôi một cách chăm chú. Họ thì thầm với nhau rồi hẹn một tiếng sau sẽ trao thẻ phóng viên. Y hẹn, chúng tôi quay lại. Từ cổng đã thấy lố nhố nhiều nhà báo, ống kính máy ảnh, máy quay. Hóa ra các cô nhân viên đã "com-măng" cho báo chí đang "khát" tin về đoàn Việt Minh - Việt Nam DCCH có mặt tại hội nghị này”. Và thế là ảnh hai phóng viên Việt Nam lập tức xuất hiện trên nhiều mặt báo quốc tế.

Phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày khai mạc Hội nghị Geneva (8/5/1954). Ảnh: Tư liệu gia đình nhà ngoại giao Hoàng Nguyên

Phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày khai mạc Hội nghị Geneva (8/5/1954). Ảnh: Tư liệu gia đình nhà ngoại giao Hoàng Nguyên

Bước vào bàn đàm phán, phái đoàn của ta với 30 thành viên gồm những người vững vàng về bản lĩnh, giỏi công tác ngoại giao và thông thạo công tác tuyên truyền, dân vận, ngoại giao nhân dân. Trong phái đoàn, bên cạnh 5 gương mặt chủ chốt tham gia đàm phán, có tới 7 thành viên thuộc tổ tuyên truyền báo chí, được dẫn dắt bởi nhà báo Nguyễn Thành Lê. Ông là một trong những người được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc năm 1950, và được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội. Phái đoàn ta có một phóng viên ảnh duy nhất - nhiếp ảnh gia Vũ Năng An. Những bức ảnh đen trắng với các khuôn hình, góc bấm đẹp của Vũ Năng An đã khắc họa rõ nét hoạt động sôi nổi nhưng không kém phần căng thẳng, quyết liệt trong những giờ phút quyết định của lịch sử.

"Sáng 7/5/1954, các báo đăng những bài viết lớn về tình hình nguy ngập của quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ. Khoảng 13h hoặc 14h cùng ngày (giờ Thụy Sĩ), một bầu không khí khác thường bao trùm trung tâm báo chí. Các nhà báo nhốn nháo chạy về buồng làm việc hoặc thì thầm trao đổi với vẻ mặt quan trọng", khung cảnh bên lề Hội nghị Geneva được nhà báo Ngô Điền kể lại trong cuộc trò chuyện với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam năm 2004.

Phán đoán có tin mới, quan trọng về Điện Biên Phủ, nhà báo Ngô Điền tìm đến phòng làm việc của báo L'Humanité (Nhân Đạo - báo của Đảng Cộng sản Pháp). Vừa bước vào, phóng viên Pháp Pierre Courtade đã ôm chầm lấy ông và nói: “Chúc mừng! Chúc mừng ông! Chúc mừng các ông đã hạ được Điện Biên Phủ!”. Ngay sau đó, Hội nghị quốc tế về Đông Dương chính thức khai mạc tại thành phố Geneva.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Minh Tiến - người phụ trách công tác an ninh, bảo vệ phái đoàn - trong cuốn hồi ức của mình từng kể lại rằng, khi phái đoàn Việt Nam DCCH bước vào bàn đàm phán với 30 con người bằng xương bằng thịt, chứ không phải những “bóng ma” như thực dân Pháp phao tin, các cơ quan tình báo nước ngoài đã ra sức tìm hiểu mọi thông tin, từ số lượng người dự đến thành phần, chủ trương đàm phán, địa điểm xuất phát… Thời điểm ấy, mỗi thành viên của đoàn đều hiểu cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán đã bắt đầu. Và với tổ tuyên truyền, một cuộc chiến khác với vũ khí là ngòi bút sắc bén cũng chính thức diễn ra.

(Còn tiếp)

Linh Chi - Khánh Linh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/bai-i-duong-den-ban-dam-phan-cua-nhung-lan-dau-tien-i734422/