Bài kiểm tra về ứng phó với biến đổi khí hậu

Khi vào đến tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, cường độ của bão Yagi đã giảm đi 4 cấp, xuống còn cấp 12-13 với sức gió 118 ki lô mét/giờ, và khi đến Hà Nội thì Yagi chỉ còn là cơn bão cấp 9-10 có sức gió 75-102 ki lô mét/giờ, nhưng cũng đủ khiến những nơi cơn bão này đi qua tan hoang.

(KTSG) – Khi vào đến tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, cường độ của bão Yagi đã giảm đi 4 cấp, xuống còn cấp 12-13 với sức gió 118 ki lô mét/giờ, và khi đến Hà Nội thì Yagi chỉ còn là cơn bão cấp 9-10 có sức gió 75-102 ki lô mét/giờ, nhưng cũng đủ khiến những nơi cơn bão này đi qua tan hoang.

Hãy thử tưởng tượng, nếu bão Yagi vào Việt Nam mà vẫn giữ nguyên sức mạnh của một siêu bão cấp 17, với sức gió lên đến 245 ki lô mét/giờ, như khi đổ bộ vào tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thì mức độ tàn phá còn tàn khốc hơn đến mức nào.

Bão có xu hướng ngày một nhiều và mạnh hơn là hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu do nhiệt độ toàn cầu nóng lên. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về việc phải thích ứng với biến đổi khí hậu và không ít chỉ đạo cũng như văn bản liên quan đến vấn đề này đã được ban hành. Có thể nói, bão Yagi như một bài kiểm tra về mức độ thích ứng của chúng ta với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, bão Yagi cũng là lời cảnh tỉnh, đó là thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ là việc của các địa phương ven biển, mà các tỉnh nằm sâu trong đất liền cũng không thể thoát khỏi tác động khốc liệt của nó.

Yagi là cơn bão mạnh nhất đổ vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam trong vòng 30 năm qua, nhưng việc Việt Nam phải đón những cơn bão mạnh tương tự, thậm chí là mạnh hơn trong tương lai sẽ không còn hiếm như vậy nữa. Việt Nam nằm ở khu vực bão nhiệt đới hoạt động nhiều nhất, chiếm gần một phần ba số bão lốc xoáy nhiệt đới hàng năm của thế giới, và siêu bão cũng khá phổ biến ở khu vực này. Các chuyên gia đã dự đoán rằng, do sự ấm lên toàn cầu, số lượng những cơn bão hàng năm sẽ tăng và siêu bão cũng sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Bão Yagi và lũ quét qua các tỉnh phía Bắc đã làm lộ nhiều điểm lỗi liên quan đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề còn lại là nhận diện ra nó và có giải pháp để giải quyết một cách triệt để. Bài học ở đây là khi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, con người không thể chỉ làm theo ý muốn chủ quan của mình, mà còn phải thuận theo tự nhiên thì mới có thể tồn tại và phát triển.

Trước mắt, có một số vấn đề nổi lên cần được xem xét và đánh giá một cách khách quan, chẳng hạn như việc hàng chục ngàn cây xanh đô thị bị bật gốc trong cơn bão chỉ có sức gió cấp 9-10 có phải là điều bình thường? Hệ thống đường giao thông đã được thiết kế phù hợp, và việc xây dựng đường cũng như những công trình nhân tạo khác có làm cản trở dòng chảy tự nhiên của nước khi có mưa nhiều hay không? Các cây cầu hay hệ thống truyền tải điện có được thiết kế để chịu đựng được những cơn bão và lũ lớn, và nhiều vấn đề khác liên quan đến xác lập bản đồ vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và lở đất hay chất lượng cũng như an toàn của các tòa nhà…

Tóm lại, thiệt hại do thiên tai, bão lũ là điều không thể tránh được, nhưng nếu biết thích ứng với tự nhiên thì vẫn có thể giảm thiểu thiệt hại, nhất là về nhân mạng.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bai-kiem-tra-ve-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/