Bài phát biểu của Chủ tịch Fed - Giờ G sắp đến

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa đặt nền tảng cho giai đoạn chính sách tiền tệ tiếp theo của ngân hàng này thông qua bài phát biểu sáng ngày 23/8.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 1/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 1/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa đặt nền tảng cho giai đoạn chính sách tiền tệ tiếp theo của ngân hàng này thông qua bài phát biểu sáng ngày 23/8 (giờ địa phương), trước thềm Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole, nơi quy tụ sự tham dự của các ngân hàng trung ương hàng đầu.

Bài phát biểu rất được chờ đợi này đã được ông Powell mở màn tại Hội nghị thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ).

Không nằm ngoài dự đoán, ngay đầu bài phát biểu, ông Powell đã đề cập một thông điệp khá rõ ràng: “Đây là thời điểm để Fed có sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, khi lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể và thị trường lao động cũng trở lại mức bình thường, với các điều kiện hiện tại đã bớt chặt chẽ hơn so với trước đại dịch. Các hạn chế về nguồn cung đã được bình thường hóa. Và sự cân bằng rủi ro đối với hai nhiệm vụ của chúng tôi (giảm lạm phát và tăng trưởng kinh tế) đã thay đổi”.

Mặc dù ông Powell chưa đề cập đến thời điểm cụ thể nhưng phát biểu này được kỳ vọng là sẽ mở ra cánh cửa để Fed bắt đầu tiến trình cắt giảm lãi suất kể từ cuộc họp tháng Chín tới.

Thị trường đã phản ứng tích cực với thông tin này. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 462 điểm, tương đương 1,14%. Nasdaq Composite tăng 1,47% và S&P 500 tăng 1,15%. Cả ba chỉ số đều duy trì ở mức gần với mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong khi đó, khu vực châu Âu cũng chứng kiến các thị trường chứng khoán chủ chốt ở Vương quốc Anh, Đức và Pháp đồng loạt tăng điểm.

Ông nói rằng động thái tiếp theo của Fed sẽ "phụ thuộc vào các dữ liệu sắp tới, triển vọng và sự cân bằng rủi ro".

*Sự xoay trục mạnh mẽ

Lãi suất được Fed đặt ra là các chuẩn mực quyết định chi phí vay cho phần lớn nền kinh tế và là công cụ chính của ngân hàng trung ương để thực hiện nhiệm vụ giữ lạm phát và thất nghiệp ở mức thấp.

*Kịch bản “hạ cánh mềm”

Chủ tịch chi nhánh Fed tại Chicago Austan Goolsbee trong nhiều tháng qua đã bày sự ủng hộ của ông đối với việc cắt giảm lãi suất và vào ngày 23/8 ông lại tái khẳng định rằng chính sách hiện tại là quá chặt chẽ, đặc biệt khi thị trường lao động đang phát “tín hiệu cảnh báo”.

Các nhà hoạch định chính sách khác, bao gồm Chủ tịch chi nhánh Fed tại Atlanta Raphael Bostic trước đây tỏ ra do dự hơn về việc cắt giảm lãi suất, cũng đã tham gia ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ sắp tới.

Về phần mình, ông Powell đã gần như tuyên bố chiến thắng trước cuộc khủng hoảng lạm phát đã làm chao đảo nền kinh tế vào đầu đại dịch. Sự gia tăng nhanh chóng của giá cả đã khiến Fed tăng lãi suất chính sách từ gần bằng 0 lên mức hiện tại, cao nhất trong 1/4 thế kỷ. Lãi suất đã được giữ ở đó hơn một năm ngay cả khi nền kinh tế vượt qua những dự đoán suy thoái, lạm phát giảm và tăng trưởng kinh tế tiếp tục – những yếu tố tạo nên một cuộc “hạ cánh mềm”.

Trong bài phát biểu tại Jackson Hole, Chủ tịch Fed nói: “Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục sự ổn định giá cả trong khi vẫn duy trì một thị trường lao động mạnh mẽ và tránh để thất nghiệp tăng mạnh. Mặc dù nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành, nhưng chúng tôi đã đạt được nhiều tiến triển hướng tới kết quả đó". Fed định nghĩa sự ổn định giá cả là lạm phát ở mức 2%, được đo lường bằng Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI). Hiện tại chỉ số này đang ở mức 2,5%. Ông Powell nói thêm: “Với việc điều chỉnh lại các chính sách phù hợp, có lý do để tin rằng nền kinh tế sẽ trở lại mức lạm phát 2% trong khi vẫn duy trì được một thị trường lao động vững mạnh”.

Các quan chức Fed sẽ cung cấp những dự báo kinh tế cập nhật tại cuộc họp của tháng tới, bao gồm nhiều chi tiết hơn về cách họ dự đoán hướng đi tiếp theo của chính sách lãi suất chính sách.

Kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” của nền kinh tế lớn nhất thế giới một lần nữa thúc đẩy cổ phiếu Mỹ tăng cao hơn, khi hàng loạt dữ liệu khả quan làm giảm bớt lo ngại về suy thoái sau đợt bán tháo ồ ạt vào đầu tháng này.

Chỉ số S&P 500 đã phục hồi hơn 6% kể từ ngày 5/8, khi một đợt giảm mạnh đã khiến chỉ số này có mức giảm trong ba ngày lớn nhất trong hơn hai năm. Sự bình tĩnh trở lại nhanh chóng cũng được thể hiện rõ trong chỉ số VIX đo lường sự lo ngại của Phố Wall, đã giảm với tốc độ kỷ lục từ mức cao nhất trong bốn năm ghi nhận vào tuần trước. Trong năm nay, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 16% và chỉ còn cách mức cao kỷ lục ghi nhận vào tháng Bảy khoảng 2 điểm phần trăm.

Chiến lược gia đầu tư cấp cao Mona Mahajan tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones, cho rằng kỳ vọng kịch bản "hạ cánh mềm" kết hợp với lãi suất thấp hơn sẽ giúp mở đường cho nhiều cổ phiếu hơn tham gia vào đợt tăng giá của thị trường, thay vì một số ít công ty vốn hóa lớn đã dẫn dắt các chỉ số tăng cao trong phần lớn thời gian của năm nay.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics tin rằng một đợt "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ sẽ hỗ trợ cho cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI), nhân tố đã giúp thúc đẩy thị trường tăng cao hơn. Giới phân tích dự đoán cho chỉ số S&P 500 vẫn ở mức 6.000 điểm vào cuối năm 2024, được thúc đẩy bởi quan điểm rằng “câu chuyện về AI thống trị trong nửa đầu năm sẽ quay trở lại".

Mặc dù vậy, thị trường vẫn còn nhiều rủi ro cho đến tháng Chín, vốn theo truyền thống là một trong những giai đoạn biến động nhất trong năm.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bai-phat-bieu-cua-chu-tich-fed-gio-g-sap-den/344679.html