Chứng khoán Mỹ tăng 4 phiên liên tiếp, giá dầu nhảy 2%

Nhà đầu tư một mặt lo kinh tế Mỹ suy yếu, nhưng mặt khác cũng lo sự suy yếu đó chưa đủ lớn để Fed mạnh tay giảm lãi suất...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (12/9), với chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp, khi nhà đầu tư tiếp tục bắt đáy cổ phiếu công nghệ trước thềm đợt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến diễn ra vào tuần tới. Giá dầu thô tăng thêm khoảng 2% trong lúc các nhà khai thác dầu trên Vịnh Mexico đánh giá ảnh hưởng của cơn bão Francine.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,75%, đạt 5.595,76 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 235,06 điểm, tương đương tăng 0,58%, đạt 41.096,77 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1%, đạt 17.569,68 điểm.

Sau 4 phiên hồi phục, S&P 500 đã rút ngắn mức giảm của tháng 9 xuống còn 0,9% và chỉ cần tăng thêm 1,3% nữa là thiết lập được một kỷ lục mới.

Phiên này tiếp tục chứng kiến xu thế phục hồi mạnh của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và cổ phiếu chip. Các cổ phiếu này đã chiếm lĩnh vai trò trụ cột của thị trường trong những giờ giao dịch buổi chiều, đưa các chỉ số đóng cửa trong trạng thái xanh. Cổ phiếu hãng chip Nvidia - vốn giữ vị thế đi đầu trong cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) ở Phố Wall - kết thúc phiên với mức tăng 1,9%. Alphabet và Meta Platforms tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu.

Dữ liệu lạm phát công bố trong tuần này là những điểm dữ liệu kinh tế quan trọng cuối cùng trước Fed bước vào cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 17-18/9. Ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới được dự báo sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này.

Báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Năm cho thấy giá bán buôn tăng 0,2% trong tháng 8 so với tháng trước, phù hợp với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó. Hôm thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy lạm phát lõi tăng nhẹ nhưng lạm phát toàn phần của tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Thống kê hàng tuần được Bộ Lao động Mỹ đưa ra ngày thứ Năm cũng cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng nhẹ trong tuần kết thúc vào ngày 7/9, lên mức 230.000 người.

Cũng giống như phiên ngày thứ Tư, các chỉ số đo giá cổ phiếu ở Phố Wall đã trồi sụt mạnh trong phiên này. Nhà đầu tư một mặt lo kinh tế Mỹ suy yếu, nhưng mặt khác cũng lo sự suy yếu đó chưa đủ lớn để Fed mạnh tay giảm lãi suất.

“Nhìn chung, mọi người đều đang giữ tâm lý ‘chờ xem’ trước thềm cuộc họp của Fed vào tuần tới”, chiến lược gia cấp cao Mona Mahajan của công ty Edward Jones nhận định với hãng tin CNBC. Ngoài ra, bà Mahajan nhấn mạnh rằng mức độ biến động tăng và giảm điểm là xu hướng thường thấy của chứng khoán Mỹ trong tháng 9 hàng năm. Bà cũng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ “suy yếu nhưng không đến nỗi suy sụp”.

“Chúng tôi dự báo sự giằng co này sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, nếu Fed giảm lãi suất và lạm phát tiếp tục giảm dần, tức là nền kinh tế hạ cánh mềm, giá cổ phiếu sẽ hưởng lợi. Đối với chúng tôi, đó vẫn là kịch bản chính”, vị chiến lược gia nói.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,36 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở mức 71,97 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,66 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở mức 68,97 USD/thùng.

Cơn bão Francine đã quần thảo trên Vịnh Mexico, một khu vực sản xuất dầu quan trọng của Mỹ, trước khi đổ bộ vào đất liền và suy yếu. Nhà chức trách Mỹ cho biết, vào ngày thứ Năm, 42% hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này, tương đương sản lượng hơn 730.000 thùng dầu/ngày, đã bị đóng cửa vào ngày thứ Năm do ảnh hưởng của bão.

Trước phiên tăng này, giá dầu đã tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Tư do mối lo về bão Francine. Theo dự báo của ngân hàng UBS, ảnh hưởng của cơn bão này có thể khiến sản lượng dầu ở Vịnh Mexico giảm khoảng 50.000 thùng/ngày trong tháng 9.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ảnh hưởng của bão Francine có thể không kéo dài, và thị trường sẽ sớm quay trở lại với mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu. Hôm thứ Ba tuần này, giá dầu đã tụt xuống mức thấp nhất gần 3 năm do lo ngại về sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, đặc biệt là của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Ngày thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 hơn 7% so với lần dự báo trước, còn 900.000 thùng/ngày, trên cơ sở nhu cầu ảm đạm ở Trung Quốc và mức tăng trưởng yếu ớt tại các khu vực khác.

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đang cho thấy những dấu hiệu rõ rệt của nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu. Lượng dầu tồn trữ của Mỹ tăng trong tuần trước do nhập khẩu dầu tăng, xuất khẩu dầu giảm và nhu cầu tiêu thụ xăng giảm sút - theo số liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ hôm thứ Tư.

Giá xăng ở Mỹ đang trượt về ngưỡng thấp nhất 3 năm do nhu cầu yếu và nguồn cung lớn. Lượng tiêu thụ xăng của nước này chiếm gần 9% tổng nhu cầu dầu toàn cầu.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-tang-4-phien-lien-tiep-gia-dau-nhay-2.htm