Bãi sông, bãi nổi tuyến có đê được xây dựng công trình bán kiên cố

Tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô 2024).

Luật Thủ đô 2024

Khu vực bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng

Khu vực bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng

Diện tích đất khu vực bãi sông lớn

TP Hà Nội có 2 hệ thống sông là hệ thống sông Đáy và hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, với 7 con sông chảy qua: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy; cùng với các sông nội TP như: sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà, sông Thanh Hà….

Hệ thống đê điều trên địa bàn TP hiện có tổng chiều dài 770,666km đê các loại, trong đó có 626,513km đê được phân cấp (37,709km đê cấp đặc biệt; 249,578km đê cấp I; 45,004km đê cấp II; 72,165km đê cấp III; 160,016km đê cấp IV; 62,041km đê cấp V); ngoài ra còn có 43 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 144,152km chưa được phân cấp.

Theo số liệu điều tra phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: khu vực lòng sông, bãi sông trên địa bàn TP rất lớn (khoảng 36.266ha) và đa dạng, xen lẫn các khu vực dân cư (khoảng 156.456 hộ với 632.393 nhân khẩu đang sinh sống, mật độ dân số khá cao khoảng 1.600 người/km2); tập trung chủ yếu trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, đặt ra cho công tác bảo đảm an toàn phòng, chống lũ, quản lý dân cư, đất đai, trật tự xây dựng, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều ở khu vực bãi sông, bãi nổi của các cấp, các ngành trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là rất lớn.

Dọc tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ và sông Đuống có tổng diện tích tự nhiên của bãi sông lên đến 27.197ha, trong đó diện tích tự nhiên của bãi sông tuyến hữu Hồng chiếm gần 50%, tiếp đó là tuyến tả Hồng 7.473ha, tuyến hữu Đuống 1.376ha, tuyến tả Đuống 1.104,3ha, và tuyến tả Cà Lồ 1.029,2ha, còn lại là diện tích bãi sông tuyến hữu Cầu, sông Công, hữu Cà Lồ, hữu Đà. Dọc tuyến sông Đáy, sông Tích, sông Bùi có tổng diện tích tự nhiên của bãi sông lên đến 14.700ha, trong đó, diện tích tự nhiên của bãi sông của tuyến sông Đáy chiếm gần 82,45%, còn lại là diện tích bãi của tuyến sông Tích, sông Bùi.

Phân theo khu dân cư, tập trung ở vùng bãi thuộc hệ thống sông Đáy chiếm 2.176ha bằng 15,7% diện tích đất vùng bãi, chủ yếu ở tuyến sông tả Đáy (785ha) và tuyến sông hữu Đáy (1.070ha); phần đất còn lại 12.524ha là bao gồm đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, tín ngưỡng và đất sông suối.

Công trình bán kiên cố, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển

Theo Nghị quyết, sản xuất nông nghiệp trên bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải ưu tiên các loại cây trồng chịu úng tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Điều kiện được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng, lắp dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là khu đất có diện tích từ 1.000m2 trở lên (bao gồm một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một người sử dụng đất); vị trí xây dựng, lắp dựng công trình nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, không thuộc khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, không thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập, lụt do lũ trên sông, cao độ tự nhiên tương đương mực nước lũ báo động I tại khu vực trở lên; cam kết không san lấp, tôn cao bãi sông hiện có; tự tháo dỡ công trình, không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi, thực hiện các dự án. Diện tích công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp: tối đa 10m2 đối với khu đất có quy mô từ 1.000m2 đến 5.000m2; tối đa 15m2 đối với khu đất có quy mô từ trên 5.000m2 đến 10.000m2; tối đa 20m2 đối với khu đất có quy mô trên 10.000m2 trở lên.

Các công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ được xây dựng, lắp dựng 1 tầng, chiều cao không quá 4,0m, không có tầng hầm; kết cấu công trình bán kiên cố, dễ tháo dỡ, mái lợp vật liệu nhẹ. Được lắp dựng công trình dạng nhà màng, nhà lưới, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tháo lắp dễ dàng (cột tre, gỗ, thép) nhưng không xây dựng tường bao, tường rào, không lợp mái, không san lấp, tôn cao bãi sông hiện trạng.

Tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm phải tuân thủ quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác nhưng phải tuân thủ nguyên tắc chung quy định tại Điều 4 Nghị quyết này.

Điều kiện được sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm (không bao gồm khu chăn nuôi tập trung, khu trồng cây lâu năm): tổng diện tích khu đất từ 10.000m2 trở lên (bao gồm một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một người sử dụng đất); phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, trong đó bao gồm giải pháp thiết kế xây dựng công trình trên đất được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Công trình xây dựng, lắp dựng để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm: vị trí xây dựng, lắp dựng công trình nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, không thuộc khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, không thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập, lụt do lũ trên sông, cao độ tự nhiên tương đương mực nước lũ báo động I tại khu vực trở lên; đồng thời, phù hợp với quy định về sử dụng bãi sông theo quy hoạch phòng, chống lũ, cụ thể: đối với bãi sông thuộc hệ thống sông Đáy, phải nằm ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ; đối với bãi sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, phải nằm ở khu vực bãi sông được nghiên cứu xây dựng.

Cam kết không san lấp, tôn cao bãi sông hiện có; tự tháo dỡ, di chuyển công trình, không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi, thực hiện các dự án; tổng diện tích xây dựng các công trình không vượt quá 5% phần diện tích khu đất nằm ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ đối với hệ thống sông Đáy, hoặc thuộc khu vực bãi sông được nghiên cứu xây dựng đối với hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (không bao gồm công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung).

Thiết kế công trình phù hợp với đặc điểm địa hình bãi sông, bãi nổi, tuân thủ các yêu cầu thiết kế xây dựng, bảo đảm an toàn và không làm ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ, ổn định bờ bãi sông; không đắp bờ, tôn cao bãi sông; kết cấu công trình bán kiên cố, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển; công trình xây dựng 1 tầng, chiều cao không quá 6,0 m và không có tầng hầm.

GS.TS.NGND Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cần thiết lập vành đai xanh dọc theo sông Nhuệ kết nối các không gian mở và hệ thống công viên đô thị tạo vùng đệm và là không gian cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới của đô thị hạt nhân trên tuyến Vành đai 4, tránh việc phát triển theo vết dầu loang. Vành đai xanh dọc sông Nhuệ sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng, tiến tới không phát triển dân cư đô thị chỉ có các công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước.

Bên cạnh đó, cần hình thành hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ nhằm phân tách kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh. Hành lang xanh chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như: hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn; bảo vệ vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa và kiểm soát lũ lụt.

Những chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô 2024 là động lực để hoàn thiện quy hoạch phân khu sông Hồng, tạo điều kiện triển khai trục trung tâm phát triển Thủ đô, hài hòa không gian xanh sinh thái, văn hóa, lịch sử, dịch vụ du lịch, thể thao giải trí, đô thị hiện đại xứng tầm là biểu tượng mới trong phát triển Thủ đô.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Văn Tấn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-song-bai-noi-tuyen-co-de-duoc-xay-dung-cong-trinh-ban-kien-co-425667.html