Bài tập mắt cải thiện chứng song thị, tăng cường thị lực
Song thị hay nhìn đôi xảy ra khi mắt nhìn thấy một hình ảnh phụ bên cạnh ảnh thật. Điều trị bệnh lý này bằng kính được thiết kế đặc biệt và phẫu thuật. Tuy nhiên, một số bài tập dành cho mắt cũng có tác dụng cải thiện đáng kể thị lực.
1. Vì sao xảy ra hiện tượng song thị?
1.1 Những bất thường tại mắt
Mỗi mắt tạo ra hình ảnh riêng khi nhìn sự vật nhưng trục nhìn của chúng đều hướng về vật đó, làm cho ảnh của vật cùng hội tụ trên hoàng điểm và theo đường dẫn truyền thị giác lên não để tạo nên hình ảnh rõ ràng cuối cùng.
Bất cứ điều gì làm gián đoạn quá trình này đều có thể gây ra chứng song thị. Nó có thể là tổn thương các cơ cử động mắt hoặc các dây thần kinh kiểm soát chuyển động của mắt.
Tổn thương ở các bộ phận cụ thể của mắt, như thủy tinh thể hoặc giác mạc, cũng có thể gây ra chứng nhìn đôi hay song thị.
1.2 Do các bệnh lý khác
- Rối loạn chức năng tuyến giáp: Tuyến giáp nằm ở cổ và sản xuất một loại hormone gọi là thyroxine. Những thay đổi trong chức năng tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến các cơ bên ngoài kiểm soát mắt. Điều này bao gồm bệnh Graves, trong đó mắt có thể lồi ra do mỡ và mô tích tụ phía sau mắt.
- Đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua: Trong cơn đột quỵ, máu không đến được não do tắc nghẽn mạch máu. Điều này có thể ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp cho não hoặc dây thần kinh kiểm soát cơ mắt và gây ra tình trạng nhìn đôi.
- Chứng phình động mạch: Đây là chỗ phình ra trong mạch máu và nó có thể đè lên dây thần kinh của cơ mắt.
- Suy giảm hội tụ: Trong tình trạng này, hai mắt không hoạt động chính xác với nhau. Nguyên nhân vẫn chưa được biết nhưng được cho là do khả năng thần kinh cơ (sự kiểm soát chức năng cơ của dây thần kinh) không bình thường.
- Bệnh đái tháo đường: Điều này có thể ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp cho võng mạc ở phía sau mắt. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh kiểm soát chuyển động của cơ mắt.
Bên cạnh đó, bệnh nhược cơ, các khối u và ung thư não, bệnh đa xơ cứng, chấn thương đầu... cũng có thể gây nhìn đôi.
Đối với nhìn đôi một mắt, tình trạng ít phổ biến hơn nhìn đôi hai mắt, nguyên nhân có thể do loạn thị, khô mắt, bất thường về võng mạc, đục tủy tinh thể...
2. Nhận biết song thị có khó không?
Không khó để nhận ra một người có bị nhìn đôi hay không thông qua một số biểu hiện như:
Nheo mắt để nhìn.
Lấy tay che một bên mắt.
Quay đầu một cách bất thường.
Nhìn vào các vật thể từ một bên thay vì hướng về phía trước.
Đối với các trường hợp nhìn đôi sẽ được đeo kính đặc biệt phù hợp với tình trạng gây bệnh tại mắt hoặc phẫu thuật, đeo miếng che mắt, thực hiện các bài tập mắt.
3. Bài tập mắt cải thiện thị lực
Mặc dù những bài tập mắt không chữa được bệnh nhìn đôi hay song thị, nhưng có thể hỗ trợ người bệnh cải thiện thị giác, nâng cao khả năng hội tụ hình ảnh.
3.1 Hội tụ chậm dần
Cách thực hiện:
Tập trung vào một mục tiêu chi tiết, có thể là một cây gậy mỏng hoặc dòng chữ nhỏ trong tạp chí.
Giữ vật cách xa độ dài của cánh tay và ngang tầm mắt.
Cố gắng duy trì hình ảnh dưới dạng một hình ảnh duy nhất càng lâu càng tốt.
Chậm rãi di chuyển vật gần về phía mũi.
Khi một hình ảnh trở thành hai hình ảnh nghĩa là mắt đã ngừng hoạt động cùng nhau. Người bệnh cần tập trung cao độ để đưa những hình ảnh này trở lại thành một. Khi thành công, tiếp tục đưa vật đến gần mũi hơn.
Khi không thể nối lại các hình ảnh, hãy di chuyển tay trở lại vị trí ban đầu và bắt đầu lại bài tập.
Khoảng cách hội tụ bình thường cách mũi 10 cm. Cố gắng giữ hình ảnh dưới dạng một hình ảnh ở mức 10 cm.
Lưu ý: Bác sĩ chuyên khoa có thể cung cấp một công cụ được gọi là thẻ chấm để hỗ trợ các bước này.
3.2 Hội tụ nhảy bước
Cách thực hiện:
Chọn một vật tương tự như trong bài tập hội tụ chậm dần
Để vật cách mũi 20 cm.
Cố định ánh mắt vào vật trong khoảng 5–6 giây.
Sau đó, chuyển sang nhìn vào một vật thể cố định cách xa khoảng 3m trong khoảng 2–3 giây.
Chuyển tầm nhìn trở lại mục tiêu gần hơn.
Người bệnh có thể lặp lại điều này, dần dần di chuyển mục tiêu đến gần hơn cho đến khi họ có thể tập trung vào đối tượng khi nó cách xa 10 cm mà không bị nhìn đôi.