Bài tập nào tốt nhất cho người bệnh rối loạn tiền đình?
Rối loạn tiền đình có biểu hiện nổi bật là chóng mặt. Các bài tập thở hay bài tập toàn thân giúp người bệnh giảm triệu chứng và giảm thời gian tái phát.
Nội dung
1. Vai trò của tập luyện với người bị rối loạn tiền đình có chóng mặt
2. Bài tập tốt nhất cho người bệnh chóng mặt do rối loạn tiền đình
3. Những lưu ý dành cho người bị chóng mặt do rối loạn tiền đình khi tập luyện
Chóng mặt do rối loạn tiền đình là ảo giác chuyển động của người hoặc vật xung quanh, thường là xoay tròn, nhưng cũng có thể là chuyển động thẳng hoặc nghiêng ngả.
Trong đó, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (Benign paroxysmal positional vertigo – BPPV) là một dạng chóng mặt phổ biến, chiếm gần một nửa số bệnh nhân bị rối loạn chức năng tiền đình ngoại biên.
1. Vai trò của tập luyện với người bị rối loạn tiền đình có chóng mặt
Các triệu chứng của chóng mặt tư thế kịch phát lành tính do rối loạn tiền đình thường là các cơn chóng mặt tái phát kéo dài dưới 1 phút khi thay đổi tư thế đầu, chẳng hạn như khi nằm xuống, ngồi dậy, lăn lộn trên giường, nhìn lên khi đứng hoặc ngồi…
Trong cơn chóng mặt có thể kèm buồn nôn nhưng hiếm khi nôn. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính không gây chóng mặt kéo dài, không làm giảm thính lực và ù tai hoặc suy giảm thần kinh; những triệu chứng này thường gợi ý một nguyên nhân khác. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thường có thể tự giới hạn mà không cần điều trị can thiệp.
Tuy nhiên, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính lại dễ tái phát, các bài tập giúp tái định vị sỏi tai giúp cải thiện triệu chứng chóng mặt cũng như hạn chế nguy cơ té ngã cho người bệnh.
Các bài tập dưới đây hiệu quả cho chóng mặt tư thế kịch phát lành tính ống bán khuyên sau (thể bệnh thường gặp nhất).
2. Bài tập tốt nhất cho người bệnh chóng mặt do rối loạn tiền đình
2.1 Thao tác Epley cải tiến
Cách thực hiện:
Ngồi trên giường và xoay đầu sang trái 450. Sau đó nhanh chóng nằm ngửa, vai trên gối và đầu xoay trên giường. Giữ 30 giây.
Xoay đầu 900 sang bên phải mà không nâng đầu. Giữ 30 giây.
Xoay 900 phần người còn lại về phía bên phải. Giữ 30 giây.
Ngồi dậy phía cạnh phải giường.
Và thực hiện thao tác xoay ngược lại nếu cần tái định vị sỏi tai bên phải.
Thao tác này nên được thực hiện ba lần một ngày. Tập hằng ngày cho đến khi người bệnh không còn bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính trong 24 giờ.
2.2 Thao tác Brandt-Daroff
Cách thực hiện:
Người bệnh ngồi bắt đầu bằng cách nhanh chóng nằm nghiêng sang một bên (1), sau đó đợi cho đến khi cơn chóng mặt do kích thích giảm bớt.
Tiếp đến người bệnh ngồi dậy (2) và đợi cơn chóng mặt giảm đi một lần nữa.
Động tác tiếp theo là nhanh chóng nằm sang phía bên còn lại (3), đợi cơn chóng mặt giảm bớt rồi ngồi dậy trở lại (4).
Thao tác này nên lặp lại 10 đến 20 lần, tối đa ba lần một ngày, cho đến khi người bệnh không còn triệu chứng. Tính đối xứng của thao tác này hữu ích khi người bệnh không chắc chắn về phía của sỏi tai.
2.3 Bài tập khác
Theo Y học cổ truyền, chóng mặt thuộc phạm vi chứng "huyễn vựng". Các nguyên nhân như ẩm thực thất điều, làm tổn hại tỳ vị. Tỳ không vận hóa được sinh đàm thấp, ứ đọng các khiếu hoặc làm tỳ hư ảnh hưởng nguồn sinh huyết, các khiếu không được nuôi dưỡng cũng gây ra chứng huyễn vựng.
Ngoài ra có thể do tình chí không thư thái, bị uất ức lâu ngày khiến Can mất sơ tiết, Can uất hóa hỏa, đi lên quẫy nhiễu các khiếu mà sinh ra chứng huyễn vựng. Các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, tập dưỡng sinh có tác dụng điều trị hiệu quả chứng trên.
* Bài tập thở bốn thời có kê mông và giơ chân: Đây là một phép luyện tổng hợp về khí, huyết và thần, điều hòa hai quá trình hưng phấn và ức chế, giúp cân bằng âm dương, tác động vào cơ chế bệnh sinh của huyễn vựng. Bài tập đơn giản, người bệnh có thể tự tập ở nhà. Công thức thở bốn thời có kê mông và giơ chân:
- Thời 1- Hít ngực bụng nở: Hít vào bằng mũi, đều, sâu, tối đa, ngực bụng nở, bụng phình và căng cứng. Thời gian 4 – 6 giây.
- Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân dao động qua lại, cuối thời hai hạ chân xuống. Thời gian 4 – 6 giây.
- Thời 3- Thở không kềm thúc: Thở ra bằng mũi, tự nhiên thoải mái, không kềm, không thúc. Thời gian 4 – 6 giây.
- Thời 4- Nghỉ nặng ấm thân: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4 – 6 giây.
Người bệnh nên thực hiện bài tập ngày 2 lần, mỗi lần 20 - 30 hơi thở trước khi nghỉ trưa và tối trước khi đi ngủ. Chống chỉ định cho trường hợp chấn thương lồng ngực, các bệnh cấp tính, viêm khí quản và viêm phổi.
* Day ấn huyệt: Người bệnh chóng mặt do rối loạn tiền đình có thể dùng tay tự day ấn các huyệt để điều trị chứng huyễn vựng. Hai huyệt nội quan và túc tam lý được chứng minh hiệu quả qua nhiều nghiên cứu, ngoài ra các huyệt vùng đầu mặt như bách hội, ấn đường, thái dương, suất cốc…. cũng được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng.
Cách thực hiện đơn giản: Người bệnh rối loạn tiền đình dùng đầu ngón tay giữa hoặc ngón cái ấn lên huyệt. Di động ngón tay theo đường tròn, mô ngón tay và da tiếp xúc không lướt lên nhau, vùng da di động theo chiều ngón tay. Thời gian mỗi huyệt từ 3 đến 5 phút, một lần mỗi ngày.
3. Những lưu ý dành cho người bị chóng mặt do rối loạn tiền đình khi tập luyện
Do cơn chóng mặt thường kéo dài dưới 1 phút, do đó người bệnh có thể thực hiện các bài tập trên ngay sau cơn chóng mặt kết thúc.
Thời điểm tập luyện tùy vào thời gian rảnh của từng người bệnh, tuy nhiên nên phân bố đều các buổi trong ngày. Tuy nhiên, cần tránh tập luyện trong lúc quá no hoặc quá đói.
Mặc dù chóng mặt tư thế kịch phát lành tính do rối loạn tiền đình thường gặp trên lâm sàng, không quá nguy hiểm, có thể tự khỏi hoặc có thể tự tập các bài tập tại nhà để cải thiện triệu chứng, tuy nhiên người bệnh vẫn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây chóng mặt, đặc biệt là khi chóng mặt kéo dài, dai dẳng và kèm các dấu hiệu cảnh báo khác.
Mời bạn xem tiếp video: