Bài tập tốt cho trẻ chậm nói

Thực hành các bài tập như khuyến khích phát âm, phát triển từ vựng hay tăng cường chú ý sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho trẻ chậm nói.

1. Tác dụng của bài tập với trẻ chậm nói

NỘI DUNG:::

1. Tác dụng của bài tập với trẻ chậm nói

2. Một số bài tập cho trẻ chậm nói

2.1. Bài tập tăng khả năng chú ý và giao tiếp ánh mắt

2.2. Bài tập phát triển vốn từ vựng thụ động

2.3. Bài tập khuyến khích phát âm và bắt chước âm thanh

2.4. Bài tập khuyến khích sử dụng từ và câu

3. Một số lưu ý dành cho gia đình khi cùng tham gia các bài tập với trẻ chậm nói

Chậm nói (hay còn gọi là chậm phát triển ngôn ngữ) là tình trạng khi trẻ không phát triển khả năng nói và giao tiếp ngôn ngữ một cách bình thường so với độ tuổi.

Để hỗ trợ trẻ chậm nói, cần có sự kết hợp giữa can thiệp chuyên môn và môi trường giao tiếp hàng ngày tại nhà.

Trong đó, việc cha mẹ cùng con thực hành các bài tập phù hợp như khuyến khích phát âm, tăng cường sự chú ý, phát triển vốn từ, rèn luyện sử dụng từ và câu... đóng vai trò rất quan trọng. Những hoạt động tưởng chừng đơn giản này không chỉ giúp trẻ nói nhiều hơn, rõ ràng hơn, mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện về ngôn ngữ, giao tiếp và tư duy.

- Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện: Trẻ chậm nói không chỉ thiếu vốn từ hay chậm phát âm mà còn có thể gặp vấn đề về chú ý, nghe hiểu, khả năng tổ chức lời nói… Khi các bài tập được phối hợp nhịp nhàng – ví dụ, bắt đầu bằng gây chú ý, sau đó dạy từ vựng, luyện phát âm, rồi chuyển sang dùng từ và ghép câu – quá trình học ngôn ngữ của trẻ trở nên liền mạch, có hệ thống. Điều này giúp trẻ phát triển đồng thời ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt, không lệch về một phía.

- Tăng khả năng ghi nhớ và sử dụng ngôn ngữ trong ngữ cảnh thực tế: Khi trẻ được luyện tập nhiều kỹ năng trong cùng một hoạt động (vừa nghe – nhìn – phát âm – nói lại – dùng từ để yêu cầu), trẻ sẽ dễ ghi nhớ hơn vì kiến thức được củng cố qua nhiều giác quan. Ngoài ra, việc học ngôn ngữ trong ngữ cảnh cụ thể (trong lúc chơi, ăn, sinh hoạt) giúp trẻ hiểu cách sử dụng từ và câu trong đời sống thực, chứ không chỉ học rời rạc trên giấy hay qua tranh.

Chậm nói là tình trạng khi trẻ không phát triển khả năng nói và giao tiếp ngôn ngữ một cách bình thường so với độ tuổi.

Chậm nói là tình trạng khi trẻ không phát triển khả năng nói và giao tiếp ngôn ngữ một cách bình thường so với độ tuổi.

- Tạo động lực và tăng tính tương tác trong quá trình học: Gộp nhiều kỹ năng vào một bài tập có tính tương tác cao (ví dụ, chơi, kể chuyện tranh, làm bánh cùng nhau...) giúp trẻ không thấy nhàm chán hay bị gò bó như khi chỉ luyện từng kỹ năng riêng lẻ. Trẻ cảm thấy mình đang được chơi, được kết nối với người lớn, chứ không đơn thuần là "bị học". Sự vui vẻ và tương tác tích cực này kích thích cảm xúc, trí tưởng tượng và tinh thần hợp tác của trẻ trong khi học nói.

- Tăng khả năng tự tin và chủ động giao tiếp:Khi trẻ cảm thấy mình có thể hiểu, phát âm, dùng từ, tạo câu và được người khác hiểu lại, trẻ sẽ dần trở nên tự tin và chủ động trong giao tiếp.

- Tăng hiệu quả hợp tác giữa trẻ – gia đình – chuyên gia trị liệu ngôn ngữ:Khi có sự phối hợp giữa gia đình và chuyên gia trị liệu, trẻ sẽ được tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ phong phú và có tính lặp lại cao, điều này đặc biệt quan trọng với trẻ chậm nói.

2. Một số bài tập cho trẻ chậm nói

2.1. Bài tập tăng khả năng chú ý và giao tiếp ánh mắt

Rèn kỹ năng giao tiếp ánh mắt là bước đầu quan trọng khi hỗ trợ trẻ chậm nói. Cha mẹ nên chơi các trò chơi đối mặt như “ú òa”, “bắt chước nét mặt” để khuyến khích trẻ nhìn vào mặt người khác khi tương tác. Giao tiếp ánh mắt là nền tảng giúp trẻ học cách chú ý và phản hồi lời nói.

Một bài tập đơn giản khác là cùng trẻ ngồi đối diện, giữ món đồ chơi trẻ thích gần mặt bạn và gọi tên trẻ nhẹ nhàng. Khi trẻ nhìn lên, hãy cười và đưa đồ chơi cho bé như một phần thưởng. Dần dần, trẻ sẽ học được rằng việc giao tiếp bằng mắt sẽ giúp đạt được mong muốn.

Hạn chế tối đa sử dụng màn hình và thiết bị điện tử vì dễ khiến trẻ giảm khả năng tương tác với người thật. Thay vào đó, hãy chơi các trò chơi trực tiếp với nhiều biểu cảm khuôn mặt và giọng nói đa dạng. Việc này giúp tăng hứng thú và cải thiện khả năng tập trung của trẻ.

2.2. Bài tập phát triển vốn từ vựng thụ động

Trẻ cần hiểu từ trước khi có thể nói được từ đó. Để xây dựng vốn từ thụ động, cha mẹ nên chỉ vào vật và gọi tên một cách rõ ràng, lặp lại nhiều lần trong các tình huống hàng ngày. Ví dụ, khi tắm có thể nói: “Đây là tay”, “Đây là nước”...

Sử dụng sách tranh có hình ảnh rõ ràng, ít chữ, màu sắc tươi sáng sẽ giúp thu hút sự chú ý. Khi chỉ vào hình, hãy nói tên đồ vật rồi hỏi trẻ: “Con thấy con mèo đâu?”, “Đây là gì nhỉ?”. Không ép trẻ trả lời, chỉ cần tạo môi trường giàu ngôn ngữ.

Ngoài đồ vật, hãy dạy từ vựng về hành động như “ngồi”, “ăn”, “đi”, “chơi” bằng cách làm mẫu và nói từ tương ứng. Khi trẻ bắt đầu hiểu, có thể yêu cầu thực hiện: “Con vẫy tay nào!”, “Ngồi xuống nhé!”. Dần dần, trẻ sẽ học cách gắn kết lời nói với hành vi.

Có thể dùng các bài hát có cử chỉ minh họa để giúp trẻ ghi nhớ từ dễ dàng hơn. Âm nhạc tạo hứng thú, kết hợp vận động giúp trẻ vừa học vừa chơi hiệu quả hơn.

Để xây dựng vốn từ thụ động, cha mẹ nên chỉ vào vật và gọi tên một cách rõ ràng, lặp lại nhiều lần trong các tình huống hàng ngày.

Để xây dựng vốn từ thụ động, cha mẹ nên chỉ vào vật và gọi tên một cách rõ ràng, lặp lại nhiều lần trong các tình huống hàng ngày.

2.3. Bài tập khuyến khích phát âm và bắt chước âm thanh

Ngay cả khi chưa nói được từ hoàn chỉnh, trẻ vẫn có thể học cách bắt chước âm thanh. Cha mẹ nên phát ra các âm đơn giản như “ba”, “da” với nét mặt sinh động, sau đó chờ trẻ phản hồi. Khi trẻ cố gắng phát âm, hãy khen ngợi và nhắc lại âm đó để củng cố.

Khi trẻ bắt đầu nói được một số âm, hãy ghép các âm thành chuỗi như “ba-ba”, “ma-ma” rồi mở rộng thành từ đơn giản. Khuyến khích trẻ “hát nói” hoặc tạo âm thanh theo nhịp trống, nhịp tay để tăng cảm giác vui vẻ và khơi gợi phát âm.

2.4. Bài tập khuyến khích sử dụng từ và câu

Khi trẻ đã có thể phát âm một vài từ, cần khuyến khích mở rộng khả năng diễn đạt bằng câu ngắn. Ví dụ, nếu trẻ nói “nước”, cha mẹ có thể mở rộng: “Con muốn uống nước”, rồi nhấn mạnh cụm từ để trẻ học dần cách ghép từ thành câu.

Dùng kỹ thuật “nói thay” rất hiệu quả: khi trẻ ra hiệu hoặc chỉ tay, bạn hãy nói ra điều trẻ muốn thay cho trẻ. Ví dụ, nếu trẻ đưa tay lấy quả bóng, bạn nói: “Con muốn chơi bóng à?”. Lặp đi lặp lại cách này sẽ giúp trẻ học cách gắn từ với hành động.

Hãy đặt ra các lựa chọn đơn giản để kích thích trẻ phải dùng lời: “Con muốn sữa hay nước?”, “Đi công viên hay ở nhà?”. Nếu trẻ chỉ vào vật, cha mẹ có thể gợi ý: “Con nói ‘nước’ đi rồi mẹ đưa nhé”. Không nên ép nhưng nên khích lệ nhẹ nhàng.

Khi trẻ nói được 2–3 từ, có thể gợi mở các câu chuyện ngắn từ tranh ảnh hoặc sự kiện trong ngày. Khuyến khích trẻ nói “ai làm gì”, như “Mẹ nấu ăn”, “Bé chơi xe”. Việc tập nói theo ngữ cảnh thật sẽ giúp trẻ ứng dụng ngôn ngữ tự nhiên hơn.

Thực hành các bài tập như khuyến khích phát âm, phát triển từ vựng hay tăng cường chú ý sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho trẻ chậm nói.

Thực hành các bài tập như khuyến khích phát âm, phát triển từ vựng hay tăng cường chú ý sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho trẻ chậm nói.

3. Một số lưu ý dành cho gia đình khi cùng tham gia các bài tập với trẻ chậm nói

- Kiên nhẫn và tránh gây áp lực lên trẻ: Trẻ chậm nói thường mất nhiều thời gian hơn để tiếp thu và phản hồi. Gia đình cần kiên nhẫn, không so sánh trẻ với những đứa trẻ khác, không ép buộc trẻ phải nói được ngay. Thay vào đó, hãy tạo môi trường thoải mái để trẻ cảm thấy an toàn và sẵn sàng giao tiếp.

- Tạo cơ hội để trẻ chủ động giao tiếp:Thay vì luôn đoán trước nhu cầu của trẻ, cha mẹ nên cố tình “chừa chỗ trống” để trẻ phải diễn đạt điều mình muốn. Ví dụ, đưa cho trẻ hai món đồ và hỏi “Con muốn cái nào?”, hoặc đưa một món đồ chơi nhưng chưa mở bao bì để trẻ phải yêu cầu.

- Lặp lại, mở rộng và làm mẫu ngôn ngữ đúng:Khi trẻ nói sai hoặc chỉ nói từ đơn, hãy nhẹ nhàng lặp lại bằng cách phát âm đúng hoặc mở rộng thành câu. Ví dụ: nếu trẻ nói “bánh”, bạn có thể nói lại: “À, con muốn ăn bánh phải không?”. Cách này giúp trẻ học được cấu trúc câu đúng một cách tự nhiên.

- Tận dụng mọi tình huống trong ngày để luyện tập: Hãy tận dụng mọi hoạt động thường ngày như ăn uống, tắm rửa, chơi đùa – để lồng ghép từ vựng, câu nói, cách diễn đạt. Đây là những bối cảnh gần gũi và dễ tiếp thu nhất đối với trẻ.

- Giữ thời gian luyện tập ngắn, nhưng thường xuyên: Trẻ nhỏ nói chung, đặc biệt là trẻ chậm nói, thường khó duy trì sự tập trung trong thời gian dài. Thay vì ép trẻ tập trung liên tục 30–40 phút, hãy chia nhỏ thành các buổi 5–10 phút và lặp lại nhiều lần trong ngày, giúp duy trì sự hứng thú và tiếp thu hiệu quả hơn.

- Khen ngợi đúng lúc và khích lệ tích cực: Bất kỳ sự tiến bộ nào của trẻ, dù là phát âm được âm đầu, nói được từ đơn, hay chủ động gọi tên đồ vật, đều xứng đáng được công nhận. Sự động viên đúng lúc giúp trẻ cảm thấy tự tin và có động lực tiếp tục giao tiếp.

- Phối hợp chặt chẽ với chuyên gia ngôn ngữ trị liệu: Việc thực hành tại nhà sẽ hiệu quả hơn nếu được hướng dẫn và đồng hành bởi chuyên gia. Gia đình nên chủ động trao đổi với chuyên viên ngôn ngữ trị liệu để hiểu rõ mục tiêu từng giai đoạn và biết cách tập đúng kỹ thuật.

Mời bạn đọc xem thêm:

TS. BS. Trịnh Thị Bích Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-tot-cho-tre-cham-noi-169250423144033657.htm