Bài 'test' nông sản vào EU

Thị trường Châu Âu với hơn nửa tỷ dân, GDP chiếm trên 22% toàn cầu-một thị trường tiềm năng trong xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam trong đó có mặt hàng lúa gạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu sẽ được xóa bỏ, tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho hàng hóa của cả hai bên.

Với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ xóa hạn ngạch với gạo tấm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm.

Trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 20.000 tấn gạo/năm sang EU với mức thuế dao động khoảng 65 - 211 Eur/tấn (ước tính khoảng 50% giá trị xuất khẩu). Với mức thuế này gạo thơm Việt Nam được nhập khẩu vào EU đã đội giá lên trên 1.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với gạo của Campuchia, Myanmar vì được miễn thuế vào thị trường này. Mặt khác, EU cũng được xem là thị trường khó tính, đây là hai nguyên nhân chính “ngáng” đường gạo Việt vào EU trong thời gian qua.

Với mức thuế suất ưu đãi 0% cho hạn ngạch 80.000 tấn thuế suất, theo Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hạn ngạch xuất khẩu gạo sang EU không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn, đây là bài “test” của nhà nhập khẩu trước khi quyết định nâng tầm đối tác.

Do đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cần phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về chất lượng hàng hóa mà đối tác đặt ra. Trong đó có quy định phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại được hưởng ưu đãi theo hạn ngạch nhập khẩu cam kết EVFTA.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành 4, do trước đây Việt Nam xuất khẩu gạo sang EU với sản lượng nhỏ lẻ, không đáng kể nên nhà nhập khẩu chưa ban hành quy chuẩn chính thức. Nay thực hiện cam kết EVFTA, thì việc quốc gia nhập khẩu ban hành quy chuẩn nhập khẩu là lẽ thường tình, điều này cũng tương tự với mặt hàng thủy sản.

“Về các yêu cầu về kỹ thuật: hiện nay Việt Nam đã có rất nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu nông sản sang cả Nhật, Mỹ. Đây là hai thị trường được xem là khó tính nhất. Vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu đang cần được ngành chức năng hỗ trợ là thực hiện xúc tiến quảng bá thương hiệu và hướng dẫn quy trình thủ tục để xuất khẩu được thuận lợi vào thị trường này vì đây là thị trường mới của nhiều doanh nghiệp ngành gạo”, ông Thành đề xuất.

Theo Phú Khởi/enternews.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bai-test-nong-san-vao-eu-325409.html