Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào'Như cánh chim không mỏi
Ròng rã hơn 30 năm, tích cực tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, công tác dân phố và đấu tranh chống tiêu cực, Thiếu tá Trần Văn Bính (sinh năm 1946) được cấp ủy, chính quyền và bà con Tổ dân phố 19, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) dành cho sự tín nhiệm, tin tưởng rất cao.
Nét đẹp của sự cống hiến và lòng chính trực
Năm 1991, sau 10 năm chiến đấu tại chiến trường B, C và biên giới Tây Nam, bị nhiễm chất độc da cam mức độ 2 (mất 61% sức khỏe), Thiếu tá Trần Văn Bính rời quân ngũ về sinh sống tại phường Hoàng Liệt cùng gia đình. Ông đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống mới, tham gia Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh (CCB) phường, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ an ninh và Tổ dân phố (TDP). Không chỉ tích cực, chủ động làm tốt các nhiệm vụ được giao, Thiếu tá Trần Văn Bính còn là người nổi tiếng chính trực, thẳng thắn, mạnh mẽ đấu tranh với những chuyện “chướng tai, gai mắt”.
Nhiều đảng viên ở phường Hoàng Liệt còn mãi ấn tượng về bài tham luận của CCB Trần Văn Bính tại Đại hội Đảng bộ xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (năm 1993). Thời điểm đó ông đã thẳng thắn chỉ ra một số điểm còn yếu kém trong công tác quản lý đất đai và kiến nghị giải pháp khắc phục. Sau đó, ông bị kẻ xấu chặn đường tấn công tại Bến xe Nước Ngầm, gây thương tích 21%. Vụ việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và đưa ra xét xử, kẻ chủ mưu thuê người đánh ông đã bị xử lý.
Trong quá trình đô thị hóa, công tác quản lý đất đai tại xã Hoàng Liệt (nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng đã xảy ra nhiều vi phạm. Các đảng viên, người dân địa phương đã tin tưởng, gửi gắm niềm tin vào ông để mạnh dạn tố cáo những người cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi. Những nỗ lực của ông đã được đền đáp khi người vi phạm bị xử lý, những quyền lợi được trả lại đúng với người được hưởng. Điều đáng nói là có những cán bộ bị mất chức vì sự chính trực của ông, sau này gặp lại họ vẫn vui vẻ bắt tay như thể cảm ơn ông, bởi họ hiểu, không có những người như ông, cuộc đời họ có khi còn xấu hơn nhiều. Hơn ai hết, họ hiểu ông Bính đấu tranh không phải cho cá nhân mình mà chính vì sự công bằng xã hội, bảo đảm thượng tôn pháp luật, nên dù tốn nhiều công sức, thời gian và nhiều lần bị kẻ xấu đe dọa, người CCB ấy vẫn không nản chí.
Từ năm 2004, CCB Trần Văn Bính được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng dân phố 19, với gần 500 hộ dân sinh sống tại 4 khu biệt thự, 4 tòa nhà và Trưởng ban Quản trị tòa nhà chung cư N8. Đây là địa bàn phức tạp bởi thường xuyên có nhiều đối tượng xã hội đến hoạt động ở các tòa nhà, biệt thự để hoang chưa có người ở. Căn hộ của vợ chồng ông tại tầng 2, chung cư N8 đã trở thành “điểm hẹn” của người dân và các đảng viên, tổ chức đoàn thể. Vợ ông, bà Đinh Thị Mỹ (sinh năm 1948) còn là người đồng chí, đồng hành trong công tác ở địa phương cùng với ông, khi có tới 15 năm (2008 - 2023) tham gia cấp ủy, giữ cương vị Bí thư Chi bộ TDP Pháp Vân - Tứ Hiệp.
Trong mọi phong trào của địa phương, CCB Trần Văn Bính luôn gương mẫu, đi đầu. Trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, không ngại khó khăn, gian khổ, ông Bính luôn có mặt ở những điểm có dịch bệnh để tuyên truyền, nhắc nhở người dân khu phố nêu cao tính tự giác trong phòng, chống dịch bệnh. Ông ngày đêm bám sát và theo dõi đến từng ngõ ngách trong tổ dân phố để duy trì tốt công tác an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, kịp thời cùng các lực lượng tham gia xử lý các vấn đề phát sinh. Không chỉ mình ông mà “bộ đôi” ông Bính - bà Mỹ luôn có mặt tại các điểm nóng của khu chung cư để chung tay phòng chống dịch, giữ gìn cuộc sống bình an cho người dân. Vào những ngày cao điểm cả Hà Nội căng mình chống dịch, ông bà đã không tiếc thời gian, tiền bạc, sẵn sàng dùng lương hưu của hai vợ chồng để ủng hộ, chia sẻ với những thân phận cơ nhỡ, không có nơi nương tựa.
Vẫn miệt mài “vác tù và hàng tổng”
Nguyên Tổng biên tập Báo Biên phòng, Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn chia sẻ: "Tại Hà Nội, có rất nhiều CCB khi rời quân ngũ, trở về đời thường vẫn thể hiện bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận đấu tranh với những sai trái xã hội. Nhưng việc cả hai vợ chồng cùng hăng hái tham gia và tham gia tích cực, có hiệu quả suốt 3 thập kỷ như CCB Trần Văn Bính là không nhiều, đây là tấm gương sáng mà chúng ta cần học tập, nhân rộng".
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Xuân Chinh khẳng định, sau những năm tháng tham gia chiến trường, bị thương tật, sức khỏe giảm sút, nhưng thay vì nghỉ ngơi cùng vợ con, người thân thì CCB Trần Văn Bính lại dành phần lớn tuổi già cho các hoạt động của địa phương. Những cống hiến thầm lặng như vậy thật đáng trân trọng, cần được biểu dương, khen ngợi và nhân rộng điển hình.
Hơn 30 năm gắn bó với Thủ đô, CCB Trần Văn Bính đã được tặng 71 giấy khen các cấp vì những đóng góp cho chính mảnh đất ông bà đã chọn làm quê hương thứ hai của mình. Đặc biệt năm 2015, ông đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng Bằng khen trong phong trào đấu tranh chống tham nhũng. Năm 2000, ông được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương vì những cống hiến xuất sắc cho phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhưng với ông, những tình cảm trân quý của bà con TDP, sự tin tưởng của Đảng ủy, UBND phường và Hội CCB phường Hoàng Liệt là món quà lớn nhất dành cho mình. Chính vì điều này mà hiện nay, dù đã 78 tuổi, sức khỏe không còn tốt như trước nhưng ông vẫn miệt mài với công việc “vác tù và hàng tổng”.