Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào' Những ngày hào hùng trong ký ức người 'Vệ út'

Trong căn nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), người 'Vệ út' Phùng Đệ năm xưa hào hứng kể về ký ức gian khổ mà hào hùng những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, đặc biệt là 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thủ đô, giam chân giặc Pháp để Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên An toàn khu, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị mọi mặt bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng ông Phùng Đệ vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi nhắc đến những ngày cùng các chiến sĩ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, anh dũng chiến đấu bảo vệ Hà Nội và cuộc rút quân thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô lên chiến khu Việt Bắc.

Quyết tử bảo vệ Hà Nội

Thuở đó, ông Phùng Đệ chỉ là cậu bé 13 tuổi, chứng kiến cảnh tang thương khi giặc Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa, nhất là cuộc thảm sát ở Yên Ninh - Hàng Bún ngày 17-12-1946 làm hàng chục phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, khiến cậu bé Phùng Đệ luôn ám ảnh. Lòng căm hờn giặc Pháp luôn bùng lên nhưng vì nhỏ tuổi nên Phùng Đệ chưa thể xin vào bộ đội và cũng không biết làm thế nào để được tham gia lực lượng chống Pháp. Nhưng rồi cơ hội cũng đến với cậu.

Phút giây thư thái của ông Phùng Đệ tại nhà riêng. Ảnh: Đinh Thị Thuận.

Phút giây thư thái của ông Phùng Đệ tại nhà riêng. Ảnh: Đinh Thị Thuận.

Đêm 19-12-1946, khi đại bác ở pháo đài Láng, Xuân Tảo đồng loạt nổ, phát lệnh toàn quốc kháng chiến, cả Hà Nội rực lửa, tiếng súng rền vang khắp nơi. Cậu bé Phùng Đệ cùng mọi người chạy vào đình Phất Lộc (thuộc khu Hoàn Kiếm) trú ẩn. Sáng hôm sau, khi tiếng súng đã ngớt, cậu trốn người lớn đi xem phố phường tan hoang ra sao và thấy tự vệ ta đang phá đường, đào chiến hào, đắp ụ chiến đấu ở khu phố Tạ Hiện, đoạn ra Cầu Gỗ. Thấy vậy, Phùng Đệ hăng hái vào làm cùng các anh và đó là cơ duyên để cậu được nhận vào Đại đội 15, Tiểu đoàn 103, khu Đông Kinh Nghĩa Thục.

“Vệ út” Phùng Đệ bồi hồi kể: “Công việc chính của tôi lúc đó là làm trinh sát. Trong điều kiện khu Đông Kinh Nghĩa Thục cũng như các khu khác không có điện, không nước, không chợ búa mà còn bị bao vây, cô lập, trong khi phải chiến đấu với địch nhằm giam chân chúng. Vượt qua mọi khó khăn, tôi thường trinh sát, nghe ngóng tình hình nơi địch đóng, sau đó về báo cáo với bộ đội và dẫn các anh đi tấn công, quấy rối địch”.

Chiến sĩ ôm bom 3 càng đón đánh xe tăng địch trên đường phố Hà Nội mùa Đông 1946. Ảnh: tư liệu

Chiến sĩ ôm bom 3 càng đón đánh xe tăng địch trên đường phố Hà Nội mùa Đông 1946. Ảnh: tư liệu

Ông Phùng Đệ cũng cho biết, thời điểm đó tình hình rất căng nên Chính phủ vận động bà con Hà Nội, nhất là người già, trẻ nhỏ đi tản cư hoặc về quê, còn thanh niên ở lại tham gia đánh địch. Bộ đội, thanh niên ngày đêm tập quân sự rất hăng hái. Các nhà trong khu Hoàn Kiếm thực hiện “vườn không nhà trống”, được bộ đội sử dụng làm nơi đóng quân để chiến đấu với Pháp. Tường nhà nọ đục thông sang nhà kia theo hình dích dắc; sập gụ, tủ chè, giường chiếu, xoong nồi, cây cối mang ra đắp ụ ngang đường, chắn không cho xe cơ giới Pháp đi. Những “Vệ út” như Phùng Đệ không chỉ làm nhiệm vụ liên lạc mà còn tận dụng địa hình để luồn từ nhà nọ sang nhà kia trinh sát, thu gom lương thực, tìm giếng để lấy nước cho quân ta…

Tinh thần chống Pháp hừng hực khắp nơi. Dù địch ngày đêm tấn công vào lực lượng của ta, đàn áp nhân dân, sục sạo khắp ngõ phố nhưng lực lượng của ta vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu, bảo vệ Hà Nội. Ta và địch tranh nhau từng tấc đất, từng con phố. Trong khu phố cổ Hà Nội, Trung đoàn Thủ đô đóng chính ở các phố Hàng Bạc, Hàng Mắm, Mã Mây.

Thực hiện lời hẹn với Thủ đô

Ông Phùng Đệ cũng kể rằng, suốt thời gian chiến đấu bảo vệ Hà Nội, ông nhớ nhất ba trận đánh lớn, đó là trận đánh chợ Đồng Xuân, trận đánh phố Hàng Thiếc, trận đánh trường Ke và nhà Sauvage. Trong đó, trận đánh nhà Sauvage (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Du) ông tham gia với vai trò liên lạc, dẫn 2 tiểu đội đánh chiếm. Sau nửa ngày giao tranh ác liệt, địch bị tiêu diệt tới vài chục tên và quân ta cũng bị tổn thất. Dù gian khổ, hy sinh nhưng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vẫn không hề chùn bước, nhiều người còn xung phong cầm bom ba càng tấn công xe tăng địch.

Trước tinh thần chiến đấu quyết liệt của quân ta, giặc Pháp ngày càng điên cuồng tìm cách tiêu diệt các cảm tử quân. Tết Đinh Hợi 1947, Bác Hồ có thư gửi các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Nhớ lại thời điểm ấy, ông Phùng Đệ không giấu nổi xúc động: “Bác Hồ gọi các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô là các em. Đặc biệt, Bác viết những dòng khiến cả Trung đoàn vừa xúc động, vừa tự hào: Các em là đội cảm tử, các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là tiêu biểu cho tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại”.

Sau 60 ngày đêm giao tranh ác liệt để giữ chân quân Pháp, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút lên Việt Bắc. Trước khi đi, nhiều chiến sĩ đã không cầm được nước mắt, viết lên bức tường dòng chữ “Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ hẹn ngày chiến thắng trở về”, “Tạm biệt nhé Hà Nội, chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng trở về”.

Nhưng đường rút lui lại là sự khó khăn khi các ngả đường ra đều bị quân Pháp bao vây chặt. Theo ông Phùng Đệ, khi đó, các chiến sĩ đều xin mở đường máu, nếu không được cấp trên chấp thuận thì xin ở lại chiến đấu đến người cuối cùng, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu đầu hàng. Con đường có thể ra được chính là hướng Đông, đi từ đình Phất Lộc ra cột đồng hồ phía cầu Long Biên, men theo mép sông ra bến đò Tứ Tổng (phường Tứ Liên) để đi sang bên kia sông rồi ra vùng Việt Bắc. Trong khi đó, trên cầu Long Biên, đèn pha của địch rọi sáng một vùng, chúng thường xuyên canh gác trên cầu. Nhưng thật kỳ lạ, đêm mưa phùn 17-2-1947, đúng 60 ngày đêm bám trụ bảo vệ Hà Nội, cả Trung đoàn Thủ đô 1.200 người rút quân mà không hề bị địch phát hiện. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi đó là “cuộc lui quân thần kỳ”.

9 năm kháng chiến trường kỳ, ông Phùng Đệ tham gia nhiều chiến dịch lớn, từ chiến dịch Tây Bắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 10-10-1954, ông có mặt trong đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô. “Khi đó không khí rất tưng bừng, nhất là những người như tôi từng sinh ra, lớn lên, chiến đấu bảo vệ Hà Nội, suốt 8 năm xa gia đình, nay lại được trở về với Thủ đô. Hơn nữa, chúng tôi đã thực hiện đúng lời hẹn trở về trước khi rời Hà Nội đi kháng chiến” - Ông Phùng Đệ bày tỏ.

Đoàn quân chiến thắng trở về trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Ảnh tư liệu TTXVN

Đoàn quân chiến thắng trở về trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Ảnh tư liệu TTXVN

Bởi vậy, trong đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô, ông Phùng Đệ và nhiều đồng đội cùng mong ngóng tìm gặp người thân, xem có ai trong gia đình mình đứng trong dòng người bên đường chào đón đoàn quân chiến thắng không. Sau đó là giây phút chào cờ lịch sử tại sân Cột Cờ vào buổi chiều cùng ngày.

Đã 70 năm trôi qua kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô và 78 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, nhưng đó vẫn là những ký ức thiêng liêng mà người “Vệ út” Phùng Đệ không bao giờ quên.

Đinh Thị Thuận

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-nhung-ngay-hao-hung-trong-ky-uc-nguoi-ve-ut-677515.html