Bài tham dự cuộc thi viết: 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào' - Nỗ lực vì một Hà Nội 'đẹp từng centimet':Bài 2: Thổi hồn cho những con đường

Hà Nội hiện có số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước. Thú vị hơn và có lẽ chưa từng có trong lịch sử Hà Nội, đó là giờ đây, đường phố cũng trở thành không gian sáng tạo thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng.

Những ý tưởng sáng tạo liên tục được thực hiện đã giúp hồi sinh nhiều con đường, biến các nhà ga thành những phòng trưng bày, góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Hồi sinh những góc phố bị "bỏ quên”

Cách đây 6 năm, dự án phố bích họa Phùng Hưng được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện đã trở thành điểm nhấn trong hoạt động sáng tạo của Thủ đô. Đoạn phố từng bị “bỏ quên” bởi sự nhếch nhác, nơi tập trung những bãi trông xe tự phát, quán hàng rong… bỗng trở thành con đường nghệ thuật, điểm check-in thu hút nhiều người đến vào cuối tuần. Đoạn phố dài hơn 200m trưng bày nhiều tác phẩm, với những hình ảnh gợi nhớ về Hà Nội xưa như: Bách hóa tổng hợp, gánh hàng rong, ông đồ cho chữ... cùng nhiều sắp đặt như xe kéo, xe cup Honda...

Là người có vai trò khởi xướng dự án, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: Đây là dự án đầu tiên đưa nghệ thuật đương đại ra ngoài đường phố. Ở đó, có đủ các loại hình từ nhiếp ảnh, vẽ 3D, điêu khắc đến trò chơi tương tác. Người xem không chỉ chụp ảnh thông thường, mà còn có thể tương tác với các tác phẩm”.

Nhiều công trình của Hà Nội đã trở thành tiên phong cho mô hình làm đẹp đường phố của cả nước, biến những góc phố “chết” trở nên sống động.

“Con đường gốm sứ” - công trình mang dấu ấn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu. Gần 4km bờ tường bê tông xám xịt, nhếch nhác dọc đê sông Hồng giờ đây đã biếnthành con đường nghệ thuật với những tác phẩm bằng gốm sứ có họa tiết, màu sắc sinh động, kể cho người xem câu chuyện lịch sử, văn hóa riêng của Hà Nội.

Hay dự án “biến bãi rác thành không gian sáng tạo” ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã biến đổi ngoạn mục không gian sống ở phía dưới chân cây cầu Long Biên trăm tuổi. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Tổ trưởng tổ dân phố số 1 (phường Phúc Tân) nhớ lại: "Đường ngoài đê sông Hồng chật chội và nhỏ hẹp, tập trung nhiều dân lao động. Khi quận Hoàn Kiếm và phường Phúc Tân chủ trương xóa bãi rác để xây sân chơi, các họa sĩ cũng về đây biến con đường ven đê thành con đường nghệ thuật, chúng tôi mừng lắm. Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi".

Dự án nghệ thuật ở phường Phúc Tân đã thay đổi ngoạn mục không gian sống của người dân nơi đây. Ảnh: Hoàng Quyên

Dự án nghệ thuật ở phường Phúc Tân đã thay đổi ngoạn mục không gian sống của người dân nơi đây. Ảnh: Hoàng Quyên

Đáng chú ý, vào tháng 4-2024, công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) khánh thành, là kết quả mở rộng hơn của dự án làm sạch, đẹp những con đường Hà Nội.

Cây cầu đi bộ được các họa sĩ biến thành một bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng như một thủy cung được làm từ những vật liệu tái chế. Dọc hành lang thành cầu là những hình vẽ tái hiện những người lao động trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” đầu thế kỷ XX của tác giả người Pháp Henri Oger. Cây cầu đi bộ trở thành gạch nối liên kết giữa khu phố cổ và phố Phúc Tân, tạo thành một tour đi bộ khép kín, thu hút rất đông du khách đến tham quan.

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) được trang trí như một thủy cung. Ảnh: Hoàng Quyên

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) được trang trí như một thủy cung. Ảnh: Hoàng Quyên

Là địa bàn có nhiều công trình sáng tạo được hình thành từ “không gian chết”, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, công tác làm đẹp đường phố, đặc biệt là tại những “điểm nóng” về vệ sinh môi trường, an toàn đô thị, được đặt ra nhiều năm nay. Các công trình không chỉ có tính chất làm đẹp đô thị, mà còn nhằm mục đích cải thiện không gian sống. Đây là một quá trình khó khăn nhưng nếu quyết tâm thì có thể thực hiện được.

Mỗi sân ga là một không gian văn hóa

Với tốc độ phát triển và mở rộng không gian đô thị một cách nhanh chóng, Hà Nội đang dần hình thành nhiều cung đường mới, mô hình giao thông mới. Đan xen những góc phố cũ, các tuyến đường bộ truyền thống, hệ thống đường sắt mang tính di sản sẽ là hệ thống đường sắt đô thị (metro) với hàng loạt nhà ga trên cao và dưới lòng đất hiện đại. Và hệ thống các nhà ga trong nội đô cũng chính là một không gian sáng tạo với nhiều ý tưởng mang tính gợi mở để tăng sức hút cho đô thị - Thủ đô.

Ga Hà Nội giống như một gallery với những bức ảnh về đường sắt Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quyên

Ga Hà Nội giống như một gallery với những bức ảnh về đường sắt Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quyên

Điểm sáng trong nỗ lực sáng tạo, biến các cung đường thành điểm đến hấp dẫn du khách phải kể đến sự chuyển mình của ngành Đường sắt Việt Nam. Trong năm 2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phát động phong trào “Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến”.

Tại Hà Nội, việc khai trương “Cà phê Hỏa xa” ở ga Long Biên, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Hà Nội, được xem là dấu ấn của đường sắt đô thị.

Trong khu vực ga Hà Nội, không gian check-in với những tấm pano, khu mua đồ lưu niệm, những bức ảnh về lịch sử ngành đường sắt được treo ở tầng 1 và 2 trở thành điểm nhấn thu hút khách khi đến Thủ đô.

Ga Cầu Giấy (gần Công viên Thủ Lệ) trưng bày tranh in hình các loại động vật. Ảnh: Hoàng Quyên

Ga Cầu Giấy (gần Công viên Thủ Lệ) trưng bày tranh in hình các loại động vật. Ảnh: Hoàng Quyên

Hai tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và Cầu Giấy - Nhổn đi vào vận hành có thể coi là một dấu mốc mới của giao thông Hà Nội, đang thu hút hàng chục nghìn lượt người trải nghiệm mỗi ngày.

Theo Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội được thiết kế không chỉ với mục tiêu phục vụ vận tải hành khách, mà còn là điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc cho khu vực phía Tây thành phố. Mỗi nhà ga trên cao được thiết kế với hình ảnh đặc trưng nhằm tôn vinh văn hóa địa phương. Chẳng hạn, tuyến Cầu Giấy - Nhổn có 8 nhà ga, mỗi điểm dừng - nghỉ có dấu ấn riêng được thể hiện qua tranh treo tường. Điển hình như ga Cầu Giấy (gần công viên Thủ Lệ) có tranh in hình các loại động vật; ga Lê Đức Thọ có hình vẽ các vận động viên thể thao; ga S7 (chùa Hà) có hình ảnh ngôi chùa truyền thống Việt Nam...

Chị Hoàng Thu Hiền (quận Nam Từ Liêm) sau khi trải nghiệm đường sắt đô thị tuyến Cầu Giấy - Nhổn chia sẻ: “Nghệ thuật sáng tạo tại các điểm dừng - nghỉ ở nhà ga tuy còn đơn giản nhưng là điểm nhấn khá thú vị. Những điều như thế này, dù nhỏ hay lớn, đều có ý nghĩa làm đẹp cho Thủ đô”.

Ga Chùa Hà có hình ảnh ngôi chùa truyền thống Việt Nam. Ảnh: Hoàng Quyên

Ga Chùa Hà có hình ảnh ngôi chùa truyền thống Việt Nam. Ảnh: Hoàng Quyên

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội trong những năm gần đây ngày càng thu hút sự chú ý của người dân và du khách. Bên cạnh việc cung cấp tiện ích cho hành khách, những không gian sáng tạo tại các điểm dừng - nghỉ trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, văn minh hơn.

Hà Nội có những bước tiến đáng ghi nhận về kiến tạo cảnh quan, làm đẹp phố phường, không gian công cộng. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng sức sáng tạo bền lâu, tạo bước đột phá, Thủ đô cần có chiến lược mang tính tầm nhìn, sự đổi mới về cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư.

(Còn nữa)

Hoàng Quyên - Hoàng Trà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-no-luc-vi-mot-ha-noi-dep-tung-centimet-bai-2-thoi-hon-cho-nhung-con-duong-677115.html