Bài thi tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có thay đổi gì trong năm 2021?

Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bài thi tư duy năm 2021 sẽ mở rộng thêm một số chủ đề về kỹ thuật, công nghệ, văn hóa, xã hội trong phần đọc hiểu.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, mùa tuyển sinh năm nay ổn định, hầu hết các trường đều lựa chọn được những thí sinh đạt yêu cầu. Năm 2021, trường vẫn đưa ra 3 phương thức xét tuyển.

Đó là phương thức xét theo hồ sơ tài năng (học sinh trường chuyên, lớp chuyên và có học lực giỏi, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, học sinh đạt giải thưởng cao trong kì thi cấp tỉnh về các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh).

Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả bài thi riêng, trường đang tính toán bổ sung thêm một số phần trong bài đánh giá tư duy. Cụ thể, trên cơ sở đọc hiểu, môn Toán có phần tự luận, thêm các câu hỏi liên quan tổ hợp môn về Khoa học Tự nhiên (Lý Hóa, Hóa Sinh,…). Các vấn đề chủ yếu tập trung đến lĩnh vực khoa học công nghệ và một vài câu ở lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Trường sẽ nâng cấp và cải tiến thêm bài thi tư duy đạt chất lượng cao hơn. Đồng thời, lợi thế ở bài thi tư duy này là các thí sinh không thể học tủ, không học thêm theo định hướng, cần có các kiến thức tổng hợp.

Ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, theo Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, trường sẽ có điều chỉnh về mặt chỉ tiêu xét tuyển. Bởi nếu làm tích cực 2 phương án xét tuyển thẳng và xét thông qua bài thi tư duy thì số lượng chỉ tiêu cho phương thức này sẽ giảm.

Thông qua ba phương thức xét tuyển nhà trường có thể tìm kiếm được những thí sinh có năng lực và phù hợp. Đại học Bách Khoa Hà Nội được đánh giá là trường có chương trình học tương đối nặng, đặc biệt đối với ngành kỹ thuật công nghệ. Trường luôn mong muốn có những học sinh giỏi và đáp ứng được sức nặng và yêu cầu của chương trình đào tạo.

Cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế rất tốt, nhưng theo ông cần phải có lộ trình để học sinh có kế hoạch ôn tập, nội dung kiến thức. Tránh trường hợp gấp gáp đẩy thí sinh vào thế bị động. Đồng thời cần có kế hoạch kỹ lưỡng, công bố rộng rãi cho thí sinh và xã hội biết.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội.

Về điểm chuẩn năm 2020, PGS Điền cho rằng điểm cao không chỉ do đề thi được đánh giá dễ, mà các trường được tự chủ tuyển sinh nên các phương thức xét tuyển cũng đa dạng như xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế, xét bài thi tư duy.

Năm nay mức độ cạnh tranh ở phổ điểm theo khối của thí sinh cũng rất sát, các em cạnh tranh nhau từ 0,1 điểm. Điển hình như Đại học Bách Khoa có khung điểm chung là 27,01 điểm, nếu trường hạ xuống 27 điểm thì sẽ có rất nhiều thí sinh trúng tuyển và vượt quá chỉ tiêu cho phép. Vậy nên mức độ cạnh tranh của các thí sinh giỏi trong các câu hỏi khó là khá cao.

Theo đánh giá của Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kênh rất tốt để các trường đại học xét tuyển. Vì bản chất xét tuyển bằng điểm thi vẫn là sự cạnh tranh để chọn các em có điểm tốt nhất, phù hợp nhất cho từng trường.

Ông cũng khuyên các trường nâng cao tinh thần tự chủ tuyển sinh, áp dụng thêm nhiều phương thức xét tuyển mới như điểm học bạ, xét kết hợp giữa học bạ và điểm thi THPT, chứng chỉ, phỏng vấn để bắt kịp xu thể đổi mới giáo dục đại học.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bai-thi-tu-duy-cua-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-co-thay-doi-gi-trong-nam-2021-ar573842.html