Bài toán chống khủng bố ở Afghanistan vẫn còn nan giải
Đã hơn 1 năm kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan từ tháng 8/2021, sự ổn định và phát triển của Afghanistan vẫn bị 'kìm hãm' vì nguyên nhân liên quan tới vấn đề chống khủng bố.
Ngay sau khi quân đội quốc tế rút khỏi Afghanistan, phong trào Taliban đã kiểm soát đất nước với một chính quyền chưa được quốc tế công nhận có tên là Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Thời gian gần đây, vấn đề chống khủng bố của Taliban đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế sau sự kiện Mỹ sử dụng máy bay không người lái tiêu diệt thành công “trùm” khủng bố Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri ngay giữa Thủ đô Kabul vào cuối tháng 7.
Được biết, Ayman al-Zawahiri là người kế nhiệm trùm khủng bố Osama bin Laden (bị Mỹ tiêu diệt vào năm 2011) - người đã lãnh đạo nhóm khủng bố Al-Qaeda gây ra vụ tấn công ngày 11/9/2001, châm ngòi cho cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan.
Bình luận về vấn đề chống khủng bố ở Afghanistan, giới phân tích cho biết, nét chính trong Thỏa thuận Doha giữa Taliban và chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban phải đảm bảo lãnh thổ Aghanistan không trở thành “thiên đường” chứa chấp các tổ chức khủng bố xuyên quốc gia như Al-Qaeda, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…
Tuy nhiên, trong thời gian Taliban cai trị Afghanistan vẫn có nhiều báo cáo về việc các tổ chức khủng bố “trỗi dậy” tại quốc gia này và vụ việc Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda ngay tại Thủ đô Kabul vừa qua là minh chứng khó có thể thanh minh về sự hiện diện của khủng bố tại Afghanistan.
Chính quyền Mỹ một mực cáo buộc Taliban đã vi phạm Thỏa thuận Doha một cách khó có thể chấp nhận. Trong khi đó, Taliban nhấn mạnh rằng, hoàn toàn không nắm được thông tin thủ lĩnh Al-Qaeda trú ngụ tại nước này, đồng thời tức giận chỉ trích việc Mỹ sử dụng vũ lực trên lãnh thổ Afghanistan là vi phạm chủ quyền quốc gia.
Có thể thấy, việc Afghanistan vẫn hiện diện các tổ chức khủng bố hàng đầu thế giới cho thấy nguy cơ đáng báo động về việc đất nước Nam Á này là điểm khởi nguồn cho các vụ tấn công khủng bố nhắm vào phương Tây. Đây được xem là một vấn đề căn bản để chính quyền của Taliban chưa tìm được sự công nhận của quốc tế. Từ đó kìm hãm khả năng giải quyết hàng loạt cuộc khủng hoảng trong nước thời kỳ sau chiến loạn và tiến bước vào quá trình hội nhập, phát triển ổn định.
Dù Mỹ và Taliban được giới quan sát đánh giá là vẫn còn quá nhiều bất đồng khó có thể giải quyết dứt điểm liên quan tới vấn đề chống khủng bố, song, cuối tuần trước tại Thủ đô Doha (Qatar), 2 phái đoàn quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền Taliban đã có cuộc thảo luận trực tiếp với nội dung nghị sự bao gồm vấn đề này.
Cuộc đối thoại phần nào “giảm nhiệt” căng thẳng giữa Mỹ và Taliban và khơi dậy ít nhiều triển vọng cải thiện nỗ lực chống khủng bố. Bởi, Mỹ và Taliban dù bất đồng khá gay gắt nhưng vẫn sẵn sàng ngồi cùng nhau trên bàn đối thoại, cho thấy cách tiếp cận giải quyết khúc mắc có thể đạt được sự hài hòa.
Dẫu vậy, các nhà quan sát an ninh khu vực nhìn nhận, thực trạng khủng bố hoạt động ở Afghanistan có thể được coi là “quốc nạn”, trong khi chính quyền Taliban cũng có nhiều phản kháng gay gắt với các nhóm khủng bố. Trên thực tế, trong 1 năm qua, hoạt động khủng bố ở Afghanistan duy trì ở mức thấp và năng lực của các nhóm khủng bố này chưa đủ lớn để tiến hành các vụ tấn công ngoài biên giới Afghanistan, ngoại trừ 1 vụ IS phóng rocket vào lãnh thổ Uzbekistan diễn ra vào tháng 4/2022.
Giới chuyên gia chính trị cho rằng, Mỹ và Taliban từng là “kẻ thù không đội trời chung” nhưng đã đạt được mức độ quan hệ như hiện nay là một thành quả to lớn. Taliban chắc chắn mong muốn đạt được mối quan hệ tốt hơn với Mỹ, bởi đây là “chìa khóa vàng” để Afghanistan mở cánh cửa với thế giới.
Trước mắt, Taliban rất cần nguồn lực của quốc tế mà dẫn đầu là Mỹ để giải quyết các cuộc khủng hoảng, suy thoái trong nước. Để đạt được yếu tố quyết định cho vận mệnh của chính quyền non trẻ này, giới chuyên gia tin rằng, Taliban sẽ có những cải thiện đáng kể về chống khủng bố để tạo dựng sự tin cậy từ phương Tây.