Bài toán khó trong công tác cai nghiện ở Nậm Vì
ĐBP - Cách trung tâm xã Chung Chải, huyện Mường Nhé gần 20km, bản Nậm Vì có gần 100 hộ với trên 500 nhân khẩu là người Mông và Hà Nhì sinh sống. Trong đó, trên 80% gia đình thuộc diện hộ nghèo, trình độ dân trí còn hạn chế, số người trong độ tuổi lao động nghiện các chất ma túy chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù Ban Công an xã đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các ban, đoàn thể xã thường xuyên tuyên truyền tới người dân về tác hại của ma túy đối với đời sống xã hội và vận động người dân đi cai nghiện tập trung tại cộng đồng, nhưng sau khi cai tại cộng đồng trở về gia đình họ tái nghiện trở lại.
Ban Công an xã Chung Chải tuyên truyền về tác hại của ma túy tới người dân bản Nậm Vì (Ảnh chụp trước tháng 5/2021).
Đã 18 năm nay chị Chang Thị Cá, bản Nậm Vì sống chung với bàn đèn thuốc phiện. Nhà có 5 người thì có tới 3 người nghiện ma túy, trong đó có 1 mẹ già. Chị Cá cho biết, ban đầu chị bị vết thương nặng trên mặt do tai nạn nên chị đã tìm đến thuốc phiện để cắt giảm cơn đau, hút nhiều nên chị bị nghiện lúc nào không hay. Người mẹ già và chồng chị cũng nghiện theo. Cách đây vài năm, chồng chị đã chết do sức khỏe yếu. Còn chị và mẹ già không còn đủ sức lao động nên ngày ngày quanh quẩn bên chiếc bàn đèn, bao nhiêu tài sản trong gia đình đều bị cuốn hết theo làn khói của “nàng tiên nâu”. Trong căn nhà tuềnh toàng, không có gì đáng giá, ngoài mấy cái xoong không còn hạt cơm và vài vỏ chai, lọ nhựa vứt lăn lóc ở góc nhà. Căn buồng được chắn bởi những tấm phên nứa luôn thường trực 2 người đàn bà nghiện nằm co ro quanh năm. Chị Chang Thị Cá kể: Ban đầu do bị ngựa đá vào mặt nên tôi đã hút thuốc phiện để giảm đau, sau nhiều lần hút thì tôi bị nghiện. Đã mấy lần tôi được đưa đi cai nghiện tập trung tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh, nhưng chỉ cắt được cơn lúc đấy thôi, sau về nhà tôi lại hút trở lại”.
Tình trạng nghiện ma túy ở bản Nậm Vì, xã Chung Chải đang là vấn đề gây nhức nhối đối với cơ quan chức năng. Nghiện ma túy không chỉ xảy ra ở đàn ông, mà cả những người phụ nữ trong bản cũng nghiện ma túy. Khi bố mẹ nghiện và thản nhiên hút ma túy trước mặt con cái thì lớn lên trẻ dễ đi theo con đường nghiện ngập. Vì vậy, hầu hết thanh niên độ tuổi lao động trong bản đều bị nghiện ma túy, khiến cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy cuộc sống của người dân nơi đây.
Trung tá Thào A Hù, Trưởng Công an xã Chung Chải cho biết: “Bản Nậm Vì có 68 người nghiện ma túy. Ban Công an xã đã chủ động các biện pháp phòng ngừa tội phạm về ma túy. Trong đó chú trọng đến công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã về hành vi nghiện ma túy. Đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của xã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy nhằm giúp người dân nâng cao hiểu biết về tác hại của ma túy; thành lập, kiện toàn Tổ công tác cai nghiện ma túy; thống kê người nghiện ma túy để xây dựng kế hoạch cai nghiện, áp dụng các hình thức cai nghiện phù hợp và quản lý, giúp đỡ hỗ trợ người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tạo việc làm để ổn định đời sống cho người sau cai nghiện ma túy hiệu quả chưa cao”.
Tội phạm và tệ nạn ma túy không chỉ ảnh hưởng an ninh trật tự mà còn tác động xấu đến môi trường xã hội, đạo đức lối sống và sự bình yên, hạnh phúc của mỗi gia đình. Theo Trung tá Thào A Hù, để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống của người dân bản Nậm Vì, cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền xã Chung Chải và cán bộ ở bản Nậm Vì nhằm tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có người nghiện bắt buộc điều trị cai nghiện ma túy tại cơ sở tập trung sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Bởi khi người nghiện thoát khỏi môi trường, sự lôi kéo của những người đang sử dụng ma túy, được cai nghiện theo đúng phác đồ điều trị và có điều kiện để lao động, học nghề giúp sau này ổn định cuộc sống thì việc cai nghiện mới hiệu quả. Cùng với đó, phải tăng cường các biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy và công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện. Từ đó, giúp họ nhận thức rõ tác hại ma túy và hiểu được những chính sách quan tâm của Nhà nước, của tỉnh, huyện đối với công tác cai nghiện ma túy để tự nguyện đăng ký đi chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội của tỉnh Điện Biên.