Bài toán khó về nhân lực và hạ tầng nghiên cứu bán dẫn

Ngành bán dẫn Việt Nam đang ghi dấu ấn với những bước tiến đáng khích lệ. Viettel đã thành công trong việc sản xuất chip 5G DFE, trong khi FPT khởi đầu sản xuất chip IoT từ năm 2022 và tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu. Giá trị xuất khẩu bán dẫn sang Mỹ tăng từ 321 triệu USD năm 2022 lên 356 triệu USD năm 2023, đạt mức tăng trưởng 11,6%, giúp Việt Nam củng cố thị phần trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, so với chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, giá trị xuất khẩu này vẫn còn khiêm tốn, cho thấy Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia vào các khâu giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự chạm đến các công đoạn cốt lõi như thiết kế vi mạch hay sản xuất chip tiên tiến.

Thách thức cản bước phát triển

Một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chất lượng cao. TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) - chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn, nhấn mạnh, mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư mỗi năm đến năm 2030 đang gặp khó khăn khi thực tế chỉ tuyển dụng được khoảng 500 sinh viên. Tính đến năm 2023, cả nước chỉ có 5.575 kỹ sư bán dẫn, với sự mất cân đối rõ rệt về phân bổ: 85% tập trung ở phía Nam, 7% ở phía Bắc và 8% tại Hà Nội.

Ngành bán dẫn vốn đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn lâu năm. Tuy nhiên, hiện nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản lại chọn làm việc ở nước ngoài hoặc cho các doanh nghiệp FDI do mức lương hấp dẫn, việc thu hút họ về giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng trong nước gặp nhiều trở ngại.

Cùng với đó, học phí ngành bán dẫn đang là một thách thức lớn khi chi phí đào tạo thường rất cao. Việc đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị thực hành cho ngành này cũng cực kỳ tốn kém. Chẳng hạn, phần mềm thiết kế như Synopsys có giá 1 triệu USD, còn máy quang khắc có thể lên đến hàng trăm nghìn USD. Việc thiếu vốn đầu tư cho trang thiết bị khiến nhiều trường đại học chỉ tập trung vào lý thuyết, ít có điều kiện thực hành, dẫn đến khoảng cách lớn giữa kiến thức học thuật và kỹ năng cần thiết trong môi trường doanh nghiệp.

Thêm vào đó, ngành bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư và chiến lược dài hạn, nhưng Việt Nam hiện không nhiều các tổ chức, doanh nghiệp đủ năng lực tài chính. Ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, và gia tăng khoảng cách công nghệ với thế giới. TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng nhận định rằng, dù đã có nhiều chính sách mới, các trường đại học và cao đẳng vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt ở các lĩnh vực mũi nhọn như bán dẫn. Nhiều cơ sở giáo dục chưa có đề án hoặc chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực ở các khâu then chốt như thiết kế vi mạch, sản xuất, đóng gói, kiểm thử, nghiên cứu học thuật và quản lý…

Giải pháp đột phá cho ngành bán dẫn Việt Nam là xây dựng hạ tầng R&D dùng chung và nâng tầm đào tạo nhân lực

Giải pháp đột phá cho ngành bán dẫn Việt Nam là xây dựng hạ tầng R&D dùng chung và nâng tầm đào tạo nhân lực

Giải pháp đột phá

Trước bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu tăng trưởng mạnh nhưng chi phí R&D ngày càng leo thang, GS.TS Đinh Văn Nhã, Viện trưởng Viện OMEGA đề xuất xây dựng hạ tầng R&D dùng chung như một giải pháp chiến lược. Hạ tầng này cần được quy hoạch toàn diện, bao phủ mọi khâu trong chuỗi giá trị bán dẫn, từ vật liệu, thiết kế, sản xuất đến đóng gói và tích hợp hệ thống. Giải pháp này không chỉ giúp giảm rào cản gia nhập thị trường, mà còn thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học, từ đó tạo ra một hệ sinh thái nghiên cứu mạnh mẽ, sẵn sàng đón đầu các công nghệ tiên tiến.

Về đào tạo nhân lực, ông Nhã nhấn mạnh, cần “cách mạng hóa” chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn, sáng tạo và tích hợp công nghệ. Các trải nghiệm thiết kế, tạo mẫu chip thực hành, cùng với thực tập và học nghề có lương, được xem là chìa khóa để thu hút và bồi dưỡng nhân tài. TS. Phạm Xuân Khánh cũng đề xuất tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ bán dẫn cho giảng viên, cán bộ cả trong và ngoài nước.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, ông Khánh cho rằng, cần tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc thiết lập các trung tâm R&D và chuyển giao công nghệ theo mô hình hợp tác công - tư cũng được xem là giải pháp tối ưu hóa nguồn lực. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến nguồn vốn ODA trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đặc biệt là bán dẫn, để giải quyết bài toán vốn và công nghệ, hỗ trợ phát triển chương trình giảng dạy và giảm thiểu rủi ro đầu tư.

Bên cạnh đó, các trường cao đẳng có thể tham gia sâu hơn vào đào tạo nhân lực bán dẫn, tập trung vào các công đoạn như đóng gói, kiểm thử, sản xuất thiết bị và nguyên vật liệu. Những khâu này phù hợp với năng lực đào tạo của các đơn vị, góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhân lực. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gắn với hỗ trợ đào tạo. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam sẽ nhận ưu đãi, nhưng đổi lại là những tài trợ cho các trường, cung cấp thiết bị, đào tạo chuyên gia và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các cơ sở giáo dục. Đây là cách tận dụng tối đa nguồn lực và kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn Việt Nam.

Hà Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/bai-toan-kho-ve-nhan-luc-va-ha-tang-nghien-cuu-ban-dan-166815.html