Gia Lai tăng tốc chuyển đổi số y tế toàn diện sau sáp nhập

Trước khi hợp nhất, Bình Định đã hoàn tất toàn bộ mục tiêu chuyển đổi số y tế, tạo tiền đề cho tỉnh Gia Lai (mới) triển khai đồng bộ hệ thống y tế thông minh, phục vụ người dân hiệu quả hơn.

Bình Định: Y tế thông minh hỗ trợ đắc lực người dân khám, chữa bệnh

Tại Việt Nam, bệnh án điện tử (EMR) được Bộ Y tế cụ thể hóa tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT, ban hành từ năm 2018. Sau 7 năm triển khai trên toàn quốc, Bình Định (cũ) là một trong những địa phương tiên phong hoàn thành chuyển đổi bệnh án giấy sang hồ sơ điện tử.

Tính đến ngày 30/6, ngay trước thời điểm sáp nhập với Gia Lai, tỉnh Bình Định đã hoàn thành toàn bộ các mục tiêu trọng tâm trong chuyển đổi số y tế.

Cụ thể, 100% cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã triển khai bệnh án điện tử, kết nối thành công với hệ thống điều phối dữ liệu y tế quốc gia và đồng loạt lắp đặt KIOS thông minh tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện.

Đáng chú ý, Bình Định là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành bệnh án điện tử sớm hơn 3 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (mốc tháng 9/2025).

Tỉnh Bình Định (cũ) đã hoàn thành triển khai bệnh án điện tử và kết nối dữ liệu y tế quốc gia. Ảnh: Cổng TTĐT Gia Lai

Tỉnh Bình Định (cũ) đã hoàn thành triển khai bệnh án điện tử và kết nối dữ liệu y tế quốc gia. Ảnh: Cổng TTĐT Gia Lai

Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) giúp số hóa toàn bộ quá trình khám chữa bệnh, đồng thời đảm bảo thông tin người bệnh được lưu trữ, chia sẻ một cách nhanh chóng, minh bạch và chính xác. Đây là nền tảng quan trọng để liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Cùng với đó, hệ thống KIOS thông minh đã được lắp đặt tại 100% Trung tâm Y tế cấp huyện, 4 bệnh viện chuyên khoa và 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

Thiết bị này cho phép người dân chủ động đăng ký khám chữa bệnh, tra cứu thông tin và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ngay tại bệnh viện, từ đó giúp giảm tải thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi và nâng cao trải nghiệm của người bệnh.

Toàn bộ dữ liệu y tế của người dân tại Bình Định cũng đã được đồng bộ lên hệ thống điều phối dữ liệu y tế quốc gia, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, giám định bảo hiểm y tế và hoạch định chính sách ở cả cấp địa phương và Trung ương.

Việc chuẩn hóa và số hóa hồ sơ bệnh án không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mà còn giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả bệnh nhân lẫn cơ sở y tế. Nhờ hệ thống này, thông tin người bệnh có thể được truy xuất theo thời gian thực, hỗ trợ đắc lực cho việc giám định và thanh toán bảo hiểm xã hội một cách hiện đại và chính xác.

Kế thừa hệ thống y tế số, tăng tốc chuyển đổi số toàn diện ngành y tế

Ngày 1/7, tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai hợp nhất thành tỉnh Gia Lai mới. Kế thừa thành tựu chuyển đổi số tại Bình Định, ngành y tế Gia Lai khởi đầu thuận lợi trong việc mở rộng và nâng cấp hệ thống y tế số trên địa bàn.

Theo đó, các đơn vị y tế trên địa bàn Gia Lai trước đây đã được tiếp nhận, kế thừa mô hình, kỹ thuật, phần mềm, nhân lực và thiết bị từ Bình Định, giúp rút ngắn đáng kể thời gian triển khai và giảm chi phí đầu tư ban đầu.

Hiện Sở Y tế tỉnh Gia Lai đang tăng tốc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế trong 6 tháng cuối năm 2025. Trọng tâm là triển khai đồng loạt hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh. Mục tiêu đến tháng 9/2025, toàn tỉnh sẽ hoàn tất việc chuyển đổi từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử, đúng tiến độ yêu cầu của Bộ Y tế.

Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các đơn vị nghe giới thiệu về việc áp dụng bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bình Định. Ảnh: Cổng TTĐT Gia Lai

Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các đơn vị nghe giới thiệu về việc áp dụng bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bình Định. Ảnh: Cổng TTĐT Gia Lai

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, việc triển khai EMR là minh chứng cụ thể cho hiệu quả của định hướng chuyển đổi số y tế mà ngành y tế địa phương đã và đang triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua.

Thời gian tới, Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực y tế, như khám chữa bệnh từ xa, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán hình ảnh và phân tích dữ liệu y tế phục vụ phòng bệnh, dự báo dịch bệnh.

Ông Lâm Hải Giang đề nghị các đơn vị y tế cần xác định đây là xu thế tất yếu. Từ đó chủ động chuyển đổi tư duy, đầu tư nguồn lực, đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ y, bác sĩ; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để lựa chọn các giải pháp triển khai phù hợp, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.

Đồng thời ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để tăng cường công tác truyền thông, giúp người dân hiểu và sử dụng hiệu quả các tiện ích mà bệnh án điện tử mang lại.

Nam Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-lai-tang-toc-chuyen-doi-so-y-te-toan-dien-sau-sap-nhap-2418968.html