Bài toán lao động nông nghiệp

Vài năm nay, giá nhân công trong lĩnh vực nông nghiệp không ngừng tăng, góp phần đẩy chi phí sản xuất lên cao. Thực trạng hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang thiếu lao động, đặc biệt lao động có tay nghề.

Lao động nông nghiệp hiện nay chủ yếu mang tính thời vụ. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Lao động nông nghiệp hiện nay chủ yếu mang tính thời vụ. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Do đó, nhu cầu được đào tạo bài bản đang trở nên cấp thiết.

* Thiếu lao động có tay nghề

Tại các địa phương, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là lao động thời vụ. Nguồn lao động này cũng ngày càng khan hiếm vì người trẻ hiện nay đều đổ về các khu đô thị, chọn làm việc ở các khu, cụm công nghiệp có mức thu nhập ổn định.

Ông Trần Văn Khiêm, nông dân trồng tiêu tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) nhận xét, bây giờ làm nông chủ yếu là lao động lớn tuổi vì đa số người trẻ đều chọn đi làm ở các khu công nghiệp. Tuy giá nhân công không ngừng tăng và đang ở mức từ 250-350 ngàn đồng/ngày nhưng do đặc thù trong sản xuất nông nghiệp thường chỉ cần lao động mùa vụ, không có việc làm ổn định quanh năm nên người trẻ không mặn mà chọn lựa.

Giám sát kỹ để nguồn lực đào tạo không bị “cắt xén”

Theo Bộ trưởng LĐ-TBXH ĐÀO NGỌC DUNG, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều bố trí nhiều nguồn lực cho đào tạo nghề. Nhưng qua kiểm tra, khi về địa phương, khoản này thường bị cắt xén, chuyển sang nhiệm vụ khác. Thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực cho đào tạo nghề một cách chính xác, đầy đủ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, nông dân tại xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) chia sẻ, vài năm trước, ông quyết định chặt mấy ha tiêu và cà phê đang cho thu hoạch không chỉ vì giá đầu ra nông sản bấp bênh mà chủ yếu do chi phí công lao động cao. Mỗi khi vào vụ thu hoạch, ông lại phải ngược xuôi tìm công lao động nhưng không phải lúc nào cũng tìm được.

Một trong những hạn chế rất lớn của lao động nông nghiệp hiện nay là đa số không được đào tạo bài bản. Nhiều trang trại phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại nhân công.

Ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Phú, (H.Xuân Lộc) cho biết, đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đều chưa được đào tạo nên rất thiếu kỹ năng. Để có đội ngũ lao động lành nghề, trang trại của ông phải xây nhà ở và đưa ra nhiều đãi ngộ khác nhằm giữ chân họ.

“Để có một công lao động lành nghề, trang trại cần hằng tháng, thậm chí vài năm đào tạo theo kiểu vừa làm vừa học. Chỉ khi được đào tạo bài bản, người lao động mới biết cách làm đúng và có hiệu quả” - ông Đình Anh nói.

* Cần đột phá ở khâu đào tạo

Lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn của Việt Nam hiện nay đạt tỷ lệ rất thấp. Điều này khiến năng suất bình quân của lao động nông nghiệp nước ta thấp hơn nhiều so với mặt bằng lao động thế giới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất nhiều loại nông sản của Việt Nam cao hơn so với các nước trên thế giới. Đào tạo lao động nông thôn đang là yêu cầu cấp thiết.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam vừa diễn ra, GS-TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, bên cạnh các giải pháp về vốn, cơ sở vật chất…, vấn đề căn cơ, cốt lõi vẫn là nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.

Để phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng xanh và sạch, các địa phương cần phải quan tâm đến quy hoạch nguồn nhân lực. Nếu như không làm tốt công tác này sẽ không có định hướng, kế hoạch bài bản và toàn diện để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Theo GS-TS Nguyễn Thị Lan: “Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần một thế hệ nông dân mới có kiến thức về khoa học công nghệ, về quản trị, thị trường và khả năng tiếp cận chuyển đổi số. Chính phủ cần giao các cơ sở đào tạo đầu ngành trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản xây dựng bộ chương trình, tài liệu chuẩn để đào tạo nông dân chuyên nghiệp theo sát nhu cầu và yêu cầu thị trường nông sản quốc tế, gắn với thị trường lao động và phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong nước”.

Cũng tại hội nghị đối thoại với nông dân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, đào tạo nguồn nhân lực là khâu đột phá. Nông dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp nên phải chú trọng nâng cao trình độ, năng lực và khả năng làm chủ theo tinh thần mà Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) vừa nêu ra là toàn diện và văn minh.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202206/bai-toan-lao-dong-nong-nghiep-3118990/