Bài toán năng lượng của EU
An ninh năng lượng là một trong những chủ đề chính được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao của Hội đồng châu Âu diễn ra vào ngày 30 và 31/5. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục cho thấy sự chia rẽ và lúng túng về cách thức phản ứng với Nga, nhà cung cấp khí đốt chủ chốt của châu Âu.
Những quan điểm khác biệt
Thời gian qua, giữa các quốc gia trong “ngôi nhà chung” EU vẫn tồn tại những khác biệt về quan điểm trong cách thức phản ứng với Nga. Ủy ban châu Âu (EC) từng đề xuất áp đặt một gói trừng phạt mới với Moscow, bao gồm cấm nhập khẩu dầu mỏ từ “xứ sở bạch dương” trong thời gian sáu tháng. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của một số nước, trong đó có Hungary. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cảnh báo, nước này sẽ tốn 15-18 tỷ euro để chuẩn bị cho nền kinh tế không nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Trước đó, nhiều cuộc họp của EU trong tháng 5/2022 liên quan vấn đề năng lượng đã không thể tìm được tiếng nói chung về lệnh trừng phạt Nga. Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU hồi giữa tháng 5/2022, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell thông báo, liên minh này không thể đạt được đồng thuận về cách thức phản ứng với Nga, do những khó khăn mà một số quốc gia thành viên không giáp biển phải đối mặt. Trước đó một tuần, một cuộc đàm phán khác của 27 quốc gia EU cũng có kết cục tương tự khi các bên bất đồng về lệnh trừng phạt Nga.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU từng trong tình trạng nghiêm trọng hồi năm 2021, với giá khí đốt tăng vọt gấp nhiều lần chỉ trong vài tháng, ảnh hưởng mạnh tới đời sống người dân. Những ngày cuối năm 2021, lần đầu trong lịch sử, giá khí đốt ở châu Âu cán mốc 2.190 USD/1.000m3. Những khó khăn sẵn có kết hợp với cuộc xung đột bùng phát tại Ukraine càng khiến bài toán năng lượng của EU thêm hóc búa.
Ưu tiên đa dạng nguồn cung năng lượng
Khơi thông và đa dạng nguồn cung năng lượng để phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của EU lúc này. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mới đây cho biết, lượng khí đốt dự trữ của nước này đã tăng lên 46% từ mức khoảng 20% vào cuối mùa đông vừa qua, giúp Berlin giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga. Theo ông Robert Habeck, Đức đã có những nỗ lực đáng kể như xây các trạm tiếp nhận khí hóa lỏng nhằm thay thế nguồn cung khí đốt của Nga.
Hồi đầu tháng 5/2022, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã tới Hy Lạp để dự lễ khánh thành địa điểm xây dựng nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi ở Alexandroupolis, một cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khẳng định vai trò của dự án mới trong việc bảo đảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Với chi phí xây dựng khoảng 360 triệu euro, trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng này được neo cách cảng Alexandroupolis khoảng 18km và chuyển khí đốt vào đất liền qua đường ống dài 28km.
EU cũng đẩy nhanh các dự án phát triển năng lượng tái tạo. EC mới đây công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ euro để đến năm 2027 EU sẽ chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập từ Nga, tiến tới chuyển đổi nhanh hơn sang sử dụng năng lượng sạch. Trong một nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững, Đức-quốc gia thành viên có vị thế quan trọng tại EU, đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác về sản xuất điện gió ngoài khơi khu vực biển Baltic.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nêu rõ, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch không chỉ là nhu cầu thiết yếu trong chính sách khí hậu của nước này mà còn là yêu cầu cấp thiết trong chính sách an ninh. Hiện nay, quốc gia châu Âu này đang có 1.501 turbine gió hoạt động ở biển Bắc và biển Baltic, với sản lượng điện đạt gần 7,8GW.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-quocte/bai-toan-nang-luong-cua-eu-699329/