Bài toán năng lượng và chuyển dịch năng lượng của Châu Phi
Theo tổ chức Mo Ibrahim Foundation (MIF), giả sử tất cả các quốc gia châu Phi cận Sahara, ngoại trừ Nam Phi, nâng mức tiêu thụ điện lên gấp 3 lần bằng cách sử dụng khí đốt, thì lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ chỉ tăng thêm 0,6%. Đây là một mức phát thải 'tiết kiệm' mà các nước công nghiệp phát triển có thể dễ dàng đạt được.
Theo một Báo cáo công bố vào tháng 9/2022, tổ chức MIF nhận định: Châu Phi cần khí đốt tự nhiên, nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo để thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận mạng lưới điện và tuân thủ những mục tiêu phát triển của lục địa.
Với tiêu đề “Giải quyết tình trạng đói nghèo năng lượng của châu Phi: Biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và khí đốt”, báo cáo cho biết, hiện có 600 triệu người châu Phi không được tiếp cận với điện và 930 triệu người không có nhiên liệu sạch để nấu ăn. Đồng thời, báo cáo chỉ ra rằng sự gia tăng nhu cầu năng lượng là không thể tránh khỏi. Nguyên nhân là do quy mô dân số sẽ còn tăng. Dự báo từ nay cho đến năm 2050, dân số châu Phi sẽ tăng gần gấp đôi hiện nay, và gấp ba vào năm 2100.
Các tác giả nhấn mạnh, năng lượng tái tạo là một lựa chọn chiến lược để lấp đầy khoảng trống năng lượng ở châu Phi. Trong giai đoạn năm 2010-2019, các quốc gia châu Phi đã đầu tư 47 tỷ USD vào năng lượng sạch, tức là gấp 3 lần số tiền đã cam kết trong giai đoạn thập kỷ trước đó (2000-2009), tức 13,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, phần lớn tiềm năng của lục địa này vẫn chưa được khai thác. Cụ thể, năm trong số mười quốc gia có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đều nằm ở châu Phi: Namibia (hạng nhất), Ai Cập (hạng 4), Lesotho (hạng 8), Libya (hạng 9) và Botswana (hạng 10). Về điện gió, châu Phi phát huy được hết tiềm năng điện gió ở Chad, Mauritania, Niger và Mali, công suất điện của 4 quốc gia này sẽ tăng cao gấp 30 lần hiện nay.
Về vấn đề này, báo cáo kết luận rằng hoạt động khai thác tiềm năng điện tái tạo yêu cầu giải ngân tài chính khí hậu từ những nước giàu mạnh hơn. Nhưng xét theo hiện trạng thực tế, đây là điều khó xảy ra.
Lượng phát thải tăng nhẹ
Nhưng ngay cả khi các nước phát triển giữ nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (Polluter-Pays Principle hoặc PPP), thì một mình năng lượng tái tạo cũng không đủ khả năng cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy cần thiết để đảm bảo phát triển kinh tế và khả năng tiếp cận điện năng rộng rãi ở châu Phi.
Tuy châu Phi đi theo lộ trình công nghiệp hóa, những hoạt động yêu cầu tiêu thụ năng lượng cao như nhà máy sản xuất thép và xi măng vẫn còn cần nhiên liệu hóa thạch. Chưa kể, năng lượng tái tạo có bản chất không ổn định và không thể đáp ứng sản lượng theo nhu cầu. Ví dụ, trong điều kiện thời tiết nhiều mây, những tấm pin mặt trời không thể hoạt động hết công suất. Tương tự, trong điều kiện thời tiết tĩnh lặng, những trang trại điện gió không thể đạt được công suất tối đa.
Vì vậy, vào thời điểm hiện tại, châu Phi không thể quay lưng hoàn toàn với nhiên liệu hóa thạch. Hơn nữa, việc sử dụng khí đốt tự nhiên không đồng nghĩa với việc gây ra thảm họa khí hậu ở Châu Phi. Điều này được minh chứng qua số liệu: Dân số châu Phi chiếm 17% tỷ lệ dân số toàn cầu, nhưng châu lục này chỉ tiêu thụ 5,9% năng lượng được sản xuất trên thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ điện bình quân đầu người ở châu Phi chỉ đạt 600 kWh/năm. Trong khi đó, mức tiêu thụ bình quân trung bình thế giới, EU và Trung Quốc lần lượt là 3200 kWh, 6100 kWh và 4600 kWh.
Mặt khác, 40,5% điện năng của những nước châu Phi được sản xuất từ các nguồn tái tạo, cao hơn mức trung bình của thế giới (34,1%) và của EU (39,1%), Nhật Bản (18,6%) và Mỹ (17,9%).
Báo cáo cũng chỉ ra, việc tăng tỷ trọng khí đốt trong cơ cấu năng lượng của châu Phi sẽ chỉ làm lượng khí thải carbon toàn cầu ở một mức rất nhỏ. Nếu tất cả các nước châu Phi cận Sahara (trừ Nam Phi) nâng mức tiêu thụ điện lên gấp 3 lần bằng cách sử dụng khí đốt, thì lượng khí thải carbon toàn cầu cũng chỉ tăng thêm 0,6%.
Báo cáo kết luận, khí đốt cũng có thể tạo điều kiện loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm hơn. Việc tăng cường sử dụng khí đốt trong sản xuất điện sẽ giúp nhiều nước châu Phi loại bỏ dần những dòng nhiên liệu gây ô nhiễm nhất như than đá, dầu diesel, dầu nặng và sinh khối truyền thống.