'Bài toán' phòng ngừa 'giặc lửa' ở những địa bàn ngõ nhỏ, phố nhỏ
Những ngõ nhỏ, ngõ sâu và ngoằn ngoèo đang thách thức công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở các đô thị lớn như Hà Nội…
Xe chữa cháy, cứu nạn không thể vào
Không khó để bắt gặp hình ảnh những con đường “xương cá”, với những ngõ nhỏ, ngõ sâu hun hút… ở Hà Nội. Ngõ hẹp, những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau sâu trong các phố, tạo ra không gian bí bách, thiếu sáng. Ban công các nhà thường bị bịt kín bởi “chuồng cọp”.
Với nhu cầu thuê trọ ngày càng cao, nhiều hộ gia đình nằm sâu trong ngõ cải tạo, xây mới nhà trọ cao tầng. Khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng phòng cháy chữa cháy rất khó tiếp cận. Các nhà trọ cao tầng thường có xu hướng dành tầng 1 làm nơi để xe máy. Khi lửa xuất phát từ khu vực này, khói xộc thẳng lên trên, lối thoát nạn duy nhất sẽ bị bịt kín.
Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Lê Cường, Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội, có những ngõ ngách mà lối đi chỉ vừa cho xe máy, do vậy, để chữa cháy cho những ngôi nhà trong ngách nhỏ này này, lính cứu hỏa sẽ phải kéo ống dẫn nước từ ngoài đường lớn vào, có khi dài vài trăm mét. Thực tế, các vụ cháy nghiêm trọng để lại hậu quả thương tâm gần đây đều có đặc điểm chung là nằm sâu trong ngõ, xe cứu hỏa khó tiếp cận, khiến công tác chữa cháy và cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn…
Điều đáng nói là khi xảy ra các vụ hỏa hoạn, hầu như, dư luận chỉ đề cập tới trách nhiệm của chủ nhà trong việc sử dụng, cho thuê hoặc kinh doanh, trách nhiệm của chính quyền trong việc quản lý thực hiện các quy định về trang bị phòng chống cháy nổ… mà không quan tâm đến hậu quả do ngõ ngách bị thu hẹp.
Theo lực lượng cảnh sát PCCC, ngay cả khi mọi biện pháp phòng, ngừa được thực hiện nghiêm túc, nguy cơ cháy, nổ không thể bị loại trừ.
Hà Nội có 5.437 tuyến ngõ sâu trên 200m
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 5.437 tuyến đường, ngõ sâu trên 200m; 223 tuyến đường, ngõ có barie, cọc chắn xe chữa cháy, xe chuyên dụng không di chuyển không tiếp cận được.
Thực tế, các phố, ngõ, hẻm sâu từ 200m trở lên, thường rộng chưa tới 4m, phổ biến là 2-3m, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Các đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đang sử dụng nhiều loại xe chữa cháy, dung tích từ 3,5 tới hơn 6m3 nước. Khi cháy, tùy vào chế độ phun và áp lực nước đẩy ra mà nước hết nhanh hay chậm, thường sau 10-20 phút.
Chia sẻ về những vất vả của lực lượng trong khi thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Lê Cường cho biết: "Khả năng tiếp cận hạn chế khiến xe chuyên dụng phải đỗ ở đầu ngõ, các phương tiện cơ giới chữa cháy hiện đại không thể triển khai nên chúng tôi phải sử dụng phương tiện và đội hình cá nhân để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Thời gian vàng để chúng tôi triển khai đội hình chữa cháy là trong vòng 8 phút từ khi tiếp cận đám cháy. Để đám cháy tự do càng lâu, hậu quả càng lớn".
Thống kê mới nhất của lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, các vụ cháy tại nhà ở đơn lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh là 283 vụ (chiếm 58,1%). Số vụ cháy trong ngõ nhỏ không tiếp cận được là 27 vụ.
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội, để công tác phòng cháy, chữa cháy cho các nhà trong ngõ sâu, ngõ nhỏ được hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, các khu dân cư trong ngõ phố ở Hà Nội cần có điểm chữa cháy công cộng, phát triển các mô hình tại chỗ như tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy để tận dụng thời gian "vàng" trong phòng cháy, chữa cháy.
Các mô hình này là các giải pháp góp phần chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ; giúp sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để xử lý nhanh chóng, kịp thời, giảm thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Trong thời gian chờ lực lượng chức năng đến hiện trường, người dân và tổ liên gia phòng cháy chữa cháy chính là lực lượng chữa cháy cơ sở, là những người có thể bước đầu khống chế đám cháy, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, ngăn chặn cháy lan (trong khả năng cho phép).
Thời gian vừa qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đã nhanh chóng thành lập các tổ liên gia và phát huy hiệu quả của mô hình này, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra quá trình hoạt động và duy trì của các tổ liên gia.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn, nhằm bổ sung kiến thức, năng lực, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho mọi tầng lớp nhân dân. Các thành viên của các tổ liên gia cũng như người dân sẽ được tăng khả năng "thường trực chiến đấu" với cháy nổ, phản xạ nhanh mỗi khi sự cố xảy ra.