Bài toán quy hoạch trước làn sóng đô thị hóa
Những ngày gần đây, thông tin về một tổ hợp dự án 11 tầng nổi và 6 tầng hầm sẽ thay thế cho dãy nhà 4 mặt phố có tuổi đời hàng trăm, kiến trúc dấu ấn nhà xưởng còn nguyên vẹn tại địa chỉ 61 Trần Phú, cách Quảng trường Ba Đình chừng vài trăm mét đã khiến dư luận dậy sóng.
Dãy nhà 2 tầng với kiến trúc mái kèo bê tông do người Pháp xây dựng vào năm 1925 trên nền cũ của pháo đài góc Tây Nam thành phố Hà Nội. Kiến trúc đặc biệt của dãy nhà này là hệ thống mái hình răng cưa với dàn bê tông cốt thép đỡ mái lượn cong ở các góc.
Từ lâu, sự tồn tại của dãy nhà tại số 61 Trần Phú đã tạo nên vẻ hài hòa, đồng bộ với những công trình xung quanh. Khu nhà thấp tầng bám theo mặt đường dưới những tán cổ thụ xanh mát đã rất đỗi quen thuộc. Nhiều năm, nơi đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty CP Thiết bị bưu điện (Postef).
Đáng chú ý, trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày 19/5/1967, máy bay Mỹ đã bị bắn rơi tại đây.
Nếu như không có phản ứng của dư luận thì có lẽ bức phù điêu này cũng đã nằm trong những đống đổ nát. Ngay sau khi có thông tin phản ánh và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (chủ đầu tư) mới có văn bản đưa ra phương án để bảo vệ.
Được biết, ban đầu, nơi đây được Postef lựa chọn để xây dựng Trung tâm Công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó Postef đã tìm đối tác để góp vốn chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef.
Có lẽ cũng chính vì vị trí đắc địa cộng với 4 mặt tiền đã tạo cho khu đất có giá trị cực lớn, được ví như đất “kim cương”.
Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, đã đến lúc những nhà quản lý, những nhà lập quy hoạch phải trả lời cho người dân Hà Nội được biết là đã có bao nhiêu nhà máy đã di dời biến thành không gian xanh, không gian công cộng hạ tầng xã hội như cam kết mục tiêu của các bản quy hoạch đặt ra. Tại sao trong một cự ly nhỏ có 3 nhà máy không gian vô cùng lớn đều biến thành những trung tâm thương mại mà không biến thành không gian xanh. Lập luận nào, quy trình nào, cơ sở khoa học nào để các nhà quy hoạch cho rằng cả 3 vị trí không gian lớn đều có thể biến thành trung tâm thương mại. “Bản chất là tư nhân hóa không gian công sản, không gian đô thị thuộc sở hữu công”- ông Ánh nói.
Vẫn theo ông Ánh, việc hợp thức ngôi nhà này (61 Trần Phú) đã được các nhà đầu tư quan tâm cách đây hơn 20 năm và sự tồn tại của nó cho đến nay đều có lý do. “Người Hà Nội không có trách nhiệm phải kế thừa một “di sản” tai tiếng đó”- ông Ánh nói.
“Chính trong lúc này cần phải soi chiếu lại quy trình đấy, ở những con người đấy thì trách nhiệm của họ có cơ sở nào để chuyển đổi như thế. Như chúng ta đã biết kể cả việc tính toán chuyển đổi sử dụng đất tại dự án này với giá rất thấp so với giá thị trường. Đó là điều phi lý. Sự chuyển đổi một không gian bất đối xứng về mặt giá trị”- ông Ánh nhấn mạnh.
Tại khu đất 61 Trần Phú, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án công trình đa chức năng thương mại, văn phòng, khách sạn cao 11 tầng nổi, 1 tầng tum (chiều cao tối đa 42,9m), 6 tầng hầm với tổng diện tích sàn 75.329,5m2. Tổng vốn đầu tư hơn 1.574 tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh trên báo chí liên quan đến công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình, Quận ủy Đống Đa chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có).
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc rà soát tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bai-toan-quy-hoach-truoc-lan-song-do-thi-hoa-5683888.html