Bám biển mùa 'gió chướng'

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.

Sau nhiều ngày biển động, mấy ngày nay, anh Nguyễn Đức Giao ở thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc) tích cực bám biển để bù lại những khoản chi phí sinh hoạt mà gia đình đã chi tiêu lúc không thể đi làm. Trời hửng nắng, mặt biển ít dữ dằn hơn nên con thuyền 24 CV của anh Giao dường như hoạt động tối đa công suất suốt từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Cường độ lao động của ngư dân cũng cật lực hơn bởi theo dự báo, ít ngày tới biển tiếp tục động.

 Ngư dân xã Thịnh Lộc kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh trong mùa biển động.

Ngư dân xã Thịnh Lộc kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh trong mùa biển động.

Anh Giao chia sẻ: “Đợt này, tôi liên tục đi đánh bắt 3 – 4 chuyến/ngày ở khu vực cách bờ khoảng 1,5 – 2 hải lý. Sau mỗi đợt biển động, hải sản thường vào bờ nhiều nên chuyến ít thì đánh được khoảng 7 kg, chuyến nhiều được gấp 3 lần, chủ yếu là tôm và các loại cá. Với số lượng đánh bắt này, mỗi ngày tôi thu nhập khoảng 6 – 9 triệu đồng (chưa trừ chi phí sản xuất, khấu hao ngư cụ). Đây là nguồn thu rất lý tưởng bù đắp những khoản thâm hụt trong những ngày mưa gió”.

 Mùa gió chướng, ngư dân Thịnh Lộc luôn phải đánh bắt trong điều kiện khắc nghiệt, lao động nặng nhọc.

Mùa gió chướng, ngư dân Thịnh Lộc luôn phải đánh bắt trong điều kiện khắc nghiệt, lao động nặng nhọc.

Tranh thủ những ngày nắng ấm, nhịp điệu sản xuất của ngư dân Thịnh Lộc sôi động cả ngày lẫn đêm và được chia khung thời gian, đối tượng đánh bắt khá rõ rệt dựa trên đặc trưng của từng loài hải sản, cũng như yếu tố sức khỏe, sở trường của mỗi người. Những ngư dân chọn đối tượng đánh bắt là tôm, cá thì đi biển ban ngày; đánh ghẹ, mực nang thì đi vào ban đêm. Nhưng, làm ngày hay làm đêm, đánh cá hay đánh ghẹ thì ngư dân đều mệt nhọc giống nhau và nguồn thu nhập hàng ngày cũng tương đương nhau.

Anh Võ Hồng Thịnh ở thôn Yên Điềm cho biết: “Do thủy triều và trăng sáng nên mấy ngày nay từ 5 giờ chiều, tôi đã bắt đầu xuất phát đi đánh bắt ghẹ bằng hình thức bủa lưới. Để đạt hiệu suất cao, tôi phải khai thác ở khu vực nước sâu hơn vị trí đánh cá, ra cách bờ chừng 3 – 4 hải lý. Hoạt động đánh bắt được thực hiện xuyên đêm, đến tầm 4 giờ sáng là thu lưới về bờ. Bình quân mỗi đêm, tôi thu được 5 – 7 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập rất ý nghĩa trong mùa biển động”.

 Thành quả của mỗi chuyến đi biển là những mớ cá tươi ngon, được tiểu thương ra tận bến mua với giá cao.

Thành quả của mỗi chuyến đi biển là những mớ cá tươi ngon, được tiểu thương ra tận bến mua với giá cao.

Do đang trong mùa mưa bão nên thời gian ngư dân Thịnh Lộc bám biển không nhiều, bình quân chỉ 10 – 12 ngày/tháng. Thời gian này, ngư dân phải lao động cật lực trong điều kiện mặt biển có gió mạnh cấp 3, sóng khá lớn... nên đối mặt với nhiều rủi ro. Đặc biệt, mỗi khi qua khu vực cồn biển (vùng cách bờ 200 – 500m) để vào ra luồng lạch thì cấp độ nguy hiểm tăng lên.

Ông Võ Hồng Thức ở thôn Yên Điềm là người có thâm niên 38 năm đi biển chia sẻ: “Đi biển trong mùa gió chướng này rất vất vả và nguy hiểm bởi thường xuyên đối mặt với sóng to, gió rít, mưa liên miên, thuyền luôn trong trạng thái chòng chành. Vì mỗi thuyền chỉ có 1 – 2 ngư dân nên gần như phải luôn tay làm hết tất cả mọi việc trong suốt 2 giờ/chuyến biển, 6 – 8 giờ/ngày trong môi trường khắc nghiệt; cùng đó là ăn uống tạm bợ, không có thời gian nghỉ ngơi trên biển… nên rất mệt mỏi và thường xuyên đối với nguy cơ mất an toàn. Nhưng vì miếng cơm manh áo thường ngày, tình yêu đối với nghề truyền thống nên chúng tôi vẫn hăng say lao động sản xuất”.

 Vào mùa này, cá chim vây vàng thường vào gần bờ kiếm thức ăn nên ngư dân Thịnh Lộc đánh được nhiều.

Vào mùa này, cá chim vây vàng thường vào gần bờ kiếm thức ăn nên ngư dân Thịnh Lộc đánh được nhiều.

Với sự kiên trì, chịu đựng của những ngư dân yêu biển, hằng ngày, ở khu neo đậu tàu thuyền của xã Thịnh Lộc tại Lạch Kèn (giáp ranh giữa huyện Lộc Hà và Nghi Xuân) khá nhộn nhịp. Cùng với cảnh tàu thuyền ra vào là hình ảnh mua bán tấp nập hải sản mới được đánh bắt về, nhiều nhất là cá chim, cá ngát, cá đù, ghẹ, mực nang, tôm he… Vì tươi ngon, chất lượng tốt nên các loại hải sản được bán tại bến đắt hơn khoảng 30 - 50% so với ở các khu chợ. Nhờ vậy, ngày công lao động của ngư dân cũng rất cao (sau khi trừ chi phí sản xuất, khấu hao ngư cụ, ngư dân làm thuê khoảng 2 - 3 triệu đồng/người/ngày, chủ tàu 5 – 7 triệu đồng/ chủ tàu/ngày).

 Ngư dân Thịnh Lộc chuẩn bị đồ nghề để đi biển.

Ngư dân Thịnh Lộc chuẩn bị đồ nghề để đi biển.

Ông Trần Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 122 tàu cá loại nhỏ (chủ yếu có công suất từ 16 - 24 CV) với khoảng 600 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Ngư dân Thịnh Lộc rất yêu nghề, ham lao động, có nhiều kinh nghiệm nên trong mùa biển động vẫn kiên trì sản xuất. Tinh thần bám biển đó đã giúp họ đảm bảo thu nhập, đưa sản lượng đánh bắt từ đầu năm đến nay của xã ước đạt 1.350 tấn hải sản, mang về nguồn thu khoảng 250 tỷ đồng (chưa trừ chi phí sản xuất). Chúng tôi thường xuyên động viên, khuyến khích bà con chăm lo sản xuất, đầu tư mua sắm phương tiện và ngư cụ gắn với đôn đốc, nhắc nhở chú trọng đảm bảo an toàn, không đi sản xuất khi có lệnh cấm biển, nêu cao tinh thần tương trợ lẫn nhau trên biển…”.

Video: Ngư dân xã Thịnh Lộc mưu sinh mùa biển động.

Tiến Dũng - Anh Tấn

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/bam-bien-mua-gio-chuong-post277368.html