'Bám làng, bám bản' để lan tỏa chính sách an sinh xã hội đến đồng bào dân tộc thiểu số

Tương Dương là huyện miền núi 30a của tỉnh Nghệ An, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nơi có đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và phần lớn người dân vẫn chưa hiểu rõ về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên với phương châm 'mưa dầm thấm lâu', Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị đã vượt khó 'bám làng, bám bản' để phát triển đối tượng tham gia chính sách này. Chính vì thế, thời gian gần đây, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở huyện Tương Dương trở thành điểm sáng của tỉnh Nghệ An.

Người dân đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau những buổi tuyên truyền.

Người dân đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau những buổi tuyên truyền.

Gia đình anh Lỳ Bá Giờ ở bản Hợp Thành, xã Xá Lượng (Tương Dương) sinh sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy. Trước đây, gia đình anh Giờ hằng ngày còn phải lo cho cái bụng no nên bảo hiểm xã hội là cái gì đó rất mơ hồ đối với anh. Tuy nhiên, sau một thời gian được Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương tuyên truyền, hiểu rõ được lợi ích là nếu đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội tự nguyện và từ tháng 7 năm 2025, chỉ cần đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mình sẽ được nhận lương hưu như người Nhà nước khi đủ tuổi nên đầu năm 2024, anh Giờ cùng bảy hộ dân khác trong bản đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Anh Lỳ Bá Giờ chia sẻ: Cuộc sống của người dân trong bản và gia đình chủ yếu dựa vào nương, rẫy để sống, thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện dù cuộc sống còn khó khăn nhưng bản thân tôi vẫn cố gắng tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này về già có chỗ dựa.

Anh Giờ tính toán, với mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn hiện nay là 1,5 triệu đồng/người/tháng mà theo quy định, phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng nên số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trước khi được Nhà nước hỗ trợ là 330.000 đồng. Tuy nhiên, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng khác được Nhà nước hỗ trợ lần lượt là 30%, 25% và 10% tiền đóng trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng. Như vậy, số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng khác thấp nhất lần lượt là 231, 247 và 297 nghìn đồng/tháng. Mức đóng này là khá phù hợp với đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao chúng tôi.

Bên cạnh đó, Nhà nước lại cho phép đóng phí bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt hằng tháng, hay “một cục” hằng quý, sáu tháng, một năm hay nhiều năm nhưng không quá 5 năm.

Trưởng bản Hợp Thành Vừ Bá Xiên tâm sự: Khi mình còn trẻ, còn sức khỏe có thể lên rẫy làm nương, chăn nuôi trâu, bò, tuy nhiên, sau về già mình không đủ sức để đi rẫy thì mình có lương hưu để trang trải cuộc sống khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do đó, bản thân tôi đã đăng ký tham gia và vận động người dân trong bản nếu có điều kiện thì tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Sau khi đã tiếp cận được đầy đủ các chế độ, chính sách và tính nhân văn của bảo hiểm xã hội tự nguyện, anh Vi Văn May ở bản Mác, thị trấn Thạch Giám đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Không những thế, anh May còn vận động cả vợ và con trai cùng đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “bám làng, bám bản và lan tỏa niềm tin” để đưa chính sách an sinh, bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “bám làng, bám bản và lan tỏa niềm tin” để đưa chính sách an sinh, bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh May chia sẻ: Lúc đầu mình cũng phân vân, không hiểu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được lợi ích gì, tuy nhiên sau khi nghe các cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện, chính quyền địa phương giải thích cặn kẽ những quyền lợi được hưởng sau khi về già như lương hưu, tiền tử tuất; cộng vào đó, hằng tháng Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hộ nghèo, cận nghèo, và đối tượng khác nên tôi chủ động đăng ký tham gia. Hiện gia đình tôi đã có ba người tham gia và sắp tới vận động con dâu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Không chỉ với người thân trong gia đình mà tôi còn giải thích, vận động hàng xóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương Nguyễn Thị Dinh cho biết: Tính đến hết tháng 10 năm nay, toàn huyện Tương Dương có 1.711 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 626 người so với cùng kỳ năm 2023, tăng 576 người so với cuối năm 2023, đạt 125,5% kế hoạch của Bảo hiểm xã hội tỉnh giao và đạt 121,5% kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An giao. Qua đó góp phần đưa tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện đạt 15,2%. Một số địa phương có số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng cao như thị trấn Thạch Giám có 343 người tham gia, xã Tam Quang 298 người, xã Xá Lượng 122 người, xã Tam Quang 109 người…

Chỉ tính riêng năm 2023 và 10 tháng của năm 2024 thì số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện Tương Dương bằng tổng số người tham gia từ bốn năm trước (năm 2019 đến năm 2022) cộng lại.

Từ thực tiễn cho thấy, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vốn là một nhiệm vụ không hề dễ dàng ngay cả đối với các huyện ở đồng bằng, ở những địa phương phát triển chứ chưa nói ở vùng 30a, dân tộc thiểu số như Tương Dương thì khó khăn muôn bề.

Những kết quả đạt được thực sự ấn tượng, là những con số biết nói khẳng định nỗ lực không ngừng nghỉ của Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương cùng cả hệ thống chính trị huyện Tương Dương trong việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn.

Để có được “sức bật” này, theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương Nguyễn Công Hòa nhấn mạnh: Giải pháp quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “bám làng, bám bản và lan tỏa niềm tin” để đưa chính sách an sinh của Đảng đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Do đặc thù công việc của bà con ở đây là ban ngày lên nương, lên rẫy, chỉ ở nhà vào buổi tối, chính vì thế, Bảo hiểm xã hội huyện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở tranh thủ vào những buổi tối, các ngày nghỉ lễ để tổ chức tuyên truyền cho bà con.

Linh động lồng ghép trong các đợt sinh hoạt pháp luật tại các xã, thôn, để tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Linh động lồng ghép trong các đợt sinh hoạt pháp luật tại các xã, thôn, để tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội huyện cũng đã linh động lồng ghép trong các đợt sinh hoạt pháp luật tại các xã, thôn, bản để vừa hạn chế được chi phí, vừa thu hút được đông đảo người dân tham gia để tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trong mỗi cuộc tuyên truyền, Bảo hiểm xã hội huyện luôn đổi mới, sáng tạo, đưa những dẫn chứng các trường hợp cụ thể để cho dân hiểu, dân tin. Đặc biệt, cùng với đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên của bảo hiểm xã hội, thời gian qua đã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương cũng đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành với cơ quan Bảo hiểm trong các buổi tuyên truyền, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương cũng tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của bảo hiểm cấp trên; của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với cơ sở; các chỉ tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được cụ thể hóa thành chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội huyện chú trọng việc nêu gương của các thành viên Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội.

Cụ thể như, người thân của các thành viên Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cơ sở và của cán bộ xã, thị trấn sẽ làm gương, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước; qua đó để người dân thấy và tin tưởng hơn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương chia sẻ.

Thực tế cho thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương là yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất cho biết: Đối với Tương Dương nói riêng và các huyện miền núi Nghệ An nói chung, công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện luôn đặt ra nhiều thách thức. Một trong những nguyên nhân chính là do đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, công việc không ổn định; phần lớn lao động chưa quan tâm đến cuộc sống của mình trong tương lai và nhận thức được lợi ích của bảo hiểm xã hội khi về già...

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp cận thông tin về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp cận thông tin về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Không chỉ khó trong việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà việc duy trì đóng tiền trong cả một thời gian dài cũng là bài toán khó. Do đó, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội các cấp, để đồng hành cùng tuyên truyền đến từng đối tượng cụ thể để làm sao cho cho người dân thấu hiểu, tin tưởng và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng như người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng không bỏ cuộc giữa chừng. Vì bảo hiểm xã hội tự nguyện thực sự là chính sách thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống của nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương nhấn mạnh.

THÀNH CHÂU

ĐÌNH PHƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bam-lang-bam-ban-de-lan-toa-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-den-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post846627.html