Bám sát nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều
Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, nhiều đại biểu đề xuất, nên xem xét thiết kế một chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc linh hoạt với các đối tượng thuộc diện mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều.
Tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt). Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, việc bổ sung các đối tượng trên bảo đảm phù hợp với quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội Nguyễn Thị Lan Hương bày tỏ băn khoăn, việc bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã quán triệt đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 28 - NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hay chưa?
Theo đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế mới, như kinh tế nền tảng công nghệ, kinh tế chia sẻ (GIG), kinh tế số, xã hội số..., dẫn đến xuất hiện nhóm người lao động mới (lao động công nghệ, lao động tự do trong nền nền kinh tế GIG, lao động làm việc từ xa.. ). Đây đều là nhóm lao động trẻ, có thu nhập tốt và mong muốn tham gia bảo hiểm xã hội. “Nếu thu hút được nhóm đối tượng này sẽ tăng cường an sinh xã hội cho họ, tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng ngân sách cho chính sách hưu trí”, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội nhấn mạnh.
“Đến từng nhà, rà từng đối tượng”
Quan tâm đến công tác tổ chức thực thi, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho rằng, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội nhưng cần xét đến làm thế nào để các đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội một cách đầy đủ?
Ông Đinh Dũng Sỹ đề xuất, cần có các giải pháp mới trong tổ chức thực hiện, đó là trách nhiệm, quy trình, thủ tục của các cơ quan triển khai chính sách. Đặc biệt, các thủ tục hành chính cần hết sức đơn giản, thậm chí cơ quan bảo hiểm xã hội nên làm thay các thủ tục hành chính cho các đối tượng mới bổ sung này theo phương châm “đến từng nhà, rà từng đối tượng”. Và nếu phải làm như vậy thì cơ quan bảo hiểm xã hội có làm nổi không?
Mặt khác, đã là bắt buộc thì phải có chế tài, có kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh. Vấn đề này chúng ta có giải pháp gì mới, khả thi đến đâu, nếu không thì chính sách sẽ chỉ "nằm trên giấy", khó đi vào cuộc sống? Trong khi đó hiện nay, câu chuyện trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội đã và vẫn đang chưa có lời giải hiệu quả.
Nhấn mạnh Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích bước đầu đối với các đối tượng mở rộng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông Đinh Dũng Sỹ cũng đề nghị, phải làm sao để các đối tượng này nhận thấy sự hấp dẫn của sự tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thậm chí, giúp họ vui vẻ tham gia như một sự tự nguyện, chứ không phải là bắt buộc. Theo đó, cần thiết kế các chính sách ưu đãi đi kèm với chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng này.
Một số đại biểu cho rằng, để đạt được các mục tiêu to lớn về an sinh xã hội, cao cả và nhân văn, thì cần nghiên cứu giao Chính phủ thiết kế, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích này. Theo đó, có thể quy định mức đóng của các đối tượng này thấp hơn các đối tượng khác, nhưng chế độ thì nên tính toán thiết kế đầy đủ để tạo sự thành công của chính sách. Chính sách ưu đãi này được thực hiện trong một thời gian nhất định, ví dụ có thể là 5 năm kể từ thời điểm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đồng thời, giao Chính phủ nâng dần mức đóng của các đối tượng này cho tương xứng với các đối tượng khác theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, cần xem xét thiết kế một chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc linh hoạt đối với các đối tượng này theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Tức là đưa ra nhiều mức đóng tương ứng với các chế độ thụ hưởng để họ lựa chọn tùy theo khả năng đóng của mỗi người.
Ngoài ra, các đại biểu nhấn mạnh, nhằm từng bước hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, dự thảo Luật nên giao Chính phủ quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Kết luận Hội thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển khẳng định, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ làm nguồn tham khảo để Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội xem xét trong quá trình cho ý kiến, thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).