Bám sát thực tiễn, bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho sĩ quan

Các đơn vị trong toàn quân đang tiến hành tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (gọi tắt là Luật Sĩ quan). Tại các học viện, nhà trường Quân đội, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định về độ tuổi, chức vụ, chức danh và chế độ, chính sách cho sĩ quan. Khảo sát tại một số học viện, nhà trường Quân đội, chúng tôi ghi nhận nhiều kiến nghị về vấn đề này.

Những vấn đề thực tiễn đặt ra

Nhằm giúp bộ đội thêm yên tâm công tác, thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Chính trị ban hành nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực, quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cho cán bộ, sĩ quan. Hiện nay, Học viện có hai nhà công vụ với hơn 220 gia đình cán bộ; 44 hộ gia đình quân nhân khác cũng được mượn nhà nội trú. Học viện cũng kịp thời đề xuất hỗ trợ các trường hợp khó khăn đúng quy định; nhờ đó từng bước ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho đội ngũ sĩ quan.

Vui mừng trước kết quả đó song Thượng tá Vũ Hoàng Hải, Trưởng ban Tài chính Học viện Chính trị, vẫn trăn trở: “Nhu cầu nhà ở của sĩ quan Quân đội hiện nay rất lớn. Đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, trong khi mức thu nhập bằng lương của sĩ quan có tăng nhưng không đáng kể. Điều đó mâu thuẫn với mức tăng của giá cả thị trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của sĩ quan, nhất là sĩ quan trẻ, quân hàm thấp”.

Đồng chí Hải nêu một ví dụ: Hiện tiền lương của các đồng chí sĩ quan mới ra trường, mang quân hàm thiếu úy, trung úy dao động từ 9 đến 10 triệu đồng/tháng; sau khi trừ tiền ăn thì việc bảo đảm cuộc sống gặp quá nhiều khó khăn. Trong khi đó, phần lớn sĩ quan trẻ chưa có nhà ở, đất ở, phải đi thuê nhà. Đây cũng là thực trạng chung của đội ngũ sĩ quan ở các học viện, nhà trường Quân đội.

Lãnh đạo Học viện Quân y động viên cán bộ, nhân viên y tế tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2-2023. Ảnh: TUẤN HÙNG

Lãnh đạo Học viện Quân y động viên cán bộ, nhân viên y tế tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2-2023. Ảnh: TUẤN HÙNG

Bàn về chế độ phụ cấp nhà ở cho sĩ quan, Đại tá Khúc Văn Phú, Chủ nhiệm khoa Khoa học cơ bản Học viện Hậu cần, chia sẻ, tại khoản 7 Điều 31 Luật Sĩ quan quy định sĩ quan “được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”.

Thực tế hiện nay, Chính phủ chưa có văn bản quy định cụ thể về phụ cấp nhà ở đối với sĩ quan. Giải quyết vấn đề nhà ở cho sĩ quan có nhu cầu, nhằm ổn định cuộc sống gia đình, an tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị ngày càng gặp khó khăn do nhiều đơn vị không còn quỹ đất, quỹ nhà để bố trí.

Theo Luật Sĩ quan hiện hành, tuổi nghỉ hưu của sĩ quan cũng tồn tại những khó khăn trong giải quyết chế độ. Đại tá Doãn Văn Mậu, Phó chủ nhiệm Chính trị Học viện Quân y, cho rằng: “Với quy định tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay, sĩ quan có quân hàm từ trung tá trở xuống, khi nghỉ hưu đều không đủ điều kiện hưởng lương hưu 75%, không có đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, trừ các trường hợp kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ, chuyển ngành...”.

Trong khi đó, theo Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành thì tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60 tuổi; người tham gia đóng bảo hiểm xã hội phải đủ 35 năm để hưởng mức lương hưu 75%. Trong khi Luật Sĩ quan quy định hạn tuổi nghỉ hưu của sĩ quan theo cấp bậc quân hàm thiếu tá là 48 tuổi, trung tá là 51 tuổi, thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn nên mức hưởng lương hưu rất thấp.

Thực hiện các quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan cũng đã xuất hiện những vướng mắc, khó khăn.

Đại tá Cao Văn Khuy, Chủ nhiệm Chính trị Học viện Chính trị nêu lên thực tế, hiện nay Thông tư số 160/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng vẫn còn một số chức danh tương đương chưa phù hợp so với tổ chức, biên chế ở Học viện, đó là: Chưa quy định chức danh tương đương của Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Học viện và cấp phó các phòng, khoa, viện, tạp chí, ban, bộ môn. Quy định chức danh tương đương của Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục Lý luận chính trị quân sự còn thấp (tương đương Trung đoàn trưởng) so với yêu cầu nhiệm vụ và vị trí của Tạp chí. Quy định chức danh tương đương của chỉ huy hệ quản lý học viên còn thấp (Hệ trưởng, Chính trị viên tương đương Lữ đoàn trưởng, Chính ủy Lữ đoàn) so với Học viện Lục quân (tương đương Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn) dẫn tới chức vụ Phó hệ trưởng ở Học viện Chính trị không có trần quân hàm đại tá. Thực trạng này cũng diễn ra ở các học viện, nhà trường Quân đội nói chung.

Trong khi đó, ở Học viện Quân y hiện nay không bố trí chức danh chính ủy ở cấp bệnh viện và cán bộ chính trị ở các viện, trung tâm, khoa, phòng, ban trực thuộc. Mọi hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị do đồng chí bí thư cấp ủy đảm nhiệm. Việc này gây khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. B

ởi việc tiến hành hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị tại bệnh viện không chỉ đối với cán bộ, nhân viên thuộc biên chế của bệnh viện mà còn tiến hành đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ, nhân viên các cơ quan đơn vị do bệnh viện thuê, khoán... Vì vậy rất cần thiết để duy trì chế độ chính ủy trong các bệnh viện quân y nhằm làm tốt hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.

Nhiều kiến nghị tâm huyết, trách nhiệm

Với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều cán bộ, sĩ quan ở các học viện, nhà trường Quân đội thống nhất nêu chính kiến: Luật Sĩ quan được ban hành đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết về xây dựng đội ngũ sĩ quan nói riêng và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong Quân đội nói chung, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.

Tuy nhiên qua nhiều năm triển khai thực hiện, đã có một số nội dung không còn phù hợp, bất cập so với thực tiễn. Việc tổng kết, đánh giá toàn diện về kết quả, vướng mắc; nghiên cứu, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là việc làm hết sức cần thiết.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, để bảo đảm quyền lợi cho sĩ quan khi nghỉ hưu, phù hợp với pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, Thiếu tướng Nghiêm Đức Thuận, Chính ủy Học viện Quân y nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan: Các ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Sĩ quan theo hướng tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan cấp úy, thiếu tá, trung tá theo cấp bậc quân hàm lên một hoặc hai năm.

Đối với cán bộ chuyên môn, giảng viên có học vị Tiến sĩ, học hàm Phó giáo sư trở lên, Học viện Quân y đề xuất nghiên cứu, sửa đổi Luật Sĩ quan tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan thượng tá lên 57 tuổi, đại tá lên 60 tuổi để bảo đảm có được đội ngũ cán bộ chuyên môn, giảng viên có kinh nghiệm trong giảng dạy, điều trị, nghiên cứu khoa học và phù hợp với thực tiễn.

Trung tướng Trương Thiên Tô, Chính ủy Học viện Chính trị nhấn mạnh: “Trong bảng lương hiện hành, sĩ quan đang công tác đã được thăng đến quân hàm cao nhất của chức vụ đảm nhiệm nhưng chỉ được nâng lương tối đa 2 lần, mặc dù vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ và chưa hết tuổi phục vụ tại ngũ. Vì vậy, các ý kiến đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh mỗi năm tăng thêm 1% lương đối với các đồng chí đã được nâng lương vượt khung”.

Về chế độ, chính sách nhà ở cho sĩ quan, hầu hết ý kiến tại các học viện, nhà trường Quân đội mà chúng tôi khảo sát đều có chung đề xuất: Cần đưa việc bảo đảm nhà ở, đất ở cho sĩ quan vào lương hằng tháng hoặc hỗ trợ một lần để sĩ quan quyết định việc thuê nhà ở hoặc mua nhà trả góp. Đồng thời cần quy định cụ thể hơn về đối tượng, cách thức, điều kiện, cơ chế, chính sách bảo đảm tính khả thi việc tham gia các dự án nhà ở của Bộ Quốc phòng, dự án nhà ở xã hội đối với sĩ quan đang phục vụ tại ngũ.

Các ý kiến cũng đề xuất chế độ đặc thù liên quan, như: Ngoài chế độ, chính sách cho lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cần có chính sách hậu phương phù hợp đối với thân nhân của các cán bộ sĩ quan và QNCN tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách tính bảo hiểm xã hội phù hợp với quân nhân để tạo thuận lợi việc thu hút nhân tài vào phục vụ Quân đội...

PHẠM KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Nhà trường Quân đội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/nha-truong-quan-doi/bam-sat-thuc-tien-bao-dam-quyen-loi-tot-hon-cho-si-quan-753683