Bám sát thực tiễn để tạo sự đột phá về cơ chế, chính sách

Sáng ngày 31-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân toàn quốc năm 2024 với chủ đề 'Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới'.

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành và 300 đại biểu đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cùng khoảng 4 ngàn đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Tập trung vào vấn đề “nóng”

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên. Đây là Diễn đàn để Thủ tướng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về các vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đảng, Nhà nước xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng thể chế thông thoáng, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí, giảm cơ chế xin cho, giảm phiền hà, sách nhiễu, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Nội dung đóng góp tại hội nghị lần này tập trung vào nhóm các vấn đề “nóng” được người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp quan tâm.

Cụ thể, về chính sách tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Quan tâm đến quy hoạch nông nghiệp toàn quốc, cấp vùng, liên vùng, cấp tỉnh; quy hoạch phải gắn với đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn. Cần thêm chính sách ưu đãi để khuyến khích xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung cũng như chính sách hỗ trợ khuyến khích xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.

Chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân khôi phục sản xuất sau thiên tai, khuyến khích nhân rộng bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Ngoài ra, các vấn đề khác được quan tâm như: Giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt; giải pháp đưa chính sách vào thực tế; tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn trong giai đoạn tới…

Các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu tham dự Hội nghị đối thoại. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu tham dự Hội nghị đối thoại. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đều đã có nhưng đã đủ mạnh, đã đi vào thực tế chưa? Ở đây, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn. Trong đó, việc đối thoại, tăng cường lắng nghe là để hoạch định và thực thi chính sách, thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn và thuận lợi, phát huy thành quả ngành nông nghiệp, nông dân đã đạt được. Năm 2025 là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nỗ lực của người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá.

Xây dựng hệ sinh thái cho nông nghiệp phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phạm vi rất rộng, bao trùm. Điều này đòi hỏi thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp và người nông dân”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Theo đó, nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái gồm các ngành nghề khác để cùng phát triển. Ví dụ, cần công nghiệp để công nghiệp hóa nông thôn; nông nghiệp cần doanh nghiệp và các ngành khác cũng cần nông nghiệp. Các ngành, các nghề phải hỗ trợ, hợp tác để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải có 3 nội dung cần tập trung. Thứ nhất phải xây dựng thương hiệu, việc này Bộ Khoa học và công nghệ, các cơ quan truyền thông và cả người nông dân phải tham gia.

Thứ hai, phải đầu tư chế biến sâu. Muốn vậy, phải nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, xem nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, phải mang cái người ta cần chứ không phải mang cái mình có. Việc này Chính phủ, các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp phải làm, định hướng cho người nông dân.

Thứ 3 phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực và chuyển dịch lao động, nâng cao tay nghề, tri thức, trình độ kỹ năng của người nông dân.

Về đầu tư, trong đó có đầu tư cho nông nghiệp, do nguồn lực nhà nước có hạn nên phải có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; đồng thời lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp, nông dân. Xây dựng hạ tầng chiến lược về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục và thể thao… để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm thời gian, chi phí, công sức cho người dân và doanh nghiệp.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202412/bam-sat-thuc-tien-de-tao-su-dot-pha-ve-co-che-chinh-sach-7b73966/