Giải bài toán thu hút 5 triệu tỷ đồng đầu tư cho TP. HCM

TP. HCM cần khoảng năm triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị trong thời gian tới nên cần có cơ chế huy động mọi nguồn lực.

Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, đến năm 2030, TP. HCM phấn đấu là đô thị toàn cầu; có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành sẽ đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400USD. Dự báo quy mô dân số thực tế thường trú khoảng 11 triệu người, đến 2050 khoảng 14,5 triệu người,

“Bản quy hoạch đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn về tư duy, cách tiếp cận và giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, nhân lực, nguồn lực hiện tại của TP. HCM. Việc còn lại là thực hiện quy hoạch để tạo ra của cải, vật chất để người dân được hưởng thụ”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận xét.

Theo Thủ tướng, quy hoạch tốt sẽ có những dự án tốt, nhà đầu tư chất lượng và mang lại sự phát triển cho TP. HCM.

Quy hoạch phải huy động được sức mạnh tổng hợp của người dân, doanh nghiệp, đối tác quốc tế. Bởi vì xu hướng toàn cầu hiện nay là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, chuyển đổi số, điện toán đám mây.

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng TP. HCM cần tiếp tục khai thác không gian ngầm, như tuyến metro số 1 đi ngầm và cả trên cao được người dân đón nhận và đánh giá cao.

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển, lãnh đạo Chính phủ khẳng định cần cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực từ công đến tư, trực tiếp và gián tiếp. Mục tiêu phải có năm triệu tỷ đồng để đầu tư cho thành phố.

"Tôi có trao đổi với anh Vượng VinGroup về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP. HCM đến huyện Cần Giờ và anh rất tâm đắc”, Thủ tướng nói và cho biết cần giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị TP. HCM mạnh dạn thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách, nhất là đối với các dự án có tính chất động lực như: trung tâm tài chính quốc tế, cảng Cần Giờ, giao thông kết nối giữa Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, mạng lưới đường sắt đô thị theo hướng đầu tư tập trung.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM, cho biết, trong quy hoạch đã nêu rõ các dự án trọng tâm.

Cụ thể, về giao thông, TP. HCM được quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống đường bộ, sắt, thủy nội địa, cảng biển, hàng không và sân bay, giao thông tĩnh và cảng cạn; hình thành các trục đường ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến Cần Giờ, đường kết nối ven biển phía Nam; phát triển đường sắt khổ mới và 12 tuyến đường sắt đô thị, nghiên cứu bổ sung các tuyến tiềm năng,

Với khoa học công nghệ, TP. HCM ưu tiên các dự án trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, khu công viên khoa học công nghệ Thủ Đức. Đầu tư các khu công nghiệp Phạm Văn Hai I, II, An Phú, trung tâm công nghệ sinh học quốc gia.

Lĩnh vực đô thị, TP. HCM ưu tiên phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, Bình Quới - Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước và khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Ngoài ra, còn một số dự án lớn khác như trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm logistics, khu thương mại tự do, khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc...

Cũng liên quan đến TP. HCM, Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31/12/2024 ban hành Kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. HCM vừa được tổ chức.

Nghị quyết này được ban hành để thực hiện Kết luận 47 của Bộ Chính trị, đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Hứa Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/giai-bai-toan-thu-hut-5-trieu-ty-dong-dau-tu-cho-tp-hcm-d38601.html