Bản án nghiêm khắc với các đối tượng thực hiện 39 vụ lừa đảo

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn cùng các đồng phạm đã thực hiện 39 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 3,659 tỉ đồng. Đây là vụ án phạm tội có tổ chức, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Nguyễn Nguyễn Anh Tuấn (đứng thứ tư từ trái sang) cùng các đồng phạm tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

Thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TAND tỉnh vừa đưa Nguyễn Anh Tuấn, biệt danh Tuấn “tồ”, sinh năm 1989, tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba cùng 15 đồng phạm ra xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Đánh bạc”.

Theo cơ quan tiến hành tố tụng, đây là vụ án phạm tội có tổ chức, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, trong đó bị cáo Nguyễn Anh Tuấn là người cầm đầu, tổ chức, trực tiếp chỉ đạo “các anh em” và “khách thuê xe” trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản.

Theo cáo trạng truy tố, tháng 3/2019, Nguyễn Anh Tuấn thành lập Công ty TNHH dịch vụ thương mại và Đầu tư Hưng Vượng và cho vợ là Nguyễn Thơ Xuân, SN 1995 đứng tên giám đốc, với ngành nghề kinh doanh cho thuê xe ô tô, xe máy, xe điện tự lái, mua bán xe gắn máy, xe điện cũ, ô tô cũ…

Sau khi thành lập công ty, Tuấn là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động. Bên cạnh việc cho thuê xe, Tuấn bàn với “các anh em”, gồm: Nguyễn Ngọc Ký, SN 1971, trú tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, là chú ruột của Tuấn; Phạm Hải Hoàng, SN 1986, trú tại phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, là anh vợ Tuấn; Vũ Văn Tiến, SN 1993, trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội và Nguyễn Tiến Hưng, SN 1985, trú tại xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba, câu kết với “khách thuê xe” gồm: Đỗ Hữu Tư, SN 1989, trú tại xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa; Nguyễn Ngọc Sơn, SN 1983, trú tại phường Nông Trang, TP Việt Trì; Lê Bá Huy, SN 1994, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội; Nguyễn Nam Giang, SN 1983, trú tại xã Giới Phiên, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái; Hoàng Trọng Hoạt, SN 1993, trú tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Nguyễn Thị Thu Hà, SN 1989 và Đoàn Thị Hằng, SN 1983, cùng trú tại thị xã Phú Thọ mang xe ô tô của Tuấn đi cầm cố hoặc bán nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người nhận cầm cố hoặc người mua xe ô tô.

Đại diện VKSND tỉnh thực hành quyền công tố tại phiên tòa

Để không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân khi có vấn đề về việc không thu hồi hoặc lấy lại được xe ô tô, Tuấn chỉ đạo “các anh em” khi giao xe cho “khách thuê xe” mang đi cầm cố, bán thì lập từ 4 - 5 hợp đồng cho thuê xe, mỗi hợp đồng ghi thời gian, địa điểm giao xe khác nhau và sẽ có một hợp đồng ghi đầy đủ thông tin ngày, tháng, năm, địa điểm giao xe, bên cho thuê xe là Tuấn hoặc “các anh em” của Tuấn, bên thuê xe sẽ là thông tin cá nhân của “khách thuê xe” cùng thời hạn thuê, giá tiền thuê và cam kết không được cầm cố, bán xe ô tô.

Bản thân Tuấn rất ít lần trực tiếp đứng ra giao dịch, ký hợp đồng cho thuê xe và giao xe cho “khách thuê” mà thường chỉ đạo “các anh em” thực hiện. Khi giao xe, Tuấn chỉ đạo “các anh em” đưa “khách thuê xe” đến địa điểm ghi trên hợp đồng thuê xe để chụp ảnh, chứng minh việc đã giao xe ô tô cho khách cùng giấy đăng ký (có cả giấy đăng ký đã được làm giả từ trước), giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm để “khách thuê xe” thuận lợi mang đi cầm cố hoặc bán.

Trước hoặc sau khi “khách thuê xe” mang xe ô tô đi cầm cố hoặc bán thì sẽ phải trả cho Tuấn một khoản tiền tương ứng với khoảng 1/3 giá trị của chiếc xe, gọi là tiền “cọc xe”, để Tuấn hưởng lợi. Có những trường hợp “khách thuê xe” không có tiền đặt cọc ngay thì Tuấn cho “các anh em” đi cùng đến khi “khách thuê xe” cầm cố hoặc bán được xe ô tô thì thu luôn số tiền “cọc xe” như đã thỏa thuận.

Sau khi “khách thuê xe” đã cầm cố hoặc bán được xe ô tô, Tuấn đợi hết hạn thuê xe ghi trong hợp đồng thuê xe rồi cùng “các anh em” đi thu hồi xe về thông qua hệ thống định vị lắp đặt trên xe và chìa khóa phụ. Như vậy, những người đã bỏ tiền ra nhận cầm cố hoặc mua chiếc xe ô tô của Tuấn sẽ bị mất xe.Đối với những xe ô tô mà nhóm của Tuấn không tự thu hồi được, Tuấn yêu cầu “khách thuê xe” tắt điện thoại liên lạc và bỏ trốn một thời gian. Sau đó, Tuấn chỉ đạo “các anh em” trình báo với cơ quan chức năng với vai trò là người bị hại, bị “khách thuê xe” chiếm đoạt xe ô tô và đề nghị cơ quan Công an thu giữ xe, rồi làm đơn để được nhận lại xe ô tô.

Để mở rộng phạm vi hoạt động phạm tội, Tuấn thu nạp thêm “chân rết” từ chính những người đến thuê xe bằng cách ăn chia với những người này, để họ đi tìm, môi giới cho người có nhu cầu vay tiền, sẵn sàng mang xe ô tô của Tuấn đi cầm cố hoặc bán.

Với thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2020 đến tháng 9/2021, Nguyễn Anh Tuấn cùng các đồng phạm đã thực hiện tổng số 39 vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: 13 vụ lừa đảo liên quan đến việc cho thuê xe ô tô và 26 vụ liên quan đến việc cho thuê xe mô tô. Tổng số tiền Tuấn cùng đồng phạm đã chiếm đoạt là 3.659.800.000 đồng. Trong đó, Tuấn được hưởng lợi bất chính 1.116.260.000 đồng.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm

Nhiều tội danh và bản án nghiêm khắc

Cơ quan tiến hành tố tụng còn xác định, trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Hải Hoàng, Vũ Văn Tiến và Hoàng Trọng Hoạt còn có hành vi thuê người làm giả các tài liệu như: Đăng ký xe ô tô, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng mua bán xe để dùng vào việc mua bán, cầm cố xe với giá trị cao hơn và chiếm đoạt được số tiền cao hơn.

Ngoài ra, Nguyễn Anh Tuấn còn thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và hành vi đánh bạc, cụ thể: Tuấn cho Nguyễn Việt Tuấn, Hà Đình Đoàn và Trần Minh Dân vay tổng số tiền 500 triệu đồng với lãi suất từ 5.000đ – 7.000đ/triệu/ngày, cao gấp từ 9 lần đến 12,6 lần so với lãi suất mà Bộ luật dân sự quy định và đã thu lời bất chính tổng số tiền hơn 44 triệu đồng.

Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Thọ còn làm rõ, ngày 14/9/2021, Nguyễn Anh Tuấn đã có hành vi đánh bạc bằng hình thức nhận số lô, số đề qua tin nhắn điện thoại với Nguyễn Việt Tuấn và Bùi Hoàng Long với tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc là 9,2 triệu đồng.

Trước đó, khoảng 19h ngày 1/9/2021 đến ngày 2/9/2021, tại nhà ở của Nguyễn Công Chiển (ở khu Hoàng Xá, xã Mạn Lan, huyện Thanh Ba), Nguyễn Anh Tuấn đã cùng với Phạm Hải Hoàng, Nguyễn Tiến Hưng cùng nhau thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của vợ chồng anh Nguyễn Bắc Thái và chị Nguyễn Thị Nga với số tiền 17 triệu đồng.

Tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh xác định, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn cùng các đồng phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, xâm phạm đến trật tự công cộng, trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về hoạt động tín dụng, xâm phạm lợi ích của công dân làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm minh đối với các bị can theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các chứng cứ phạm tội, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Nguyễn Anh Tuấn 27 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong gioa dịch dân sự”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và tội “Đánh bạc”.

Các bị cáo liên quan là Phạm Hải Hoàng 19 năm tù; Vũ Văn Tiến 17 năm tù; Hoàng Trọng Hoạt 20 năm 6 tháng tù; Nguyễn Tiến Hưng 7 năm 6 tháng tù; Phùng Mạnh Tần 7 năm 3 tháng tù; Nguyễn Trọng Ký 12 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Thu Hà 15 năm 9 tháng tù; Đỗ Hữu Tư 12 năm tù; Nguyễn Công Chiển 7 năm tù; Lê Bá Huy 7 năm tù; Nguyễn Ngọc Sơn 15 năm tù; Phạm Hồng Thái 7 năm 6 tháng tù; Đoàn Thị Hằng, tổng hợp với bản án trước đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt 15 năm tù; phạt bị cáo Phan Thanh Tùng số tiền 50 triệu đồng.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phap-luat/ban-an-nghiem-khac-voi-cac-doi-tuong-thuc-hien-39-vu-lua-dao/188287.htm