Bản án tử hình gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc - Canada
Án tử hình trong phiên tòa tái thẩm của tòa Trung Quốc với công dân Canada được đánh giá là lá bài 'chính trị con tin' sau hàng loạt căng thẳng ngoại giao liên quan đến Huawei.
Quyết định áp dụng án tử hình của tòa án Trung Quốc đối với công dân Canada bị kết tội buôn lậu ma túy đã làm leo thang căng thẳng ngoại giao đẩy hai nước rơi vào trò chơi "chính trị con tin" đầy rủi ro, theo nhận định của các chuyên gia.
Bắc Kinh và Ottawa đã tranh cãi từ tháng trước, khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính của công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ liên quan đến cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Theo AFP, trong một động thái được giới quan sát được coi là trả đũa, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada, bao gồm một cựu cán bộ ngoại giao và một nhà tư vấn kinh doanh, vì nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Sau đó, trường hợp ít được biết đến trước đây của Robert Lloyd Schellenberg, người bị giam giữ vào tháng 12/2014, đột nhiên trở nên nổi tiếng.
Lá bài "chính trị con tin"
Schellenberg bị kết án 15 năm tù vào tháng 11/2018. Một tháng sau, tòa án cấp cao hơn đã tiếp nhận kháng cáo của anh và ra lệnh xét xử lại sau khi đánh giá hình phạt này quá nhẹ.
Phiên tòa được triệu tập vội vã tại thành phố Đại Liên, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh, nơi các công tố viên đưa ra bằng chứng mới và nhân chứng mới cho thấy Schellenberg được kết nối với một tập đoàn quốc tế có kế hoạch vận chuyển 222 kg methamphetamine (ma túy đá) tới Australia.
Schellenberg khẳng định anh chọn thành phố cảng Đại Liên cho chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của mình như một khách du lịch.
Thời điểm và sự nhanh chóng trong bản án của Schellenberg cùng việc đưa ra bằng chứng mới cho thấy anh là nhân vật chính trong phi vụ ma túy đã làm dấy lên sự nghi ngờ trong giới quan sát.
"Với lá bài chính trị con tin, Trung Quốc vội vã xét xử lại nghi phạm người Canada và xử tử người này. Đây rõ ràng là nỗ lực gây áp lực để Canada trả tự do cho CFO Huawei", ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết.
Donald Clarke, giáo sư Đại học George Washington chuyên về luật Trung Quốc, thậm chí còn có một thuật ngữ nặng nề hơn cho tình huống này là "ngoại giao đe dọa tính mạng".
"Chính phủ Trung Quốc thậm chí còn không tìm cách giả vờ rằng đã có một phiên tòa công bằng ở đây", Clarke nói.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ "cực kỳ lo ngại" trước việc Trung Quốc "chọn cách tùy tiện" áp dụng án tử hình.
Ottawa sau đó đã khuyến cáo các công dân "thận trọng cao độ ở Trung Quốc do lo ngại luật pháp địa phương được thực thi tùy tiện". Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt phủ nhận nghi ngờ vụ việc bị chính trị hóa.
Thời điểm đáng ngờ
Theo John Kamm, giám đốc nhóm nhân quyền Dui Hua Foundation có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc xử tử một hoặc hai người nước ngoài mỗi năm, hầu hết là tội phạm ma túy.
Các chuyên gia việc tái thẩm rất hiếm ở Trung Quốc, đặc biệt là trường hợp kêu gọi bản án nặng hơn. "Điều bất thường là vụ án này từng được xử lý cực kỳ chậm nhưng lại đột ngột được các tòa án xem xét nhanh chóng", Margaret Lewis, giáo sư luật tại Đại học Seton Hall, nói.
Quyết định đặc biệt cho phép ba nhà báo nước ngoài, bao gồm phóng viên AFP, tham dự phiên điều trần cho thấy "rõ ràng rằng chính phủ Trung Quốc muốn quốc tế chú ý về vụ việc này".
"Thời điểm rất đáng ngờ và chắc chắn quốc tịch của anh ta đã làm cho mọi việc trở nên thu hút hơn", Lewis nói.
Schellenberg, người khẳng định vô tội và bị người quen gài bẫy, có 10 ngày để kháng cáo lên tòa án tối cao, cơ quan đã bác bỏ kháng cáo đầu tiên của anh.
Lewis cho biết tòa án có khả năng giữ nguyên bản án và vụ việc sẽ chuyển lên Tòa án Nhân dân Tối cao. Tòa án cấp cao có khả năng giữ nguyên án tử hình và cho hoãn thi hành án hai năm. Theo Lewis, trong thời gian hoãn thi hành án, hình phạt của Schellenberg có thể được giảm nhẹ hoặc chuyển sang án tù dài hạn.
"Tôi đoán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ trì hoãn việc xem xét lại phán quyết tới chừng nào số phận của bà Mạnh còn chưa rõ ràng", Clarke nói.
Số phận của hai công dân Canada khác, những người bị giam giữ tại các địa điểm không được tiết lộ, vẫn còn là bí ẩn.
Tuần trước, Thủ tướng Trudeau đã cáo buộc Trung Quốc "bắt giữ tùy tiện và không công bằng" cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig và cố vấn kinh doanh Michael Spavor, những người bị bắt giữ 9 ngày sau khi Canada bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ khẳng định của ông Trudeau rằng Kovrig, hiện làm việc cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, vẫn được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Trong khi đó, bà Mạnh đã nộp tiền bảo lãnh cho tòa án ở Canada để được tại ngoại và đang đợi quyết định dẫn độ của Mỹ trong ngôi nhà ở Vancouver.