Người dân Australia phản đối kế hoạch lưu trữ chất thải hạt nhân

Ngày 17/11, tại Adelaide bang Nam Australia, cộng đồng dân cư đã lên tiếng phản đối quyết định của Quốc hội liên bang thông qua luật cho phép lưu trữ chất thải hạt nhân tại xưởng đóng tàu Osborne.

Người dân Port Adelaide phản đối lưu trữ chất thải hạt nhân trong khu vực của mình. Ảnh: abc.net.au

Người dân Port Adelaide phản đối lưu trữ chất thải hạt nhân trong khu vực của mình. Ảnh: abc.net.au

Quyết định này được đưa ra mà không có sự tham vấn đầy đủ với người dân địa phương, gây ra sự bất bình sâu sắc từ cả cư dân và cộng đồng người bản địa.

Kế hoạch này là một phần trong thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Mỹ và Anh nhằm phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân, có trị giá 368 tỷ USD. Theo đó, chất thải hạt nhân cấp thấp từ các hoạt động bảo trì tàu ngầm sẽ được lưu trữ tại Osborne, cách trung tâm thành phố Adelaide khoảng 25 km về phía Tây Bắc. Tuy nhiên, luật này không loại trừ khả năng tiếp nhận chất thải từ các tàu ngầm của Mỹ và Anh trong tương lai, khiến người dân lo ngại về quy mô và tác động của dự án.

Dù chính phủ đã cam kết rằng việc lưu trữ sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhưng cộng đồng địa phương vẫn tỏ ra nghi ngờ. Đặc biệt, họ cảm thấy bất mãn khi không được tham khảo ý kiến trước khi luật được thông qua.Bà Eileen Darley, lãnh đạo nhóm "Port Adelaide Community Opposing AUKUS", bày tỏ bức xúc: “Có tới trên 30.000 người sinh sống tại khu vực này, cùng với các trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em và khu bảo tồn thiên nhiên. Chúng tôi không hề được tham khảo ý kiến về vấn đề này”.

Trong khi đó, cộng đồng người bản địa Kaurna cũng bày tỏ phản đối mạnh mẽ. Trưởng lão Margaret Brodie cũng lên tiếng chỉ trích chính phủ đã phớt lờ quyền lợi của người bản địa và đưa ra quyết định mà không minh bạch. Bà nói: “Chúng tôi đã chịu đủ điều lừa dối qua nhiều thế hệ. Quyết định này càng làm gia tăng khoảng cách giữa cộng đồng bản địa và chính quyền”.

Ngoài ra, còn có những lo ngại về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc lưu trữ chất thải hạt nhân gần khu dân cư và các tuyến đường thủy như sông Port làm dấy lên lo ngại về nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Lịch sử về hậu quả nặng nề từ các vụ thử bom nguyên tử tại Maralinga trong thập niên 1950-1960, với hậu quả là ô nhiễm phóng xạ và ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức khỏe, càng làm gia tăng tâm lý cảnh giác đối với những quyết định liên quan đến hạt nhân.

Trước sự phản đối từ người dân, các chuyên gia nước này cũng cho rằng chính phủ cần minh bạch hơn trong việc triển khai kế hoạch. Tiến sĩ Sarah Connors, một nhà vật lý hạt nhân tại Đại học Adelaide, nhận định: “Việc xử lý chất thải hạt nhân cấp thấp có thể được thực hiện an toàn, nhưng cần có các quy trình chặt chẽ và cần giám sát độc lập. Chính phủ phải đảm bảo mọi rủi ro tiềm tàng đều được kiểm soát”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến từ giới kinh tế cho rằng kế hoạch phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân có thể mang lại lợi ích lớn về việc làm và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để thuyết phục người dân, chính phủ cần chứng minh rằng lợi ích này không chỉ mang lại cho quốc gia mà còn đảm bảo quyền lợi lâu dài cho cộng đồng địa phương.

Trước thực tế này, việc đối thoại cởi mở với người dân và các nhóm bản địa được xem là giải pháp cần thiết để giảm thiểu xung đột. Các chuyên gia cũng đề xuất áp dụng những công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Kế hoạch lưu trữ chất thải hạt nhân tại Nam Australia không chỉ là một bài toán về quốc phòng mà còn là thách thức lớn đối với chính phủ trong việc bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và quyền lợi của người dân. Nếu không có minh bạch và đối thoại toàn diện, những mâu thuẫn hiện tại có thể sẽ ngày càng trở nên gay gắt, ảnh hưởng đến sự ủng hộ của công chúng đối với các chính sách chiến lược trong tương lai của Australia.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo abc.net.au)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-dan-australia-phan-doi-ke-hoach-luu-tru-chat-thai-hat-nhan-20241118101117226.htm