Bản án vượt phạm vi yêu cầu khởi kiện và những hệ lụy
TAND Quận Hà Đông đã cố tình xét xử vụ án vượt quá thẩm quyền, vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Vụ làm giả chữ ký tại trường THCS Ban Mai:
Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2020/KDTM-ST ngày 31-7-2020 của TAND quận Hà Đông có nhiều điều khiến dư luận phải thắc mắc. Theo đó TAND quận Hà Đông đã cố tình xét xử vụ án vượt quá thẩm quyền, vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Cụ thể, tại Đơn khởi kiện ngày 12-2-2019, Công ty Gia Lộc yêu cầu tòa án buộc Công ty Ban Mai phải thanh toán nốt số tiền: 571.000.000 đ và tiền lãi suất theo Ngân hàng Vietcombank có kỳ hạn áp dụng đối với hai khoản tiền nêu trên kể từ thời điểm phải trả cho đến thời điểm thực tế Công ty Ban Mai thanh toán cho Công ty Gia Lộc. Như vậy, trong yêu cầu khởi kiện của Công ty Gia Lộc không hề yêu cầu Tòa án xem xét quyền lợi liên quan đến 51% cổ phần của ông Vũ Ngọc Thắng trong dự án Trường phổ thông Ban Mai.
Theo quy định tại điều 244 Bộ luật TTDS năm 2015, Hội đồng xét xử có thể chấp nhận việc bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện. Tại vụ án này, rõ ràng từ khi nộp đơn khởi kiện đến khi xét xử sơ thẩm vụ án, Công ty Gia Lộc không hề có yêu cầu Tòa án xem xét quyền lợi liên quan đến 51% cổ phần của ông Vũ Ngọc Thắng trong dự án Trường phổ thông Ban Mai nhưng TAND quận Hà Đông lại tự đưa vào xem xét và giải quyết quyền lợi liên quan đến 51% cổ phần của ông Vũ Ngọc Thắng trong dự án Trường phổ thông Ban Mai là trái quy định của pháp luật.
Mặt khác, trong văn bản số: 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp về một số vấn đề nghiệp vụ về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ Phần IV Về Tố tụng dân sự, thi hành án dân sự. Điều 7 có nêu rõ, theo quy định tại Điều 5, khoản 4 Điều 70, khoản 2 Điều 71, khoản 3 Điều 200, khoản 2 Điều 210, Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì:
“Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.”
Do đó, việc bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện là quyền của nguyên đơn. Về nguyên tắc, trong việc giải quyết vụ án dân sự Tòa án chỉ có thẩm quyền xem xét, giải quyết dựa trên phạm vi yêu cầu khởi kiện của đương sự, không được giải quyết vượt quá phạm vi này. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, TAND quận Hà Đông vẫn cứ đưa vào nội dung không có trong yêu cầu khởi kiện của ông Thắng để tiến hành xét xử. Cần phải khẳng định rằng, xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án, ông Thắng không đề nghị tòa án xem xét quyền lợi liên quan đến 51% cổ phần chỉ đề nghị xem xét về tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa các bên.
Vậy mà TAND quận Hà Đông lại đưa việc giải quyết tranh chấp về thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Ban Mai vào trong quá trình giải quyết vụ án, tập trung xét xử nội dung vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đã vi phạm về mặt tố tụng.
Theo bản án dân sự sơ thẩm số 22/2020/KDTM-ST ngày 31-7-2020 của TAND quận Hà Đông. Dù không yêu cầu Tòa án xem xét quyền lợi liên quan đến 51% cổ phần của ông Vũ Ngọc Thắng trong dự án Trường phổ thông Ban Mai. Thế nhưng TAND quận Hà Đông vẫn tuyên thêm nội dung: “Bác yêu cầu đề nghị xem xét quyền lợi liên quan đến 51% cổ phần của ông Vũ Ngọc Thắng trong dự án trường phổ thông Ban Mai”.
Điều này khiến dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi việc tuyên thêm nội dung vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu của ông Thắng của TAND quận Hà Đông này để làm gì?
Trao đổi với các chuyên gia pháp lý, đều cho rằng việc tuyên thêm về việc bác yêu cầu đề nghị xem xét quyền lợi liên quan đến 51% cổ phần của ông Vũ Ngọc Thắng sẽ để lại nhiều hệ lụy. Cụ thể, theo Luật sư Bùi Thị Hải Yến đoàn Luật sư TP Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại, các bên liên quan chưa có những tranh chấp về quyền lợi về 51% vốn góp của ông Thắng vào việc xây dựng trường Ban Mai. Nếu sau này các bên xảy ra tranh chấp liên quan và tiến hành khởi kiện ra tòa thì các phiên tòa kế tiếp sẽ dựa trên phần được tuyên thêm này để bác bỏ đi quyền và lợi ích hợp pháp của ông Thắng.
Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính liên quan đến Quyết định số 398/QĐ-PGD&ĐT về việc công nhận lại HĐQT trường THCS Ban Mai nhiệm kì 2016 – 2021 dựa trên Nghị quyết và Biên bản họp HĐQT trường THCS Ban Mai ngày 06/02/2017 với nội dung Ông Vũ Ngọc Thắng thôi không giữ chức Chủ tịch HĐQT, thôi không tham gia làm thành viên HĐQT trường Ban Mai từ ngày 01/3/2017 và bầu bà Mai Thị Lan Anh làm chủ tịch HĐQT của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông.
Kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã khẳng định chữ ký trong biên bản trên không phải là chữ ký của ông Thắng. Ở đây đang có dấu hiệu của tội giả mạo trong công tác. Cụ thể theo điểm c Điều 359 Bộ luật hình sự 2015, giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn. Theo Luật sư Yến , việc đưa thêm nội dung: “Bác yêu cầu đề nghị xem xét quyền lợi liên quan đến 51% cổ phần của ông Vũ Ngọc Thắng trong dự án trường Ban Mai” có thể khiến ông Thắng lúc này không phải là người có chức vụ quyền hạn để loại trừ yếu tố hình sự.
Hiện vụ việc đã được xét xử Phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội, nhưng theo thông tin chúng tôi nhận được phần tuyên thêm “Bác yêu cầu đề nghị xem xét quyền lợi liên quan đến 51% cổ phần của ông Vũ Ngọc Thắng trong dự án trường Ban Mai” vẫn được Tòa phúc thẩm đưa vào Bản án.