Ban Bí thư ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương
Sau hơn 5 năm thực hiện Quy định số 04-QĐi/TW, ngày 25/7/2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy (Quy định số 04), ngày 1/12/2023, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký Quy định số 137-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (Quy định số 137).
6 cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy có cấp phó không quá 18 người; Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Nghệ An có không quá 21 người; Thành ủy Hà Nội và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 24.
Nếu như Quy định số 04 xác định 6 cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy (văn phòng, ban tổ chức, cơ quan ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo, ban dân vận, ban nội chính) có không quá 15 người; Thành ủy Hà Nội và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh không quá 18 người thì Quy định số 137 bổ sung thêm cấp phó không quá 18 người; Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Nghệ An có không quá 21 người; Thành ủy Hà Nội và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 24 người. Ban thường vụ tỉnh ủy căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để xem xét, quyết định số lượng cấp phó cụ thể đối với mỗi cơ quan bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc ở địa phương.
Đối với các đơn vị đầu mối, nếu như Quy định số 04 quy định tối thiểu có 5 người mới lập một đầu mối (phòng và tương đương); phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng, có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng, thì Quy định số 137 có hướng mở hơn đó là, tối thiểu có 5 người mới thành lập một đầu mối. Trường hợp chưa bố trí đủ biên chế, ít nhất phải có 4 người mới được thành lập; có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và không quá 2 phó trưởng phòng, có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 3 phó trưởng phòng.
Điều chỉnh, bổ sung trách nhiệm, quyền hạn chung của cơ quan tham mưu, giúp việc và xác định cụ thể hơn tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức.
Tại Điều 3 về trách nhiệm, quyền hạn chung của cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, Quy định số 137 sửa đổi khoản 4 của Điều 3 Quy định số 04 đó là, thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Khoản 4 Điều 3 Quy định số 04 nêu, thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát theo quy định tại điểm 1.2.1 khoản 1.2 mục 1 Phần I Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Tại Điều 3 này cũng bổ sung mới khoản 5 quy định, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với thường trực tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc tương ứng ở Trung ương.
Về tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức đều được quy định tại Điều 4 của Quy định số 137 và Quy định số 04, nhưng thể hiện khác nhau, đó là, tại khoản 1 của Điều 4 Quy định số 04, việc xác định tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức trong mỗi cơ quan, đơn vị do các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy xây dựng, ban thường vụ tỉnh ủy quyết định phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Thì tại khoản 1 Điều 4 Quy định số 137 cụ thể như sau, việc xác định tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong mỗi cơ quan do các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy xây dựng, ban tổ chức tỉnh ủy thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Về cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức, Quy định số 137 xác định đối với văn phòng tỉnh ủy: Bố trí cán bộ, công chức, viên chức hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của văn phòng. Đối với cơ quan ủy ban kiểm tra tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy: Bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trên cơ sở vị trí việc làm của từng cơ quan.
Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của 6 cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy được cơ cấu theo từng điều, khoản giống nhau và có sự tương đồng nhất định gồm: chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, so với Quy định số 04, Quy định số 137 có sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với các quy định của Đảng mới ban hành.