Bán cà pháo thu 30 tỉ đồng mỗi năm
Tiếp quản công ty thực phẩm của gia đình sau 5 năm, Tuấn đã đưa doanh số cà pháo từ mức 5-6 tỉ đồng/năm lên mức 30 tỉ đồng vào năm qua
Chia sẻ với phóng viên tại tọa đàm "Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế" do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 1-3 tại TP HCM, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) cho biết đang dịch chuyển sản phẩm sang dòng chay.
Ông Tuấn cho biết tiếp quản công ty gia đình từ năm 2018 với các sản phẩm như: cà pháo, dưa món, kim chi, bánh nậm, bánh lọc, các loại mắm… Năm 2021, riêng doanh số sản phẩm từ cà pháo (cà pháo chua ngọt, cà pháo mắm nêm, mắm cà pháo, mắm tôm chua trộn cà pháo) đạt 30 tỉ đồng, từ mức doanh thu 5-6 tỉ đồng/năm trước khi Tuấn tiếp quản.
"Sản phẩm của công ty chưa đáp ứng hết nhu cầu trong nước nên chỉ xuất khẩu một lượng hàng nhỏ sang Nhật Bản để chứng minh quy trình sản xuất đạt chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm. Sông Hương Foods đang xúc tiến xây dựng nhà máy mới tại An Giang với tổng vốn đầu tư 65 tỉ đồng, công suất gần 2.000 tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay. Khi đó, công ty sẽ có đủ nguồn hàng cung cấp cho nội địa và xuất khẩu" – ông Tuấn bày tỏ.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nguyên liệu cà pháo được công ty mua tại Tây Ninh và đang mở rộng trồng thử nghiệm tại An Giang và Đắk Nông để chuẩn bị cho nhà máy mới.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, dưới góc độ người nghiên cứu thị trường thì xu hướng ăn chay của người tiêu dùng hiện nay chính là một cơ hội của nông sản Việt Nam.
"Chúng ta có lợi thế về trồng trọt, đa dạng nguyên liệu cho chế biến chay từ củ hủ dừa, sen, đặc biệt là mít non có thể làm ra nhiều món chay ngon tương tự như từ thịt. Việc phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm chay sẽ giúp tiêu thụ nông sản tốt thay vì nhiều đợt kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ như gần đây" – bà Hạnh bày tỏ.
Cũng theo bà Hạnh, kim chi Hàn Quốc đã tăng doanh số xuất khẩu 50% trong thời gian Covid-19 nhờ truyền thông tốt về các sản phẩm lên men có thể hỗ trợ miễn dịch. Việt Nam là thiên đường của các sản phẩm lên men như: dưa cà, cà pháo, cải chua, giá chua,… nhưng lâu nay vẫn chưa được quảng bá tốt, chưa phát triển xứng tầm.
PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, nói thêm, ngoài xu hướng ăn thuần chay thì xu hướng giảm ăn thịt động vật, dùng đạm thực vật thay thế cũng là cơ hội để phát triển ngành thịt thay thế.
Hiện tại, một số loại thịt thay thế giá còn cao do kỹ thuật chế biến khó cũng như do số lượng sản xuất nhỏ, tương lai khi kỹ thuật chế biến được phổ biến, sản xuất đại trà thì giá thành sẽ hạ, người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/ban-ca-phao-thu-30-ti-dong-moi-nam-20220301145149506.htm