Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Xử lý 2.012 vụ việc, thu nộp ngân sách 415,4 tỷ đồng trong tháng 11

Trong tháng 11, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.012 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, thu nộp ngân sách nhà nước 415,4 tỷ đồng.

Kiểm tra xử lý 2.012 vụ việc, thu nộp ngân sách 415,4 tỷ đồng

Đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội tháng 11 năm 2024, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội – thành viên thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: Nhìn chung thị trường tháng 11/2024 ghi nhận sự ổn định. Trong khi giá xăng dầu được giữ ở mức ổn định, giá vàng lại trải qua nhiều biến động, tăng vọt chạm đỉnh rồi giảm nhanh chóng. Diễn biến này chịu tác động lớn từ tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sau sự kiện Tổng thống Mỹ tái đắc cử.

Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các tuyến đường trọng điểm và trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đáng chú ý, tình trạng vận chuyển hàng cấm qua đường hàng không Nội Bài tiếp tục là vấn đề đáng quan ngại.

Trong tháng, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ 25.800 gam ma túy tổng hợp, một con số đáng báo động. Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đẩy mạng tăng cường kiểm tra, kiểm xoát và xử lý vi phạm, đặc biệt là thị trương nội địa, các tuyến đường trọng điểm và thương mại điện tử.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội liên tiếp ra quân kiểm tra, xử lý các vụ việc kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có dấu hiệu nhập lậu trên địa bàn Thành phố . Ảnh: ST

Cục Quản lý thị trường Hà Nội liên tiếp ra quân kiểm tra, xử lý các vụ việc kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có dấu hiệu nhập lậu trên địa bàn Thành phố . Ảnh: ST

Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng nhận định thời điểm cuối năm luôn nhạy cảm với các hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc. Trên thị trường nội địa, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, nhất là vào thời điểm cuối năm 2024. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo thời trang, tất, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô...

Ngày 11/11/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 (Ban chỉ đạo 389 Thành phố) do Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) là Trưởng đoàn đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm và vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ô tô nổi tiếng tại huyện Hoài Đức. Ảnh: ST

Ngày 11/11/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 (Ban chỉ đạo 389 Thành phố) do Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) là Trưởng đoàn đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm và vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ô tô nổi tiếng tại huyện Hoài Đức. Ảnh: ST

Cụ thể, trong tháng 11/2024, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 đã tiến hành 2.012 vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý 171 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu, 142 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, 1.488 vụ gian lận thương mại.

Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ các vụ xử lý đạt 415,4 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng khích lệ, góp phần ổn định thị trường và tăng cường sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Trong đó, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội đóng vai trò quan trọng. Là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã chủ động ban hành nhiều kế hoạch kiểm tra cao điểm vào cuối năm. Trong tháng 11, đơn vị đã thực hiện: 359 vụ thanh tra, kiểm tra; xử lý 355 vụ với số tiền phạt hành chính lên tới 3,86 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm đạt 2,91 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường giám sát, xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường thương mại điện tử, đặc biệt là các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Công an TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong tháng 11, lực lượng này đã kiểm tra 123 vụ và xử lý hành chính 131 vụ (bao gồm 8 vụ tồn đọng), với các con số cụ thể: Phạt hành chính 1,415 tỷ đồng; truy thu, thu hồi thuế 15,68 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 21,17 tỷ đồng; khởi tố 6 vụ, liên quan đến 19 bị can.

Trong tháng 11, Cục Hải quan Hà Nội cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát, đặc biệt tại các tuyến đường hàng không, cảng và các mặt hàng có giá trị lớn. Kết quả trong tháng, Cục đã phát hiện, xử lý 183 vụ vi phạm, với số tiền phạt hành chính 14,9 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm lên tới 11,9 tỷ đồng.

Đồng thời, Cục cũng tăng cường đấu tranh phòng chống ma túy, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tạm nhập, tái xuất và quá cảnh qua biên giới.

Cục Thuế Hà Nội đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đạt được nhiều kết quả tích cực như: Thanh tra 1.053 doanh nghiệp, xử lý 1.049 doanh nghiệp vi phạm; tổng số tiền phạt hành chính 125,7 tỷ đồng; truy thu, thu hồi thuế 251,45 tỷ đồng.

4 nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2024

Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết, bước vào tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2025; trong đó sẽ tập trung vào 4 trọng tâm chủ yếu:

Thứ nhất, xác định địa bàn trọng điểm, sẽ tập trung vào các tuyến đường vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và các nền tảng thương mại điện tử.

Thứ hai, tăng cường phối hợp liên ngành, các lực lượng chức năng cần chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, công khai thông tin vi phạm, khuyến khích người dân tố giác qua đường dây nóng.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát và xử lý vi phạm.

Những kết quả đạt được trong tháng 11/2024 không chỉ phản ánh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng mà còn khẳng định vai trò quan trọng của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố trong việc duy trì ổn định thị trường.

Tuy nhiên, trước những phương thức gian lận ngày càng tinh vi, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại cần được thực hiện linh hoạt, quyết liệt hơn. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng cường uy tín cho Thủ đô trong mắt các nhà đầu tư./.

Nguyễn Duyên

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ban-chi-dao-389-ha-noi-xu-ly-2-012-vu-viec-thu-nop-ngan-sach-415-4-ty-dong-trong-thang-11-36597.html