Kỳ 1: Buốt lòng khi tài sản 'phơi sương, phơi nắng'
Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản 'đóng băng', không lưu thông, hay nằm 'phơi sương, phơi nắng' trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.
Nguồn lực khổng lồ bị lãng phí
Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho thấy, hiện có 257.075 vụ án có thu giữ vật chứng, tài sản, đồ vật, tài liệu, chiếm 55,3% số vụ khởi tố mới, trong đó án hình sự là 128.887 vụ, kinh tế, tham nhũng là 15.672 vụ, ma túy là 90.181 vụ, môi trường là 7.167 vụ và án khác là 15.153 vụ. Số lượng vật chứng, tài sản, đồ vật, tài liệu kê biên, tạm giữ đối với vật chứng là tiền khoảng 16.000 tỷ đồng, 4,7 triệu USD tương đương với 108 tỷ đồng. Có 7.580 lượng vàng, kim cương là vật chứng. Đối với vật chứng là giấy tờ có giá như cổ phần, cổ phiếu, sổ tiết kiệm, các loại giấy tờ có giá khác gồm 640.943 loại giấy tờ, trong đó có hơn 500 triệu cổ phần, cổ phiếu các loại. Đặc biệt, cơ quan điều tra đã thu giữ, kê biên, phong tỏa khoảng 3.325 bất động sản và dự án các loại, trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Cũng theo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, vật chứng là các loại phương tiện vận chuyển như ôtô, xe máy, tàu thuyền, du thuyền, xà lan là 55.843 chiếc. Chỉ tính riêng trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên 1 du thuyền, 19 ôtô trị giá 294,9 tỷ đồng. Đối với vật chứng là hàng hóa, trang thiết bị vật tư có khoảng 5,2 triệu tấn than, quặng. Riêng trong vụ án buôn lậu than xảy ra tại Công ty Yên Phước, Cơ quan CSĐT đã thu giữ hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm. Hiện có hơn 131 triệu lít xăng dầu, dầu DO và trên 1.000 đơn vị hàng hóa khác cũng là vật chứng trong các vụ án, trong đó vụ buôn lậu xăng dầu tại Quảng Ngãi, Cơ quan CSĐT đã thu giữ 2,1 triệu lít xăng; Bộ Quốc phòng thu giữ 5,5 triệu lít xăng, 123,7 triệu lít dầu DO.
Số lượng tài sản, đồ vật, tài liệu khác (không phải là vật chứng) với 3.987 tỷ đồng, 5,7 triệu USD tương đương 139 tỷ đồng; có 301 lượng vàng, 436 bất động sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng và 7590 phương tiện. Hiện tổng số vụ án có khó khăn, vướng mắc trong bảo quản vật chứng là 3.856 vụ. Tổng số vụ án đủ điều kiện trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án là 25.880 vụ.
Trong khi đó, số lượng kho vật chứng trên cả nước không đáp ứng đủ để bảo quản tài sản đã thu giữ. Theo tổng kết và đánh giá của Bộ Công an, tổng số kho vật chứng trong toàn quốc có 947 kho và các kho vật chứng của Cơ quan thi hành án trong Quân đội. Đối với các kho vật chứng của lực lượng Công an, đã tiếp nhận để lưu giữ, bảo quản tổng số 442.809 vật chứng thuộc 52.071 vụ, trong đó tồn đọng chưa được giải quyết là 77.427 vật chứng thuộc 22.519 vụ. Chi phí bảo quản, thuê kho bãi, nhân công trông coi bảo quản vật chứng gần 50 tỷ đồng. Đối với các kho vật chứng của Cơ quan thi hành án trong Quân đội đa số là nhà cấp 4, hầu hết tận dụng từ phòng làm việc, phòng ở của trụ sở nên chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Riêng đối với kho vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp dù được phê duyệt đầu tư xây dựng 757 kho vật chứng, nhưng đến nay chỉ có 304/757 đơn vị có kho vật chứng, chiếm tỷ lệ 40%; 453/757 đơn vị chưa có kho vật chứng, chiếm tỷ lệ 60%. Riêng hai địa phương có số vật chứng phải tiếp nhận, bảo quản, xử lý lớn nhất toàn quốc là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có đến 14/23 đơn vị chưa có kho vật chứng, Hà Nội có 15/31 đơn vị chưa có kho vật chứng. Để tiếp nhận, bảo quản vật chứng theo quy định, các cơ quan thi hành án dân sự phải tận dụng phòng làm việc, nhà xe, sân cơ quan để chứa vật chứng hoặc đi thuê, mượn kho vật chứng, gửi lại vật chứng ở kho của cơ quan Công an. Trong thời gian 5 năm, tổng chi phí bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ ở giai đoạn xét xử, thi hành án là trên 85 tỷ đồng, trong đó chi phí bảo quản như thuê kho bãi, trông giữ, bảo quản vật chứng là gần 60 tỷ đồng, chi phí xử lý vật chứng là 25,7 tỷ đồng.
Cần sớm thông qua và mở rộng biên độ các vụ án
Thông tin về những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết: Trong giai đoạn từ 2019 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện khởi tố 66 vụ/173 bị can về tội danh liên quan đến lãng phí trong đó có rất nhiều vụ án phức tạp như: Vụ án tại Tổng Công ty sản xuất, SNK Bình Dương gây thất thoát, lãng phí trên 2.711 tỷ đồng; vụ án mở rộng nhà máy Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, gây thất thoát, lãng phí 830 tỷ đồng (hiện nay dự án đã dừng triển khai nguy cơ thất thoát lãng phí còn gia tăng); vụ án Tổng Công ty Lương thực miền Nam gây thất thoát, lãng phí trên 157 tỷ đồng; vụ án Tập đoàn cao su Việt Nam gây thất thoát, lãng phí trên 157 tỷ đồng…, qua đó đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.
Tuy nhiên, đánh giá của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng cho thấy, qua công tác nắm tình hình và thực tiễn điều tra các vụ án liên quan đến đầu tư, quản lý Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế trọng điểm thời gian qua còn một số hạn chế, trong đó có việc chậm trễ xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử gây lãng phí nguồn lực. Trước những thực trạng trên, phát biểu tại phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, các ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đoàn ĐBQH TP Hà Nội đánh giá, việc ban hành nghị quyết rất cần thiết bởi Công an TP đang hàng ngày, hàng giờ phải quản lý, xử lý khối lượng vật chứng rất lớn, có những vật chứng từ nhiều năm nay gây lãng phí. Theo đại biểu, lãng phí thứ nhất từ chính giá trị tài sản của vật chứng, bởi có những tài sản để lâu quá, mất giá trị. Trong khi đó, không thanh lý được, hủy không được, phải trông giữ rất lãng phí. Lãng phí thứ hai là Công an TP phải có kho vật chứng chung, các quận, huyện phải có kho vật chứng của cơ quan điều tra cấp quận, huyện. Trong chương trình cải cách tư pháp, TP phải có kho vật chứng cả về hình sự, dân sự nhưng chưa có kho hoặc có nhưng không đáp ứng về diện tích, tiêu chuẩn.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung cũng cho rằng, còn một lãng phí nữa đó là phải bố trí người trông coi kho vật chứng bởi theo quy định, việc quản lý trông coi là Công an, xử lý tài sản lại là tòa án. “Mới đây, chúng tôi đã nhận mấy chục tấn đất hiếm trong một vụ án nhưng phải xây nhà tạm để lưu giữ. Dù là nhà tạm nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát. Trong khi đó, để trông coi không chỉ 1, 2 người. Nếu đối chiếu với quy định mới nhất, đây là vấn đề rất vướng mắc, bất cập”, ĐBQH Nguyễn Hải Trung cho biết.
Qua thảo luận, đa số các ĐBQH tán thành việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Các đại biểu góp ý nhiều nội dung trong việc xử lý vật chứng vụ án, tránh lãng phí tài sản và gây thiệt hại cho các bên. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh như tại dự thảo nghị quyết vẫn còn rất hạn hẹp (chỉ thí điểm xử lý vật chứng tài sản thu giữ bị tạm giữ kê biên phong tỏa trong một số vụ việc vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chỉ đạo); đề nghị có thể mở rộng với các vụ án nghiêm trọng khác như áp dụng cho những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chỉ đạo.
(còn nữa
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/ky-1-buot-long-khi-tai-san-phoi-suong-phoi-nang-i751500/