Thời gian qua, dưới chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát (KT, KS) địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp.
Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh kiểm tra các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hòa Bình. Theo đó, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, thành viên nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, phối hợp chặt chẽ thực hiện công tác KT, KS thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn các huyện, thành phố, tập trung vào nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, xăng dầu, trang thiết bị vật tư y tế, phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. BCĐ 389 các huyện, thành phố chủ động thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo định kỳ, đột xuất. Qua kiểm tra cho thấy, thị trường hàng hóa nội địa cơ bản ổn định, nhất là trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, găm hàng, tung tin thất thiệt, gây rối loạn thị trường. Môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp KT, KS thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại; chủ động, tích cực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Kết quả kiểm tra 362 vụ, xử lý 189 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1.495 triệu đồng; tiền phạt bổ sung, truy thu thuế 1.855 triệu đồng. Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng BCĐ 389 tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, BCĐ 389 tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác KT, KS thị trường nói chung, đặc biệt đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các ngành chức năng và các huyện, thành phố chủ động nắm bắt địa bàn, đối tượng, tụ điểm, nơi tập kết hàng; thường xuyên phối hợp chia sẻ thông tin về đối tượng, mặt hàng các đối tượng thường buôn lậu, phương thức, thủ đoạn, nhất là những thủ đoạn mới phát sinh. Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định về chất lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, kiểm tra về giá, niêm yết giá hàng hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong công tác thực thi pháp luật đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hải Linh