Cựu Tổng giám đốc SCB: Làm 11 tháng rồi nghỉ, 11 năm sau bị bắt

Tất cả các bị cáo là cựu lãnh đạo ngân hàng SCB đều xin giảm nhẹ hình phạt, trình bày về hoàn cảnh ký duyệt các hồ sơ vay là để cứu SCB giảm thiểu nợ xấu cho ngân hàng.

Sáng 6-11, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm trong giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan tiếp tục đến phần xét hỏi của HĐXX đối với các bị cáo là cựu lãnh đạo "đời đầu" của ngân hàng SCB.

Các bị cáo này thuộc nhóm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Nhìn chung tất cả các bị cáo trong nhóm này đều xin giảm nhẹ hình phạt, trình bày về hoàn cảnh ký duyệt các hồ sơ vay là để cứu SCB giảm thiểu nợ xấu, cơ cấu lại các khoản vay và trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ mới.

Cụ thể, bị cáo Trần Thuận Hòa (thành viên HĐQT, cấp sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù) đã đồng ý cho 71 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP vay tại ngân hàng SCB, gây thiệt hại 2.371 tỉ đồng.

 Các cựu lãnh đạo đời đầu của ngân hàng SCB đều xin giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các cựu lãnh đạo đời đầu của ngân hàng SCB đều xin giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tại tòa, bị cáo này khai trong khoảng thời gian làm việc tại ngân hàng SCB thì công việc của mình chủ yếu tập trung ở năm đầu khi ngân hàng mới hợp nhất. Công việc trọng tâm là xử lý nợ xấu sau khi hợp nhất, hồ sơ các khoản vay cũng chỉ với mục đích là giúp SCB giảm tỉ lệ nợ xấu.

Tương tự, bị cáo Lê Khánh Hiền (tháng 5-2013 được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc ngân hàng, cấp sơ thẩm tuyên 5 năm tù), trình bày có khoảng 11 tháng làm việc và giữ chức vụ Tổng giám đốc của ngân hàng.

Sau khi ba ngân hàng hợp nhất thì trong 11 tháng này, ngân hàng SCB đang rất khủng hoảng, bị cáo đã nỗ lực, cố gắng hết sức và mang lại một số kết quả tích cực cho ngân hàng như: Ổn định tình hình thanh khoản của ngân hàng; ngăn chặn người dân rút tiền hàng loạt; hoàn thành hoàn trả hơn 22.000 tỉ đồng cho Nhà nước...

"Sau khi hoàn thành tái cơ cấu giai đoạn 1 thì bị cáo nghỉ việc, cho đến nay bị cáo đã nghỉ việc được 11 năm. Từ lúc nghỉ việc cho đến nay bị cáo hoàn toàn không biết hoạt động của ngân hàng như thế nào cho đến khi vụ án được khởi tố thì sau đó bị cáo bị bắt"- bị cáo Hiền nói.

Ngoài ra, bị cáo này cũng trình bày thêm quá trình xét xử phúc thẩm đã nộp khắc phục thêm 100 triệu đồng và tham gia công tác xã hội như tài trợ cho nhiều trẻ em nghèo hiếu học tại các địa phương để HĐXX xem xét.

Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Lê Khánh Hiền đã ký, phê duyệt 72 tờ trình tái thẩm định, 2 biên bản họp HĐQT, 72 biên bản họp Hội đồng tín dụng Hội sở đồng ý cho 72 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP vay 72 khoản tại ngân hàng SCB, gây thiệt hại 3.877 tỉ đồng.

Còn đối với cựu phó Tổng giám đốc ngân hàng Phạm Văn Phi (bị cấp sơ thẩm tuyên 8 năm tù), bị cáo này trình bày cấp sơ thẩm chưa xem xét tình tiết bị cáo nhận được bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và thêm tình tiết giảm nhẹ mới là đã vận động gia đình khắc phục thêm 200 triệu đồng (sơ thẩm nộp 120 triệu).

Cựu phó Tổng giám đốc SCB, Diệp Bảo Châu (cấp sơ thẩm tuyên 10 năm tù) mong tòa án cấp phúc thẩm xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ tích cực phối hợp với cơ quan điều tra (tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét áp dụng). Tiếp đến là xem xét thêm tình tiết bản thân là thu nhập chính trong gia đình, gia đình không còn thu nhập nào khác nhưng vẫn vận động gia đình khắc phục hậu quả.

HỮU ĐĂNG

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/cuu-tong-giam-doc-scb-lam-11-thang-roi-nghi-11-nam-sau-bi-bat-post818481.html