Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh: Cơ hội thử thách người đứng đầu!

ng Vũ Quốc Hùng cho rằng, việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh như 'nối bàn tay lớn', sẽ đạt được hiệu quả kép, giải quyết được vấn đề tham nhũng, tiêu cực ở các cấp dưới, phân ra trách nhiệm từng cấp. Đây cũng là cơ hội thử thách đối với cấp ủy cấp tỉnh.

Mới đây Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2835-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hà Nội là tỉnh, thành đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Theo quyết định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện theo quy định của Ban Bí thư; đồng thời thay thế và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phi giai đoạn 2021-2025."

Trưởng Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo ban hành quy chế làm việc; quy định về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác. Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu riêng để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; kinh phí hoạt động do ngân sách thành phố cấp theo quy định.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Bài liên quan

Hà Nội đẩy mạnh triển khai thử nghiệm Nền tảng địa chỉ số quốc gia phục vụ chuyển đổi số

Hà Nội xây dựng 28 tour du lịch dịp SEA Games 31

Hà Nội sáp nhập 4 Ban quản lý dự án thành 2 đơn vị

Đánh giá về việc thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc các tỉnh, thành ủy cử tri Phan Phúc Long (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, đây là việc làm rất cần thiết, mặc dù công tác này đã đạt được hiệu quả rất cao những lòng dân vẫn bất an vì nạn tham nhũng vặt; đặc biệt số vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn.

Cử tri Phạm Đức Cường (Phương Liên, Hà Nội) đồng tình và vui mừng ủng hộ thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc các tỉnh, thành ủy: "Tham nhũng, tiêu cực vẫn rất phức tạp, nghiêm trọng, nhiều nơi vẫn đang nhức nhối, từ kinh nghiệm của BCĐ Trung ương có thể thấy để phát huy trách nhiệm, hiệu quả của các thiết chế phòng chống tham nhũng, tiêu cực địa phương thì cần một đầu mối, một tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác này."

Trao đổi với PV Nhà báo và Công luận, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có ý nghĩa rất lớn, nối dài sự chỉ đạo từ TW đến cơ sở.

Theo ông Hùng, việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh như "nối bàn tay lớn", sẽ đạt được hiệu quả kép, giải quyết được vấn đề tham nhũng, tiêu cực ở các cấp dưới, phân ra trách nhiệm từng cấp. Đây cũng là cơ hội thử thách đối với cấp ủy cấp tỉnh.

"Trước đây TW phải đi đến tận đơn vị, nhưng bây giờ TW giám sát, nắm bắt thông tin và yêu cầu cấp tỉnh giải quyết, nếu tỉnh không giải quyết được thì sẽ bộc lộ hai điều: Thứ nhất là kém về năng lực. Thứ 2 là có tư tưởng hữu khuynh nên TW sẽ nhận biết được ngay và có hướng xử lý kịp thời", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, khi có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, TW sẽ tập trung nhiều hơn công tác kiểm tra, giám sát chung, tập trung xử lý những vụ việc lớn. Trong phạm vi địa phương sẽ giao cho tỉnh, thành làm, nếu không làm được thì kiểm điểm ngay những người đứng đầu tỉnh, thành.

"Quan trọng là mạnh dạn làm, không nể nang, không né tránh, không nuông chiều cán bộ, đã là cán bộ phải giữ liêm chính, tích cực, mẫu mực...", ông Hùng nhấn mạnh.

Trước đó trao đổi với PV, PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn vừa qua đã đạt được khá nhiều kết quả tốt, tuy nhiên, mới chỉ ngăn chặn được “từng khúc”, “từng đoạn”. Chính vì thế, Trung ương đã sáng suốt trong việc nhìn ra trước vấn đề này và có những bước đi đúng đắn xem xét thành lập ra Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó việc phân cấp, phân quyền, xây dựng quy chế rõ ràng là cần thiết để địa phương có quyền đưa ra quyết định triệt để hơn trong những trường hợp cụ thể.

PGS. TS Bùi Thị An cũng nhấn mạnh, khi đưa vào thực tiễn, công tác cán bộ là điều then chốt, cần chọn được đúng người đứng đầu và các thành viên trong Ban chỉ đạo ở mỗi tỉnh, thành phố phải thực sự trong sạch, có trình độ tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Tại Hội nghị lần thứ năm diễn ra từ ngày 4 đến ngày 10/5 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhất trí với Tờ trình của Bộ Chính trị về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ban-chi-dao-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-cap-tinh-co-hoi-thu-thach-nguoi-dung-dau-post194992.html