Cử tri quận 3: Lương mới chưa tới tay, giá đã 'nhảy múa'

Nhiều cử tri quận 3, TP.HCM, cho rằng tăng lương cơ sở làm tăng các chi phí đảm bảo đời sống, tăng thuế thu nhập cá nhân trong khi mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên là không phù hợp.

Chiều 2-7, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 2 gồm ĐB Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH và ĐB Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, tiếp xúc cử tri quận 3, sau kỳ họp thứ 7, QH khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các vấn đề liên quan đến việc tăng lương cơ sở kéo theo giá cả tăng lên, trong khi không điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN), không nâng mức giảm trừ gia cảnh… được nhiều cử tri đề cập.

 Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri quận 3, chiều 2-7. Ảnh: L.THOA

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri quận 3, chiều 2-7. Ảnh: L.THOA

Lương chưa tới tay, giá cả đã nhảy múa

Cử tri Văn Ngọc Mạnh cho rằng thực tế lương mới chưa đến tay người lao động thì giá cả đã thi nhau nhảy múa. “Thị trường tăng giá, làm giảm giá trị, ý nghĩa của việc tăng lương” - cử tri Mạnh nói.

Cử tri Nguyễn Thị Anh Thư, phường 3, đề nghị xem xét điều chỉnh thuế TNCN của những người làm công ăn lương vì các mức thuế không còn phù hợp với thực tế. Đồng thời, phải tạo điều kiện để người lao động có cơ hội tích lũy tiêu dùng, tích lũy mua nhà cho tương lai và đáp ứng nhu cầu chăm sóc học hành cho con cái.

Theo cử tri Thư, theo báo cáo, số thu thuế luôn tăng trưởng cao hàng năm trong khi người nộp thuế phải chật vật, tính toán chi li trong cuộc sống. Bà mong ĐBQH có kiến nghị kịp thời, phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân.

 Các cử tri quận 3 trao đổi bên lề với tổ ĐBQH TP.HCM đơn vị 2. Ảnh: L.THOA

Các cử tri quận 3 trao đổi bên lề với tổ ĐBQH TP.HCM đơn vị 2. Ảnh: L.THOA

Còn cử tri Vũ Thị Bích Vân, phường 13, cho rằng tăng lương cơ sở góp phần đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức. Nhưng thực tế tăng lương cũng đi kèm với tăng giá, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là người lao động không được hưởng lương từ ngân sách. Do đó, bà đề xuất nhà nước có chính sách đảm bảo giá cả cho người dân có cuộc sống ổn định.

Cử tri Vân cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đối với người đóng thuế TNCN theo quy định hiện nay là quá thấp, chưa đảm bảo các khoản chi tiêu cần thiết. “Tăng lương cơ sở làm tăng các chi phí đảm bảo đời sống, thu nhập được tính thuế cũng tăng trong khi giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên là không phù hợp”- bà Vân nói và đề nghị xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Giảm trừ gia cảnh phải sát với thực tế cuộc sống

Tiếp thu và trao đổi với cử tri, ĐBQH Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết Luật Thuế TNCN được QH thông qua năm 2007, sau đó có sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2012 và năm 2014. Thời gian qua, dư luận xã hội và cử tri các nơi phản ánh một số bất cập của Luật này.

 ĐBQH Đỗ Đức Hiển trao đổi với cử tri quận 3 về việc điều chỉnh Luật Thuế TNCN. Ảnh: HÀ THƯ

ĐBQH Đỗ Đức Hiển trao đổi với cử tri quận 3 về việc điều chỉnh Luật Thuế TNCN. Ảnh: HÀ THƯ

Theo ĐB Đỗ Đức Hiển, năm 2020, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết 54/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020, góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế từ tiền lương, tiền công.

Tuy nhiên, một số bất cập như cử tri đã phản ánh liên quan đến khoảng cách giữa các bậc chịu thuế, các chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế... hiện vẫn chưa được giải quyết.

ĐB Hiển cho biết Luật thuế TNCN có quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả, áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Song, mức thu nhập tính thuế thì không có quy định điều chỉnh theo CPI. “Đó là chưa kể thống kê CPI không thể bao gồm tất cả các loại chi phí và rổ hàng hóa tính CPI hiện nay cũng chưa phản ánh hết biến động giá cả của những hàng hóa, dịch vụ gắn liền với đời sống thực tế của người lao động” – ĐB Hiển nói và thông tin dù CPI biến động đến 20% thì tổng chi của hộ gia đình cũng tăng hơn rất nhiều.

Theo ĐB Hiển, hiện nay trung bình mỗi năm CPI tăng 3-4%, nếu theo quy định này thì phải đợi 5-6 năm mới giảm trừ gia cảnh cũng là điểm cần cân nhắc, đánh giá để sát với thực tế cuộc sống hơn, trong đó bao gồm cả tác động của việc tăng lương theo quy định mới.

ĐB Đỗ Đức Hiển thông tin những bất cập này cũng đã được ĐBQH phản ánh tại nghị trường QH trong kỳ họp vừa qua. Trong đó, đã kiến nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế TNCN và báo cáo Chính phủ, UBTVQH, QH xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

UBTVQH cũng đã có đề nghị Chính phủ, các cơ quan của QH lưu ý đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Đồng thời, cân nhắc thận trọng, xác định lộ trình áp dụng hợp lý, khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và nguyện vọng của cử tri.

ĐB Hiển ghi nhận ý kiến cử tri và sẽ theo dõi, đôn đốc các cơ quan để sớm đề xuất sửa đổi Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mong muốn của cử tri.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/cu-tri-quan-3-luong-moi-chua-toi-tay-gia-da-nhay-mua-post798562.html