Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh khảo sát tại huyện Tân Lạc

Ngày 21/8, tại huyện Tân Lạc, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát, nắm tình hình thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án

Ngày 21/8, tại huyện Tân Lạc, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát, nắm tình hình thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HND các cấp trong xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình hành động số 25-CTr/TU của Tỉnh ủy về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HND Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác khảo sát thực tế mô hình phát triển kinh tế của nông dân Tiểu khu 2, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc).

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác khảo sát thực tế mô hình phát triển kinh tế của nông dân Tiểu khu 2, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc).

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án 61 huyện Tân Lạc, từ năm 2021 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp hỗ trợ để HND trực tiếp tham gia một số nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; tạo điều kiện nâng cao vai trò, vị thế của HND. Đến nay, tổng mức dư nợ thường xuyên cho nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh đạt trên 440 tỷ đồng. HND huyện đã hỗ trợ 70 hội viên có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; phối hợp cấp 6.200 tem truy xuất nguồn gốc. Các cấp Hội hỗ trợ thành lập mới 12 hợp tác xã, 23 tổ hợp tác, 5 chi hội và 50 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: mô hình rau su su Quyết Chiến; cây có múi hữu cơ VietGAP Thanh Hối, Tử Nê, Đông Lai; chăn nuôi gà, nuôi cá lồng tại Suối Hoa, Phong Phú... Toàn huyện hiện có 16 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 37 vườn mẫu.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn trong thời gian tới như: Tăng cường công tác phối hợp giữa HND với các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trong triển khai các văn bản Trung ương, của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương; xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế tạo ra giá trị, thu nhập cao; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

Kết luận buổi khảo sát, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Ban Chỉ đạo 61 huyện Tân Lạc cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 61; tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế để hội viên nông dân học tập, làm theo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy nội lực trong phát triển kinh tế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; quan tâm củng cố xây dựng HND các cấp vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức, thống nhất về hành động, tiếp tục xây dựng Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/192486/ban-chi-dao-thuc-hien-de-an-61-tinh-khao-sat-tai-huyen-tan-lac.htm