Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Sáng nay 11.7.2019, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (BCĐ TƯ) Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn. Thời gian tiến hành điều tra từ ngày 1- 25.4.2019. Sau hơn 2 tháng kết thúc triển khai thu thập thông tin tại địa bàn, đến nay công tác xử lí và làm sạch số liệu cơ bản hoàn thành, sớm hơn 1 năm so với cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

Kết quả sơ bộ, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1.4.2019 tổng số dân Việt Nam hơn 96,2 triệu người, trong đó nam hơn 47,88 triệu, nữ hơn 48,32 triệu người; có gần 26,9 triệu hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Sau 10 năm kể từ 2009, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10 triệu, tỉ lệ tăng giảm nhẹ so với giai đoạn trước. Tỉ số giới tính trung bình cả nước 99,1 nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn 100,5 nam/100 nữ. Phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế - xã hội có sự khác biệt đáng kể, vùng đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất nước với 22,5 triệu người, tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,2 triệu người. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với tổng dân số 5,8 triệu người.

Toàn quốc có hơn 82 triệu người dân tộc kinh và hơn 14 triệu người dân tộc khác. Tỉ lệ đi học chung của bậc tiểu học 101%, bậc THCS 92,8%, bậc THPT 72,3%. Cả nước có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Trong tổng số gần 26,9 triệu hộ dân cư, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở. Hầu hết các hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 23,5 m2/người, cao hơn 6,8 m2 so với 10 năm trước. Quy mô dân số tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với báo cáo sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của BCĐ TƯ. Đa số ý kiến cho rằng, cuộc tổng điều tra năm nay có nhiều thuận lợi, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc thu thập thông tin tại địa bàn nhanh gọn, chính xác, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và chi phí. Đồng thời, bày tỏ quyết tâm tiếp tục chỉ đạo đơn vị, địa phương nỗ lực triển khai thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở từ nay cho đến cuối năm 2019 đạt kết quả cao nhất.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ TƯ Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, nỗ lực triển khai thực hiện đạt được kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê Việt Nam và BCĐ tổng điều tra dân số và nhà ở của các bộ, ngành, địa phương. Cuộc tổng điều tra đã diễn ra đúng kế hoạch, tiến độ, có tính chuyên nghiệp cao, khoa học, ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin hiện đại nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm an toàn tuyệt đối và thành công tốt đẹp.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới, BCĐ từ trung ương đến địa phương tiếp tục thực hiện tốt tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tổng điều tra, thực hiện các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, sâu rộng trong xã hội nhằm đạt hiệu quả cao nhất, huy động toàn thể nhân dân tham gia tích cực trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. BCĐ cấp địa phương chú trọng tổ chức tuyên truyền đến các địa bàn có khó khăn về địa lí, khó khăn do các yếu tố có tác động đến vấn đề ổn định, an ninh chính trị…

Tiếp tục chuẩn bị lực lượng điều tra (điều tra viên, giám sát viên, tổ trưởng tổ điều tra), đặc biệt là cần chuẩn bị kĩ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổng điều tra. BCĐ các cấp tại địa phương rà soát những khó khăn, vấn đề có thể phát sinh để xây dựng các phương án dự phòng rủi ro, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch, đề án bảo vệ an toàn cuộc tổng điều tra.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần bảo đảm thông suốt hệ thống thông tin và đường truyền trong quá trình thu thập thông tin tổng điều tra. BCĐ các cấp cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện điều tra, đảm bảo chất lượng thông tin tổng điều tra. Chậm nhất trong quý I/2020 (trước tết âm lịch) cả nước hoàn thành tổng điều tra; BCĐ các tỉnh, thành phố báo cáo nhanh kết quả tổ chức tổng điều tra tại địa phương, để BCĐ TƯ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

K.K.S

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=140636