Bàn cơ chế đặc thù, lãnh đạo Đà Nẵng giãi bày tâm nguyện
'Tâm nguyện của những người chuẩn bị nghỉ nhiệm kỳ này là chuẩn bị thật tốt quy hoạch chung theo nghị quyết 43 của Bộ Chính trị như là một sản phẩm để lại cho nhiệm kỳ sau', Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết một số cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, sáng 24/4.
Cả Bí thư Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đều có mặt tại phiên họp. Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo nghị quyết theo đề xuất của Chính phủ là quy định một số cơ chế, chính sách về phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên các lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư phát triển, quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đối với Thành phố Đà Nẵng.
Chính phủ đề xuất trình Quốc hội thông qua nghị quyết này ngay tại kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc ngày 20/5 tới đây) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Trong các nội dung này, nhận được sự thống nhất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thí điểm chính quyền Thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Cấp quận và phường không tổ chức hội đồng nhân dân mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là ủy ban nhân dân.
Một số đặc thù khác cũng được Thường vụ Quốc hội đồng tình, như cho phép tổng mức dư nợ vay của Thành phố không quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, hay Hội đồng nhân dân Thành phố được tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí...
Về đề xuất nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động có trình độ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên đặt ra tại nghị quyết này.
Vấn đề rất quan trọng nữa được Chính phủ đề xuất là phân quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dânThành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch Thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị Thành phố (Luật quy hoạch quy định Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị Đà Nẵng trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng).
Vấn đề này, theo thẩm quyền thì cần được Quốc hội quyết định. Nhưng theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thì có đưa ra cũng khó có thể được Quốc hội chấp nhận.
Nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là cùng một cơ chế, cùng một chính Đảng, một chính quyền, trong 20 năm qua tại sao Đà Nẵng phát triển như vậy, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói đó là lời nhắc nhở thế hệ hiện tại làm sao để đưa Đà Nẵng tiếp tục phát triển và khắc phục được những hạn chế thời gian qua.
Vấn đề rất cần phải xem xét và suy nghĩ, Theo Bí thư, cũng có ý kiến nói Đà Nẵng là thành phố có diện tích nhỏ (1.255,53 km2), dư địa có thể khó phát triển, có người đặt vấn đề có nên quay lại thành phố Quảng Nam - Đà Nẵng không (Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 1997 - PV). Thế nhưng, một đất nước có diện tích tương đương Đà Nẵng là Singapore, điều kỳ lạ là GDP của họ còn hơn cả GDP của Việt Nam. Trong khi Đà Nẵng mới chỉ đóng góp 1,55% GDP của cả nước, vì thế rất cần xem xét lại.
Nếu như có cơ chế tốt, Đà Nẵng chỉ cần đóng góp tăng lên 2%, 3 hay 4, hoặc 5% thì đã có nhiều thay đổi rồi. Phải chăng vấn đề cơ chế làm sao cho Đà Nẵng phát triển cũng là vấn đề hết sức cần phải quan tâm, ông Nghĩa phát biểu.
Vị lãnh đạo cao nhất của Thành phố Đà Nẵng cũng nhấn mạnh nguyện vọng cần có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng phát triển, "để chúng tôi có cơ hội đóng góp lớn hơn cho đất nước, từ tâm khảm chúng tôi luôn nghĩ như vậy".
Bí thư Đà Nẵng cũng mong được sớm có quyết định về những cơ chế Thành phố xin thí điểm, để địa phương này còn tổ chức Đại hội Đảng các cấp.
"Tâm nguyện của những người chuẩn bị nghỉ nhiệm kỳ này là chuẩn bị thật tốt quy hoạch chung theo nghị quyết 43 của Bộ Chính trị mà nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển cho Thành phố là công cụ để thực hiện tốt Nghị quyết 43, như là một sản phẩm để lại cho nhiệm kỳ sau", ông Nghĩa nói.
Nếu điều tiết hợp lý, có cơ chế đặc thù thì Đà Nẵng sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ với tâm tư của Bí thư Trương Quang Nghĩa.
Xin rút không trình Quốc hội cơ chế về thuế nữa, song Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ tha thiết xin được giữ lại cơ chế tại Nghị định 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ. Tại đây Thành phố đã được phân cấp điều chỉnh cục bộ trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương trong từng giai đoạn và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Đà nẵng đã thực hiện rất nhiều điểu chỉnh cục bộ quy hoạch và không có vấn đề gì lớn, ông Thơ trình bày.
Sau các ý kiến còn rất khác nhau tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ nội dung, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến để xử lý, còn những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội cần thiết phải trình ra để đảm bảo tính chất đặc thù cho Thành phố Đà Nẵng thì sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.