'Bạn có thể đàm phán bất cứ điều gì'- nghệ thuật giữ gìn các mối quan hệ
Thế giới là một cuộc đàm phán khổng lồ, dù muốn hay không, bạn đều tham dự ít nhiều. Bạn muốn gì và sẽ nhận được những gì từ những cuộc đàm phán ấy? Năng lực đàm phán của mỗi người sẽ luôn thể hiện ý thức làm chủ cuộc đời và góp phần tạo nên những thành tựu từng bước trong cuộc đời. Bạn có thể đàm phán bất cứ điều gì. Điều cốt yếu là bạn phải có niềm tin và phải xây dựng niềm tin đó với đối tác cần đàm phán. Đó là tất cả những gì mà cuốn sách nhỏ gọn cầm tay hơn 300 trang hé lộ.
Hầu như mọi thứ đều có thể đàm phán. Tuy nhiên theo tác giả điểm mấu chốt đầu tiên để tìm hiểu cuộc đàm phán của mình đó chính là thông tin. Bạn đã biết được bao nhiêu về đối tượng, về nhu cầu và khả năng của chính họ. Yếu tố thứ hai chính là thời gian; và thứ ba là quyền lực. Nếu bạn để lộ cho đối tượng biết quá nhiều thông tin về chính mình và ngược lại quá ít thông tin về đối tượng, thì lời khuyên chân thành của tác giả là đừng vội bước vào cuộc đàm phán.
Hãy bước vào cuộc đàm phán, dựa trên câu trả lời sau: mình có thoải mái đàm phán trong trường hợp này không, việc đàm phán có thỏa mãn nhu cầu của mình không và công sức, thời gian mình bỏ ra có xứng đáng với những lợi ích nhận được từ sự đối đầu này không? Khi có câu trả lời “có” hãy bình tĩnh đàm phán và đừng bao giờ để người không quan tâm đến quyền lợi của bạn điều khiển hoặc dọa dẫm bạn.
Những tình huống giản dị, đời thường mà cuốn sách bỏ túi này đưa ra rất dễ hình dung và thực hành. Ví dụ, bạn muốn mua một cái tủ lạnh, vậy thì đừng bao giờ đùng đùng vào cửa hàng, buông một câu, và quay ra khi không được giá theo ý mình. Hãy trì hoãn và bắt đầu bằng một cuộc đàm phán khi nhu cầu của bạn là khoản tiền có hạn và đồ dùng ổn nhất; còn nhu cầu của người bán là muốn giá cao và bán được hàng. Nếu bạn không tương tác với người bán chỉ cộc lốc một câu rồi bỏ đi, thì chắc chắn người bán hàng sẽ không thể tương tác với bạn vì giữa bạn và họ chưa xảy ra một mối quan hệ đáng quan tâm nào. Trước tiên, bạn hãy tiếp xúc thật nhiều với người bán, tương tác với họ, đàm phán và để lộ những điều bạn chưa hài lòng để thuận lợi mặc cả. Một bí mật thú vị mà sách đã chỉ ra đó là: khi bạn và người bán có mối tương tác đáng đầu tư theo thời gian và công sức thì tin đi, đến lúc đàm phán ít ra bạn cũng thuận lợi vì đã đặt người bán vào tình huống: thà bán còn hơn không. Bí quyết đã được rút ra, đàm phán chỉ thuận lợi và có cơ hội thành công khi nỗ lực xây dựng một mối quan hệ tương tác, có đầu tư thời gian công sức từ buổi ban đầu.
Cũng theo tác giả, đàm phán thành công nằm ở việc tìm ra nhu cầu thật sự của phía kia và chỉ ra cho họ cách thức thỏa mãn chúng, trong khi bạn cũng đạt được thứ mình muốn.
Giờ đây, toàn cầu đang nói đến rất nhiều về kỹ thuật Win- Win (cùng thắng). Theo tác giả, kỹ thuật là cơ chế hoạt động phức hợp dựa trên 3 yếu tố: xây dựng lòng tin, đạt được cam kết và giải quyết xung đột. Điểm mấu chốt là phải xây dựng lòng tin, thành ý bằng việc bản thân tin tưởng đối tác, đối phương và luôn phát đi thông điệp ấy ra bên ngoài. Đáng chú ý hơn, trước khi quá trình đàm phán diễn ra, hãy hành động thận trọng và cân não, hãy lưu ý từng hành động của mình. Bởi theo tác giả, vận may sẽ đến với bất cứ ai “Khi sử dụng thời gian chuẩn bị để vun trồng một môi trường tin cậy”.
Đàm phán là một nghệ thuật của người trưởng thành dựa trên việc xây dựng các mối quan hệ. Việc xây dựng các mối quan hệ này nếu không dựa trên sự tin tưởng cũng giống như xây lâu đài trên cát lún. Nền tảng của việc thi công này là tin tưởng, chất liệu của nó là sự thấu hiểu. Và bạn có biết lớp sơn đẹp nhất phủ lên là gì không, đôi khi là sự nhường nhịn, biết hy sinh và biết nghĩ cho người khác. Cho đi là nhận lại, cho một chút để giữ hòa khí và kiên quyết không chạm tới lằn ranh nguyên tắc đề ra của chính mình.
Sách nhỏ gọn, có thể mang đi theo người bất cứ đâu. Hãy lật giở từng trang và ứng dụng ngay trong các tình huống. Nếu gia đình bạn có bao nhiêu thành viên là có từng ấy nguyện vọng. Khi bước vào cuộc đàm phán nhỏ để thỏa mãn nhu cầu của tất cả các thành viên ấy, hãy tự niệm trong mình một câu thần chú: tin tưởng lẫn nhau, thấu hiểu nhu cầu, và cân bằng lợi ích. Suy rộng ra, trong một tập thể, một đơn vị, hay trong cộng đồng, câu thần chú ấy luôn đúng. Đàm phán đúng là sau khi kết thúc, nhu cầu của bản thân vừa được thỏa mãn ấy cũng là lúc bắt đầu một mối quan hệ thiện chí. Đàm phán đúng là kết quả của quá trình dày công, tìm hiểu, tin tưởng và từng bước kiến tạo thêm những giá trị mới. Và đàm phán đúng cũng có nghĩa là bước vào đàm phán hãy ngồi với một tâm thế: Bạn có thể đàm phán bất cứ điều gì!