Bán công ty trị giá 20 tỷ USD sau 10 năm bỏ đại học
Sau 10 năm phát triển, Figma do Dylan Field thành lập đạt thỏa thuận bán cho Adobe với định giá 20 tỷ USD.
Năm 2012, Dylan Field (30 tuổi) đã quyết định bỏ học tại một trường đại học thuộc Ivy League danh giá để mở công ty phần mềm Figma, với gói tài trợ từ tỷ phú Peter Thiel. Chỉ 10 năm sau, số cổ phần của anh tại công ty trị giá lên đến 2 tỷ USD.
Sau thỏa thuận bán lại Figma cho Adobe với giá 20 tỷ USD, Field trở thành người thành công nhất sau khi nhận đầu tư từ chương trình Thiel Fellowship, chuyên tài trợ cho các sinh viên bỏ học khởi nghiệp.
Bỏ học để trở thành tỷ phú
Theo Bloomberg, Field là một trong số ít trường hợp thành công sau khi đánh cược con đường học tập. Anh đã sáng lập Figma cùng với người bạn học Evan Wallace. Giờ đây, Field đã bán lại công ty cho Adobe với giá 20 tỷ USD. Thương vụ sẽ còn phải được các cơ quan chống độc quyền thông qua, dự kiến hoàn tất vào năm 2023.
Số 10% cổ phần của anh tại Figma trị giá hơn 2 tỷ USD khi thỏa thuận mua lại hoàn tất, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Adobe còn trích ra 6 triệu đơn vị cổ phiếu hạn chế trị giá gần 1,8 tỷ USD cho anh và nhân viên, được hưởng vào năm 2026.
Tuy nhiên, trong một buổi phỏng vấn, Field lại tỏ ra không mấy hứng thú với khối tài sản này. “Từ trước đến nay điều tôi quan tâm vốn không phải là tiền”, chàng tỷ phú chia sẻ.
Theo Fortune, Dylan Field đã có ý muốn trở thành nhà khởi nghiệp thành công hơn là một sinh viên bình thường từ sớm. Anh tự học và biết cách sử dụng máy tính từ khi lên 3 và có hứng thú với lĩnh vực robot hơn cả việc học.
Vì thế, Field đã quyết định nộp đơn vào Thiel Fellowship, chương trình hỗ trợ 100.000 USD cho những cá nhân bỏ học muốn khởi nghiệp, sau đó nghỉ học tại Đại học Brown vào năm 2012.
Sau khi giành được tài trợ từ chương trình, anh thành lập Figma, kết hợp nhiều công cụ thiết kế chỉ trên một trang web. Jimmy Koppel, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp Mirdin cũng tham gia quỹ đầu tư của tỷ phú Peter Thiel, cho biết start-up của Field là một trong những hình mẫu thành công nhất của chương trình.
Mô tả về Dylan Field, người quen của anh đều cho biết anh là một người rất tử tế. Trong vòng thi cuối tranh suất đầu tư của chương trình Thiel, chàng tỷ phú còn yêu cầu ban tổ chức bổ sung các tiêu chí đánh giá liệu các ứng cử viên có đủ phẩm chất để nhận tài trợ hay không.
Anh từng phủ nhận lời khen rằng có thể sẽ trở thành “hậu duệ của Steve Jobs” vì muốn dành thời gian riêng cho mình và người thân.
Ilya Vakhutinsky, cũng tham gia chương trình này, nói rằng anh hy vọng sự tử tế và năng lượng tích cực của Field sẽ lan tỏa đến Adobe. “Đây là một bước tiến tuyệt vời dành cho Adobe nhưng cũng nên nhớ rằng cộng đồng thiết kế rất khó chiều”, anh cho biết.
Vững chân giữa hàng loạt công ty công nghệ lao dốc
Chương trình Thiel Fellowship do nhà đồng sáng lập PayPal, Peter Thiel, thành lập nhằm hỗ trợ các sinh viên bỏ học và mở công ty riêng với khoản tài trợ 100.000 USD. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này nhận không ít phản ứng trái chiều.
Mặc dù vẫn có những trường hợp thành công điển hình như Dylan Field hay Vitalik Buterin, nhà sáng lập Ethereum, những người khác đều gặp thất bại và không thể quay lại con đường học tập trước đó đã bỏ lỡ.
Nhưng cũng chính nhờ chương trình tài trợ này, Field đã tìm ra một hướng đi khác cho mình, là lĩnh vực tiền mã hóa. Lúc đầu, anh không có hứng thú mấy với thị trường này nhưng cuối cùng lại tham gia đầu tư. Năm ngoái, Field đã bán một NFT nổi tiếng với giá 4.200 Ethereum, tương đương 7,5 triệu USD ngay khi token này lập kỷ lục giá.
Figma đã phát triển mạnh trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19. Lượng người dùng tăng vọt vì mọi người đều cần những công cụ tích hợp để học tập và làm việc. Năm 2018, công ty trị giá khoảng 115 triệu USD nhưng vào tháng 6/2021, con số này đã tăng đến 10 tỷ USD.
Đến thời điểm hiện tại, khi Adobe ngỏ lời mua lại, giá trị của công ty đã tăng gấp đôi, lên 20 tỷ USD. Doanh thu của start-up này 2 năm trước khoảng 75 triệu USD, nhưng Adobe kỳ vọng doanh thu của Figma sẽ chạm mốc 400 triệu USD vào năm 2022.
Carmel DeAmicis tham gia Figma từ những ngày đầu tiên. Khi đó, đội ngũ của công ty còn chưa đến 20 người. Nhưng cô sẵn sàng từ chối mọi lời mời hấp dẫn khác vì yêu thích không khí làm việc thân thiện ở đây.
Khác với văn hóa tiệc tùng, nhậu nhẹt tại các công ty start-up khác, không khí ở Figma như một gia đình. Đôi lúc, ở những thời khắc mấu chốt, Field còn trông giống người mẹ của cả công ty.
Theo David Wadhwani, Chủ tịch mảng truyền thông số của Adobe, Field sẽ tiếp tục quản lý đội ngũ của Figma và ứng dụng này sẽ hoạt động độc lập như trước đây. “Chúng tôi tin chắc rằng Figma sẽ mang lại giá trị lớn cho các nhà đầu tư trong thời gian dài”, CEO Shantanu Narayen của Adobe khẳng định.
Nhà sáng lập Dylan Field cho biết nguyên nhân giúp Figma vẫn vững chân dù các công ty công nghệ khác xuống dốc là vì nếu không đầu tư vào thiết kế, họ sẽ rất dễ gặp thất bại. “Vì thế, Adobe biết rõ điều gì là cần thiết và sẽ là xu hướng trong thị trường này”, anh cho biết.
Nhưng anh cũng có định hướng riêng và không tự mãn trước những thành quả của mình. Năm ngoái, khi Figma sắp sửa được niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán, Field đã khẳng định trên Twitter rằng mục tiêu của anh là phát triển Figma theo hướng riêng chứ không phải bắt chước Adobe.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ty-phu-bo-hoc-dai-hoc-vua-ban-cong-ty-20-ty-usd-post1356863.html